Ly hôn vợ ngoại, Tòa án cấp nào giải quyết?

(PLO) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, ngày càng có nhiều quan hệ hôn nhân giữa chồng Việt, vợ  người nước ngoài và ngược lại. 
l Từng ngợi ca chồng Tây nhưng khi chung sống, sự bất đồng ngôn ngữ, phong tục… khiến hôn nhân của nữ diễn viên Phi Thanh Vân tan vỡ.
Không ít cuộc hôn nhân với vợ hoặc chồng ngoại phát triển rất tốt đẹp, nhưng cũng có một số trường hợp do bất đồng ngôn ngữ, lối sống, văn hóa… buộc phải chấm dứt hôn nhân khiến người ở trong hoàn cảnh này khá bối rối vì thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Việt (TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) là một dẫn chứng về thực trạng nói trên. 
Cụ thể, anh Việt cho hay: “Năm 2008, tôi lấy vợ người nước ngoài kết hôn tại Lào Cai, sinh sống tại ngôi nhà của tôi do bố mẹ tôi cho trước khi chúng tôi kết hôn (có hợp đồng tặng cho). Nhưng sau đó do có sự khác biệt về văn hoá, lối sống… nên cuộc sống vợ chồng đã có nhiều mâu thuẫn và vợ chồng sống ly thân. Trong một lần cãi cọ, vợ tôi đã lấy bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kêt hôn tiêu huỷ. Năm 2011, vợ tôi chung sống với người khác nhưng chỗ ở không cố định, hoàn cảnh cũng khó khăn. Bây giờ tôi muốn làm thủ tục ly hôn đơn phương thì phải cần những giấy tờ gì và thủ tục tiến hành tại toà án nào? Nếu không có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc thì tôi có khởi kiện ra toà án được không ?”.
Xung quanh vấn đề này, Luật sư Hà Huy Từ (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, do vợ anh Việt là người nước ngoài nên vụ việc của anh được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật liên quan đến yếu tố nước ngoài. Theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành những quy định trong “Phần thứ nhất” Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 như sau: “4.1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm: Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha, mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 102 của Luật Hôn nhân và Gia đình là thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam.” Do anh đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lào Cai, vợ anh là người nước ngoài nên trong trường hợp này, Toà án giải quyết là TAND TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Để giải quyết được việc ly hôn, anh cần chuẩn bị bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ sau: Đơn xin ly hôn (theo mẫu của toà); Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực); Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực - nếu anh chị đã có con chung); các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung.
Trường hợp anh không còn bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do vợ  anh đã tiêu hủy thì anh phải thông qua Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai xin xác nhận của UBND tỉnh Lào Cai và nộp tại Toà án để toà thụ lý giải quyết. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 thì: “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Như vậy, nếu vợ anh khó khăn về chỗ ở thì chị ấy có quyền lưu cư tại nhà anh trong thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm anh chị ly hôn sau ngày 1/1/2015. H.H.T
 “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.” - Điều 63 Luật Hôn nhân Gia đình 2014.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm