Ly kỳ chuyện nghiệp đế được báo trước của Vua Trần Nghệ Tông

(PLO) - Trải 175 năm trên chính trường Đại Việt, nhà Trần truyền qua 12 đời vua chính thức. Trong đó vua thứ tám Trần Nghệ Tông (Trần Phủ) là vị vua lên ngôi già nhất khi đã ở tuổi 50, cũng tại vị ngắn nhất (1370 - 1372) cùng Trần Thiếu Đế (1398 - 1400). 
Vua Trần Nghệ Tông

Trong Việt giám thông khảo tổng luận nhận xét về ông: “Nghệ Tông dẹp yên nạn trong, khôi phục ngôi cũ, có lòng thực kính trời yêu dân có quy mô giữ nước mưu trị, thi lấy người giỏi ở núi Tiên Du, làm tập Dư Hạ ở cung Bảo Hòa định chế độ lễ nghi trong triều, bỏ mệnh lệnh cắt lấy đất bãi, quy mô công liệt rực rỡ đất trời. Song đức cung kiệm có thừa mà tài cương đoán không đủ. Ngoài thì giặc Chiêm lấn bức Kinh kỳ, trong thì nghịch Hồ dòm ngó ngôi báu, cơ nghiệp nhà Trần do đấy mà mất”. 

Điểm đáng chú ý về Trần Nghệ Tông, có lẽ ở những điềm báo, việc làm tiên đoán trước cho việc ngồi ngai vàng của ông mà sử sách đã chép. 

Vế đối mang khẩu khí đế vương

Hoàng tử Trần Phủ (sinh năm Tân Dậu (1321) là con trai thứ ba của vua Trần Minh Tông. Mới ở tuổi thiếu niên, mà thiên tư, dáng dấp của vị thiên tử tương lai đã hiển hiện ở Trần Phủ, cứ xem trong “Nam Ông mộng lục” thì rõ.

Theo đó, năm Phủ tám, chín tuổi theo hầu Thượng hoàng Trần Minh Tông. Lúc ấy, Thượng hoàng đang an tọa trên chiếc giường có trải chiếu trúc, tức cảnh sinh tình, Thượng hoàng bảo Phủ vịnh chiếc chiếu trúc. Tuân lời cha, Phủ xuất khẩu thành thi, rằng: 

Hữu vĩ thử quân,/Trung không ngoại kính./Tước nhữ vi nô,/Khủng thương nhân tính,

Nghĩa là: Có người quân tử cao lớn,/Trong thì rỗng mà ngoài thì cứng./Bắt nó dùng làm đày tớ,/Sợ gây tổn thương nhân tính.

Thượng hoàng bất ngờ lắm, thấy con tuổi thơ bé mà ý thơ đã biểu thị cách dùng người của bậc minh quân chứ chẳng tầm thường. Lại tiếp sau đó, như ghi chép nơi “Đại Việt sử ký toàn thư” khi Trần Phủ 11 tuổi, đang đứng hầu cha ở cung Trùng Quang nghe giảng về đạo lý của kẻ nam tử, ngoài trời mưa to, gió lớn. Thượng hoàng Minh Tông nhìn cảnh ấy, lấy đó làm đề tài về thời tiết, bảo Trần Phủ ứng đối xem sao. Không lâu sau, Phủ đã làm xong, trong đó có câu:

An đắc tráng sĩ lực cái thế,

Khả ngự đại ốc đồi phong

Dịch thơ:

Sao được tráng sĩ sức hơn đời, 

Chống đỡ nhà to khi gió mạnh. 

Ý thơ chỉ nhà to (quốc gia) lúc gặp gió mạnh (chiến tranh, loạn lạc…), muốn vững vàng được thì cần có tráng sĩ (người đủ tài, đủ đức (tức hoàng đế) để chống đỡ (lãnh đạo) nước nhà vượt qua được những khó khăn đó. Cảm được khẩu khí trong thơ con rất mạnh, từ đó Thượng hoàng Trần Minh Tông quan tâm nhiều hơn, những mong đào tạo con thành người một mai gánh vác sơn hà. 

Thượng hoàng Minh Tông lấy cảnh mưa to làm đề tài cho Trần Phủ làm thơ 

Sứ Minh đoán mệnh tướng quốc nhà Trần

Vào năm Mậu Thân (1368), vua Trần Dụ Tông sai sứ sang Trung Hoa khi Chu Nguyên Chương nên nhà Minh. Đáp lại, ngay năm sau, Chu hoàng đế cử Hàn Lâm thị độc học sĩ Trương Dĩ Ninh cùng Điển bạ Ngưu Lượng đem sắc phong sang cùng với một quả ấn, nũm ấn đúc hình con lạc đà mạ vàng cho vua Trần Dụ Tông. Hiềm nỗi đúng lúc đó Trần Dụ Tông băng hà, Dương Nhật Lễ đã được lập lên làm vua mới.

Nhật Lễ vốn không thuộc máu mủ nhà Trần, mà bởi ngày trước người phường hát Dương Khương diễn tích Tây vương mẫu dâng quả đào, vợ y đóng vai Tây vương mẫu. Cung Túc vương Nguyên Dục cảm sắc đẹp của nàng lấy làm vợ, khi ấy nàng đang có mang con của Dương Khương, rồi sinh ra Nhật Lễ.

Nguyên Dục nhận làm con mình. Vua Trần Dụ Tông lúc nhỏ vì chữa chết đuối mà liệt dương, trước khi mất để di chiếu cho Nhật Lễ nối ngôi. Nhưng Dương Nhật Lễ dâm dật, chăm sự chơi bời, hay bày ra các trò tạp kỹ, lại lấy theo họ Dương có ý muốn diệt tôn thất nhà Trần.

