Vụ bắt giữ trong đêm
Khoảng 20h ngày 21/8/1981, cảnh sát Mỹ với sự hỗ trợ của FBI đã bắt giữ đối tượng Christopher John Boyce, khép lại cuộc truy bắt có quy mô lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử cơ quan này những năm 1980. Trước đó 18 tháng, đêm muộn ngày 21/1/1980, với sự hỗ trợ của những tù nhân khác, Boyce đã nấp trong một hố thoát nước, sử dụng một chiếc thang tự chế và những mảnh thiếc để cắt hàng rào dây thép gai và trốn ra khỏi nhà tù liên bang Mỹ ở Lompoc, bang California.
Ngay sau vụ trốn trại chấn động đó, cảnh sát Mỹ đã mở một cuộc điều tra quy mô lớn, huy động sự tham gia của cảnh sát cả trong và ngoài nước. Trong quá trình đó, hơn 800 cuộc thẩm vấn đã được thực hiện, hàng trăm đầu mối điều tra được tìm hiểu.
Nhiều mục tiêu cũng đã được xác định nhưng rồi lại được loại bỏ dần. Phải đến tận đầu tháng 8/1981, cảnh sát Mỹ mới có được bước đột phá đầu tiên trong cuộc điều tra về vụ trốn trại, khi nhận được tin báo cho biết Boyce có thể đang trốn ở khu vực Tây Bắc bang Washington. Sau tin báo, một nhóm đặc nhiệm bao gồm các cảnh sát, điệp viên FBI và cả lực lượng tuần tra biên giới Mỹ đã được thành lập.
Christopher John Boyce bị bắt giữ trong đêm. |
Việc theo dõi 24/7 được triển khai tại nhiều địa điểm, với hàng loạt nhân lực được cử trà trộn vào các cộng đồng dân cư để thăm dò. Cuối cùng, họ cũng xác định được Boyce đang lẩn trốn ở cảng Angeles, Washington. Đến tối 21/8, ngay khi phát hiện Boyce đi mua bia ở một cửa hàng tiện lợi ở địa phương, 5 điều tra viên của lực lượng cảnh sát tư pháp Mỹ với sự hỗ trợ của 2 điệp viên FBI đã quyết định hành động. Boyce bị bắt giữ khi vừa bước ra khỏi cửa hàng.
Boyce là ai?
Tại thời điểm bỏ trốn khỏi nhà tù liên bang Mỹ, Boyce đang thụ án 40 năm tù giam vì tội làm gián điệp. Anh ta bị buộc tội đã cùng đồng phạm Andrew Daulton Lee chuyển cho Liên Xô những thông tin tuyệt mật về công nghệ vệ tinh của Mỹ.
Boyce nổi tiếng với biệt danh “Chim ưng” vì sở thích săn chim ưng, còn Lee có biệt danh “Người tuyết” vì liên tục vướng phải những rắc rối với lực lượng hành pháp Mỹ. Vụ việc làm gián điệp của “cặp đôi hoàn hảo” này khi bị phanh phui đã khiến không ít người bất ngờ bởi cả 2 đều được cho là không có nhiều “tố chất” để trở thành điệp viên.
Lee là con nuôi của một nhà nghiên cứu bệnh học giàu có sống ở một trong khu dân cư trù phú nhất ở phía Nam California. Khi còn học tiểu học, trong những lần đi nhà thờ, cậu ta tình cờ gặp và kết thân với cậu bạn nhỏ hơn 1 tuổi tên Chris Boyce - con trai của một cựu nhân viên FBI. Đến tuổi thành niên, Lee và Boyce có đủ mọi thứ mà những người thuộc tầng lớp thượng lưu lúc bấy giờ có, từ tiền bạc, xe hơi cho đến triển vọng thành công sau này.
Tuy nhiên, khi làn sóng ma túy quét qua nước Mỹ vào cuối những năm 1960, Lee đã không thoát được khỏi vòng xoáy đó. Năm 1971, anh ta bị cảnh sát bắt lần đầu vì tội tàng trữ ma túy và phải chịu án quản chế. Trong gần 2 năm tiếp theo đó, anh ta trở thành một chân rết buôn bán “cái chết trắng” và thêm vài lần bị bắt giữ các tội danh khác nhau. Năm 1975, để tránh việc bị tống giam do vi phạm lệnh quản chế, Lee quyết định rời khỏi nước Mỹ.
Ngược lại, Chris Boyce chưa từng gặp rắc rối về luật pháp. Có IQ lên đến 145, anh ta có thể dễ dàng đạt được toàn điểm A. Song, cũng như Lee, Boyce cũng gặp khó khăn trong việc khẳng định bản thân sau khi tốt nghiệp trung học. Ghi danh vào 3 trường đại học nhưng đều bỏ dở giữa chừng, đến năm 1974, anh ta quyết định nghỉ học hẳn để đi làm.
