Ly kỳ chuyện hạ sinh tướng Bạch Hổ
Đền Mây thờ tướng quân Phạm Phòng Át (tức Phạm Bạch Hổ), vị tướng tài của nước ta trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập tự chủ (đầu thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ XI).
Tương truyền, tướng Phạm Bạch Hổ được sinh ra trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Tương truyền rằng, xưa kia ở Trang Ngọc Đường, phủ Khoái Châu có một người hiền nữ, tên gọi Doanh Nương. Doanh Nương có sắc đẹp tựa như ngọc, mặt hoa da phấn. Một hôm Doanh Nương nằm mơ thấy Sơn Tinh và hổ trắng. Sau đó, Doanh Nương mang thai rồi sinh một người con trai khôi ngôi, tuấn tú, nàng đặt tên là Phạm Bạch Hổ (tự là Phạm Phòng Át).
Bạch Hổ lớn lên có thân hình vạm vỡ, mạnh mẽ tựa như hổ, thông minh hơn người, văn võ song toàn, mới bảy tuổi đã thông thạo văn chương. Phạm Bạch Hổ từng làm hào trưởng đất Đằng Châu, là tướng tài của Dương Đình Nghệ. Năm Tân Mão (931), ông giúp chủ tướng đánh đuổi Lý Tiến, thứ sử Giao Châu; đánh bại Trần Báo do Đường Minh Tông cử sang cứu viện, rồi xưng tiết độ sứ.
Khi Kiều Công Tiễn, một nha tướng của Dương Đình Nghệ giết chết chủ tướng, đoạt chức rồi cầu cứu quân Nam Hán xâm lược nước ta. Phạm Bạch Hổ đã phối hợp với Ngô Quyền đem quân tiêu diệt Kiều Công Tiễn và đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938). Sau khi lên ngôi, Ngô Quyền làm vua được 6 năm rồi mất.
Ngô triều suy thoái, đất nước có nguy cơ không tự chủ nổi. Mười hai sứ quân đứng lên, mỗi người hùng cứ một nơi. Phạm Bạch Hổ trấn giữ phủ Khoái Châu, tuần phòng lên tới cửa sông Hát. Sau này, Phạm Bạch Hổ cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thành trọng thần nhà Đinh. Ngày 16/11 năm Nhâm Thân (972), Phạm Bạch Hổ mất tại quê nhà, thọ 62 tuổi. Đinh Tiên Hoàng đã cho nhân dân lập đền thờ, các triều đại đều phong tặng ông là: “Khai thiên hộ quốc tối linh thần”.
Linh thiêng ở đền Mây
Trong dân gian còn truyền nhau những câu chuyện kỳ lạ tại đền Mây. Tương truyền rằng, lúc chưa lên ngôi Vua Lê Ngọa Triều (tức Lê Long Đĩnh) thường bơi thuyền dạo chơi ở Đằng Châu. Một hôm thuyền đang trên sông bỗng mây kéo đến tối sầm, gió thổi rất mạnh, mưa sắp đổ xuống, Long Đĩnh tìm nơi trú ẩn, thấy trên bờ sông có đền, mới hỏi người làng rằng: “Đền thờ thần gì?”, người làng thưa: “Đây là đền thờ thần thổ địa”. Vương hỏi “có thiêng không?” người dân thưa: “Đây là chỗ dựa của một châu, lễ cầu mưa, cầu tạnh đều rất ứng”. Vương bèn nói to lên rằng: “Nếu thần thử khiến cho bên này sông tạnh, bên kia sông mưa, thế mới thật là thiêng!”. Nói xong quả nhiên nửa sông bên kia mưa rất to, nửa sông bên này chỉ có gió mát. Long Đĩnh không bị ướt, lấy làm lạ sau mới sai người tu bổ lại đền thờ.
Thời Vua Lý Thái Tông đi đánh giặc Chiêm Thành lần thứ 2, qua đền Đằng Châu mới dừng nghỉ ngơi và cho người sắm sửa lễ vật mang vào cầu thần phù giúp thắng trận. Đêm đó, thần báo mộng cho Vua hãy tiến quân.Tuy nhiên, lúc đó quân nhà Lý dùng thuyền xuôi phương Nam nhưng gặp gió thổi ngược. Thần liền hóa thành con chim đậu trên cột buồm. Trời đang gió Nam chuyển thành gió Bắc. Đại quân chiến thuyền thuận gió nên tiến rất nhanh đến cửa Tư Dung.
Khi đó, quân Chiêm Thành đã bày trận sẵn sàng giáp chiến. Tình thế bất lợi cho quân nhà Lý vì phải có thời gian lên bờ. Bỗng trên mặt nước xuất hiện từng đàn cá nổi lên tạo thành con đường cho quân lính đổ bộ. Quân Chiêm xông đến, chưa kịp giao tranh thì một cơn giông nổi lên, cát bụi cuốn vào trận địa. Quân Chiêm hoảng hồn, rối loạn, quân Lý nhân thế phá trận đánh bại quân Chiêm Thành. Sau Vua Lý Thái Tông đã cho ghi vào điển tích chuyện Vua Mây và ban tám chữ: “Điểu tích truyền binh/Ngư đầu hộ độ”.
Độc đáo kiến trúc ngôi đền cổ
Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, đền Mây đã được tu sửa nhiều lần và vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ xưa. Điểm độc đáo của đền Mây là các nét chạm khắc có từ thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Đền gồm nhiều hạng mục công trình như Tam quan, dải vũ và khu thờ chính kết cấu kiểu chữ Tam, gồm: tiền tế, trung từ và hậu cung.
Tiền tế có 3 gian, bên trong là các bức đại tự chạm khảm. Trung từ có kết cấu kiểu vì giá chiêng, với hệ thống cột gỗ lim vững chắc kê trên chân tảng đá lớn hình quả bồng để nâng đỡ mái. Trung từ gồm 5 gian là nơi thờ 4 vị quan văn võ của Vua Mây Phạm Bạch Hổ. Hậu cung gồm 3 gian với kết cấu đơn giản. Trong đền còn lưu giữ 27 pho tượng được tạc từ thời Lê. Đặc biệt, đền còn lưu giữ rất nhiều mảng chạm khắc và hiện vật có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như giá trị lịch sử văn hóa.
Trước đền Mây, cạnh Miếu Bà là cây đa cổ thụ, trùm lên cả bến Lảnh, đò Mây. Thế nên dân gian để lại câu: Trăm cảnh nghìn cảnh, không bằng bến Lảnh, đò Mây.
Hàng năm, lễ hội đền Mây thường được tổ chức vào 3 dịp: từ ngày 8-16 tháng Giêng là lễ hội tưởng nhớ ngày sinh của tướng quân; từ 12 -18 tháng Mười Một là lễ hội tưởng nhớ ngày mất của ngài; 16-24 tháng 6 âm lịch là lễ hội tưởng nhớ ngày mất của thân phụ ngài.
Ghi nhận những giá trị lịch sử to lớn đó, năm 1992 đền Mây được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Cùng với sự phát triển và hội nhập của thành phố Hưng Yên, đền Mây đang được tu bổ, tôn tạo nhằm thu hút khách du lịch thập phương tới vãn cảnh cũng như về thăm đền.