Lại nói, sứ Minh sang vấn an vua Trần Dụ Tông mà người đã khuất mặt, nên Ngưu Lượng làm bài Đường luật viếng cố đế nước Nam. Học sĩ Trương Dĩ Ninh vì không quen khí hậu nên bị ốm rồi chết, chỉ còn Ngưu Lượng trở về nước. Hữu tướng quốc Cung Định vương Trần Phủ đương là một trọng thần, cũng là bố vợ vua họ Dương nên có làm bài thơ tiễn Ngưu Lượng, được “Toàn thư” chép lại: 

An Nam tể tướng bất năng thi, 

Không bá trà âu tống khách quỳ, 

Viên tản sơn thanh, Lô thủy bích, 

Tùy phong trực nhập ngũ vân phi. 

Dịch thơ: 

An Nam tể tướng chẳng thơ hay, 

Chỉ có bình trà tiễn khách đây. 

Viên tản non xanh, Lô nước biếc, 

Xin bay theo gió tới năm mây. 

Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép thì vị Điển bạ họ Ngưu nghe xong bài thơ, đã cảm kích mà rằng: “- Lời thơ của tướng quốc thật tao nhã, ý vị mà lại có đủ cả non xanh, nước biếc tiêu biểu cho An Nam quốc. Thật lòng kính phục! Kính phục!” Rồi lại tiếp lời: “- Tôi lưu lại ở đây cũng đã vài tuần trăng. Cứ trông nhân tình thế thái hiện nay, cơ nghiệp họ Trần rồi một mai đây, không phải vai ngài gánh vác thì chẳng còn ai vào đây nữa”.  

Và quả thật, lời của Ngưu Lượng về sau ứng đúng vào vận vua  của Cung Định vương. 

Thượng hoàng Minh Tông lấy cảnh mưa to làm đề tài cho Trần Phủ làm thơ 

Bài thơ trước làm việc lớn

Vì Dương Nhật Lễ không xứng ngôi vua, lại có ý hại tôn thất nhà Trần, nên đêm 20 tháng 9 năm Canh Tuất (1370), Thái tể Nguyên Trác cùng con là Nguyên Tiết và hai người con của công chúa Thiên Ninh (con gái vua Minh Tông) đem những người họ hàng tôn thất nhà Trần vào trong Đại Nội, định giết Nhật Lễ để giành lại ngai vàng cho dòng họ, nhưng Nhật Lễ trốn thoát. Sau đó, Dương Nhật Lễ chia người đi bắt 18 người chủ mưu, nguyên Trác, Nguyên Tiết đều bị hại. 

Bởi sự biến Nguyên Trác, Nguyên Tiết, tháng 10 năm ấy, Cung Định vương Phủ sợ vạ lây đến mình nên đã trốn ra trấn Đà Giang, ngầm hẹn ước cùng với các em mình là Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, Cung Tuyên vương Kính, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha cùng hội quân tại sông Đại Lại (tức sông Lèn là chi lưu của sông Mã), phủ Thanh Hóa để dấy quân lật đổ Nhật Lễ. Trước khi xuất cung, Trần Phủ làm một bài Đường luật để lại cho em mình là Cung Tuyên Vương Kính (vua Trần Duệ Tông sau này) với ý dặn dò. Thơ rằng:

Ngôi cả gièm nhiều ở lại chi?

Một mình vượt núi đến man di.

Bảy lăng ngoảnh lại châu tuôn ứa,

Muôn dặm lòng đau tóc bạc đi.

Trừ Vũ cho yên Đường xã tắc,

An Lưu lại thấy Hán uy nghi.

Minh Tông sự nghiệp ngươi lên nhớ,

Thu phục thần kinh nhất định về.

Lạ lùng làm sao bởi bài thơ được làm trước khi chính biến lật đổ Dương Nhật Lễ được thực hiện, nên dân gian xem đó như một lời sấm truyền, dự báo sự lên ngôi sau này của Cung Định vương Trần Phủ. Nhất là ở câu cuối đã khẳng định “chắc như đinh đóng cột” ở câu cuối của bài thơ: “Thu phục thần kinh nhất định về”. 

Lời dự báo ấy, sau vận đúng vào thực tế, “Việt sử cương mục tiết yếu” cho biết, ngày 13 tháng 11, quan quân nhà Trần do Trần Phủ lãnh đạo đã từ sông Đại Lại đến phủ Kiến Hưng (thời Lê tên là phủ Nghĩa Hưng. Nay là đất các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng và Ý Yên, tỉnh Nam Định). Lúc ấy Nhật Lễ đang ở đây.

Hồ Nguyên Trừng ghi lại trong “Nam Ông mộng lục” cho biết, lão tướng Nguyễn Ngô Lang đã bắt Nhật Lễ tự tay viết chiếu thoái vị. Sau đó Dương Nhật Lễ bị giáng xuống làm Hôn Đức Công. Đoàn quân chính biến kéo về Thăng Long, giành lại ngôi báu cho nhà Trần và Trần Phủ lên làm vua. Những dự báo ngai vàng của Trần Phủ, đến lúc này trở thành sự thực, như “Đại Nam quốc sử diễn ca” ghi:

“Nghệ Tông dòng dõi thiên hoàng,

Đà giang lánh dấu, liệu đường khuất thân.

Tiềm mưu với kẻ tôn thần,

Đem về xã tắc nhà Trần thuở xưa”. 

Đọc thêm