Nhờ có cha là giám đốc an ninh của công ty sản xuất máy bay McDonnell Douglas, anh ta đã dễ dàng xin được vào làm cho công ty TRW - nhà sản xuất của các vệ tinh “gián điệp” của CIA. Những vệ tinh này thời điểm đó được cho là đã đánh dấu cuộc cách mạng trong hoạt động gián điệp khi thực hiện được nhiều phần việc vốn trước đó đều do con người tiến hành.
Tại TRW, dù không có bằng cấp hay kinh nghiệm nhưng Boyce vẫn thăng tiến nhanh chóng, được giao điều hành “hầm đen” hay phòng mật mã. Chỉ có 8 người vượt qua được kỳ kiểm tra lý lịch sâu nhất của CIA mới được phép vào căn phòng này. Trước khi vào phòng, tất cả đều phải trải qua 3 vòng kiểm tra an ninh, bao gồm chốt canh, cửa giám sát và hàng chục lính canh.
Trong số những bí mật được xử lý trong căn hầm đó còn có cả các tài liệu về mật mã được thay đổi hàng ngày để các nước khác dù có nhận được tín hiệu cũng không thể giải mật được những liên lạc của Mỹ. Không chỉ vậy, Boyce còn được xử lý các tài liệu mã hóa - tức là trọng tâm của hoạt động gián điệp của Mỹ.
Cặp đôi hoàn hảo
Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, Boyce nhận thấy anh ta đang làm việc với các công cụ được Chính phủ Mỹ sử dụng để gây chiến khắp nơi, trong đó có cuộc chiến tranh mà anh ta cho là “vô vọng” ở Việt Nam. Cái giá phải trả là mạng sống của hơn 50.000 thanh niên Mỹ, trong đó có nhiều bạn bè của anh ta.
Khi biết thêm được nhiều về các chiến dịch do Chính phủ Mỹ tiến hành ở nước ngoài lúc bấy giờ, Boyce càng bất mãn hơn. Cho rằng nếu những bí mật mà anh ta đang nắm giữ lọt vào tay một cường quốc như Liên Xô, họ sẽ có cách để ngăn chặn chính sách hiếu chiến của Mỹ, Boyce quyết định sẽ bí mật sao chép lại các tài liệu ở hầm đen để chuyển giao cho Đại sứ quán Liên Xô ở Mexico và Áo. Người được anh ta lựa chọn để thực hiện kế hoạch chính là Lee. Sau một thời gian cân nhắc, Lee cuối cùng đồng ý tham gia kế hoạch nguy hiểm đó.
Một ngày xuân năm 1975, Andrew Daulton Lee bấm chuông tại Đại sứ quán Liên Xô tại thành phố Mexico. Sau khi được mời vào bên trong, anh ta nói muốn bán tin mật từ phòng mật mã của CIA do chính một người điều hành ở đó cung cấp. Sau suốt 5 giờ hỏi han, người Nga cuối cùng đã tin tưởng và đồng ý hợp tác với Lee. Về sau, phía Liên Xô cấp tiền để Lee mua cho Boyce một chiếc máy ảnh siêu nhỏ phục vụ cho việc chụp tài liệu. Từ đó, Boyce thường xuyên đến cơ quan sớm và về rất muộn để chụp các tài liệu.
Trong các năm 1975 và 1976, Lee đã thường xuyên tới thành phố Mexico để trao tài liệu mật do Boyce giao cho cho Liên Xô. Từ những thông tin nhận được, KGB đã có thể bắt tay vào nghiên cứu về các thông tin có thể gây nhiễu loạn hoặc vô hiệu hóa hệ thống cảnh báo của Mỹ trong trường hợp Liên Xô tiến hành tấn công hạt nhân bí mật vào nước Mỹ. Ngoài ra, bộ đôi gián điệp Lee - Boyce còn được cho là đã chuyển cho phía Liên Xô những thông tin các địa điểm thử tên lửa của Mỹ cũng như năng lực tấn công chiến lược của nước này...
Tuy nhiên, trong một lần tới Đại sứ quán Liên Xô để chuyển tin vào tháng 1/1977, Lee đã bị cảnh sát Mexico bắt giữ vì bị tình nghi có liên quan đến một nhóm khủng bố. Anh ta đã cố tìm cách tẩu tán tài liệu chứa trong chiếc máy ảnh siêu nhỏ được ngụy trang trong đầu mẩu thuốc lá nhưng vẫn bị phát hiện.
Lee sau đó bị bàn giao cho Đại sứ quán Mỹ ở Mexico rồi bị bắt giữ. 10 ngày sau đó, Boyce cũng bị FBI bắt khi vừa đi săn chim ưng về. Lee về sau bị kết án tù chung thân còn Boyce nhận bản án 40 năm tù. Bản án của Boyce sau đó tăng thêm 28 năm sau khi anh ta trốn trại.