Gặp bạn hàng vô lương
Từ một gia đình buôn bán giàu có nức tiếng, bà Nguyễn Thái Thanh (SN 1966, tạm trú 77 Hàng Gai, Hà Nội) lâm cảnh bần cùng, bán nhà ra thuê phòng trọ, vợ chồng ly tán chỉ vì quyết định khởi tố oan sai của các cơ quan tố tụng. Trước đó bà và bố bị công an Hà Nội khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bị toà tuyên án tù.
Vụ án của bà Thanh là một trong những vụ án kinh tế nổi cộm vào thời gian nước ta mới mở cửa phát triển kinh tế.
Đầu những năm 1990, khu vực Hàng Gai nổi tiếng là điểm sản xuất, thu gom hàng may mặc quy mô chuyển ra nước ngoài, chủ yếu là Nga. Cuối năm 1991, bà Thanh mang thai nên nhờ bố là ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1942) sang Nga giao hàng.
Trong thời gian sang Nga, ông Tuấn gặp Nguyễn Huy Mỹ (SN 1949, cán bộ nghiên cứu khoa học tại Nga) cũng ra sân bay nhận hàng. Qua trò chuyện, hai bên làm quen và kết giao quan hệ buôn bán.
Theo đó, Mỹ cung cấp vốn để ông Tuấn mua hàng tại Việt Nam gửi sang Nga bán, lợi nhuận chia đôi.
Từ tháng 12/1991 đến giữa năm 1992, công việc buôn bán trôi chảy. Theo lời bà Thanh, đến đợt xuất hàng thứ 5, đối tác ở nước ngoài chậm chuyển tiền trong khi các chủ hàng tại Việt Nam liên tiếp gây sức ép buộc bà đến nhà Mỹ trên đường Giảng Võ gây sức ép.
Lúc này, Mỹ lấy lý do hàng còn tồn nhiều nên chưa có tiền trả. Để chắc chắn, bà Thanh nhờ bố sang tận Nga kiểm tra. Bị chủ hàng sang tận nơi “bắt vạ”, Mỹ trở về Việt Nam tính toán trả cho bà Thanh, nhờ ông Tuấn ở lại trông coi một số kiện hàng là “của chung”. Ở bên Nga một thời gian, vì hết thời hạn visa, cha bà Thanh buộc phải về nước.
Vì không thoả thuận được tiền lời, bà Thanh làm đơn ra quận Ba Đình (là nơi người này cư trú) đòi ông Mỹ trả mình 17.000 USD. Do có yếu tố người nước ngoài, vượt quá thẩm quyền, nên vụ kiện vẫn dậm chân tại chỗ.
Bất ngờ đầu năm 1994, cha con bà Thanh nhận được giấy triệu tập của công an quận Hoàn Kiếm, mời lên làm việc vì bị ông Mỹ tố cáo chiếm đoạt 80 kiện hàng tại Nga.
Bẵng đi 1 năm sau, bà Thanh tiếp tục bị công an TP.Hà Nội triệu tập làm việc về hành vi trốn thuế (thuế doanh thu và thuế lợi tức). Nhưng theo bà Thanh, mình không phải đối tượng nộp thuế bởi chỉ là người đi mua hàng, không ai đánh thuế người mua hàng.
Hơn nữa chính sách bấy giờ đang có chế độ ưu đãi miễn thuế hàng may mặc. Tranh cãi mãi, tập hồ sơ vẫn bị CQĐT chuyển sang VKS Hà Nội: “Cuối cùng tôi đành nộp khoản thuế doanh thu, VKS có đơn đề nghị miễn thuế lợi tức, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ đó CQĐT đình chỉ điều tra nhưng tôi vẫn mang tiền sự. Tất cả đều do ông Mỹ vu khống “chơi xỏ” gia đình tôi”, bà Thanh trình bày.
Sóng gió chưa hết
Gia đình bà Thanh cứ ngỡ từ sau vụ kiện cáo thuế má, đã có thể yên tâm làm ăn. Ai ngờ đúng 1 năm sau, ngày 5/5/1995, cha bà Thanh bất ngờ bị khởi tố vì CQĐT cho rằng có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 80 kiện hàng trị giá 43.000 USD.
Bà Thanh kêu oan cho cha, nhưng đến ngày 31/10/1996 cũng bị khởi tố vai trò đồng phạm.
Giữa tháng 9/1998, TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án, cho rằng ông Tuấn phạm tội chiếm đoạt số hàng trị giá 43.000USD (nhưng được trừ đi số tiền hàng “bị hại” Mỹ thiếu, còn lại 25.150 USD). Bản án sơ thẩm tuyên phạt ông Tuấn 7 năm tù giam. Còn bà Thanh, không đủ cơ sở buộc tội.
Sau phiên toà, cả bị cáo lẫn “bị hại” đều kháng cáo. VKS Hà Nội cũng kháng nghị phải xử lý bà Thanh mức án 4-5 năm tù. Đầu tháng 5/1999, TANDTC tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm.
Tại phiên toà, đại diện VKSNDTC đã rút toàn bộ nội dung kháng nghị của VKSND Hà Nội và đề nghị toà phúc thẩm huỷ án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Tuấn không phạm tội. Đồng thời VKSNDTC kiến nghị CQĐT xem xét, xử lý hành vi tố cáo sai sự thật của ông Mỹ.
Trong phiên phúc phẩm, HĐXX đã chỉ ra nhiều “lỗ hổng” tố tụng của phiên toà sơ thẩm.
Sau đó, CQĐT Bộ Công an được giao điều tra lại vụ án. Sau hơn 1 năm làm việc, ngày 8/10/2000, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, khẳng định cha con ông Tuấn, bà Thanh không có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tài sản, hạnh phúc gia đình của bà Thanh đã thành bọt biển sau án oan |
Sạt nghiệp vì án oan
Sau khi được minh oan, bà Thanh nhiều lần gửi đơn kiện ông Mỹ hành vi tố cáo sai sự thật, nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời nào từ cơ quan chức năng.
Từ một gia đình giàu có ở Hà Nội, việc vướng vào kiện tụng đã khiến kinh tế của bà Thanh tụt dốc thê thảm: “Những năm trước đi nước ngoài buôn bán liên tục nhưng khi “dính” vào vụ kiện, tôi bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Mọi công việc buôn bán đều dừng lại. Chúng tôi phải bán mấy căn nhà để trang trải nợ nần. Sức khoẻ của hai bố con suy sụp. Vợ chồng tôi cũng ly tán vì kiện tụng”, bà Thanh sụt sùi.
Bị khởi tố oan sai, bà Thanh mất tất cả, nhưng không biết kêu cứu cơ quan nào. Đến khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 388 ngày 17/3/2003 về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai, bà Thanh cũng không hay.
“Chúng tôi mải buôn bán kiếm ăn qua ngày, không để ý đến pháp luật, ai ngờ tai hại”, bà kể.
Đến tháng 7/2005 bà Thanh mới biết đến quy định bồi thường oan sai, làm đơn gửi đến VKSND và TAND Hà Nội yêu cầu được giải quyết. Các cơ quan này trả lời cha con bà thuộc diện được bồi thường nhưng… đã hết thời hiệu giải quyết.
Không thoả mãn, hai cha con tiếp tục gõ cửa các cơ quan đề nghị được bồi thường. Bà uất ức: “Chẳng lẽ cứ khởi tố, xét xử, nhưng đến khi bị cáo được minh oan thì chỉ biết im bặt?”./.