Báo Interfax của Nga cách đây không lâu đưa tin, một thanh niên ở tỉnh Kaliningrad dùng dao sát hại một cụ già, sau đó ngửa miệng hứng lấy dòng máu chảy ra từ vết thương. Đài BBC (Anh) trước đó cũng từng phản ánh sự việc tương tự: Công dân Mathew Hardman (17 tuổi) mưu sát người hàng xóm, hút máu mong được… trường sinh.
Báo chí các nước rùm beng về những chuyện rùng rợn như thế. Phải chăng, đó là bằng chứng sống về sự hiện diện có thật của ma cà rồng? Sergei Vasilyev - Giáo sư Viện khoa học Y khoa Nga khẳng định: “Số trường hợp cá biệt này đơn thuần là những kẻ điên loạn được gọi chung bằng cái tên “Quỷ Satăng”. Họ hút máu người để phục vụ nghi thức tín ngưỡng nào đó. Họ cũng không thuộc lớp người bệnh hoạn mà dựa theo đó hình tượng ma cà rồng thời Trung cổ bắt đầu được dựng lên.
Các cuộc săn lùng, tìm kiếm ma cà rồng cũng bắt đầu diễn ra. Mở đầu là cuộc mạo hiểm vào năm 1768, sau khi một bác sĩ người Áo tên là Gerhard Van cho xuất bản một tác phẩm nói rằng ma cà rồng không hề tồn tại, và những tình huống hay những hiện tượng miêu tả về ma cà rồng thực chất chỉ là những hiện tượng bình thường mà khoa học có thể giải thích. Càng về nửa cuối thế kỷ XX, các nghiên cứu về ma cà rồng ngày càng xuất hiện nhiều.
Đầu năm 2006, các nhà khảo cổ Italia đã khai quật được những di chỉ của một phụ nữ từ thế kỷ thứ XVI, với một viên gạch nhét giữa hai hàm răng. Theo các chuyên gia, đây là bằng chứng cho thấy người phụ nữ này bị coi là ma cà rồng.
Việc chôn cất khác thường trên, theo các nhà khoa học, là nghi lễ chôn cất đối với một ma cà rồng thời Trung cổ. Và truyền thuyết về những kẻ hút máu người này liên quan đến sự thiếu hiểu biết của con người thời đó. Họ không biết bệnh dịch lây lan như thế nào và không biết chuyện gì xảy ra đối với thi thể của con người sau khi chết đi. Bộ khung xương được bảo quản rất kỹ của nữ “ma cà rồng” được tìm thấy trên đảo Lazzaretto Nuovo, phía bắc Venice.
|
Cảnh trong một bộ phim về ma cà rồng. |
Di chỉ này được tìm thấy trong một hố chôn tập thể trong một đại dịch ở Venice năm 1576. Các nghiên cứu cho thấy con người thời đó lại tin vào sự tồn tại của “một loài sinh vật lạ, nguy hiểm và có thể hút máu sinh vật khác”, Matteo Borrini, một nhà khảo cổ học và nhân chủng học tại Đại học Florence cho hay. Ông đã nghiên cứu về “ma cà rồng” nhiều năm. “Lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy bằng chứng vềcâu thần chú chống lại ma cà rồng”.
Theo Borrini, các văn tự thời Trung cổ cho thấy con người tin có ma cà rồng là do họ thấy thi thể con người sau khi chết bị phân hủy “một cách kỳ lạ”. “Tất cả những đặc điểm này đều liên quan đến sự phân hủy của cơ thể con người sau khi mất đi”, ông Borrini giải thích. “Nhưng một số người cho rằng họ đã nhìn thấy ma cà rồng có thể chỉ là những nỗi khiếp đảm bị chế ngự do quá sợ hãi”.
Tuy nhiên vào thời gian đó, theo những văn tự để lại thì “những biểu hiện kỳ lạ đó” chính là biểu hiện của việc biến thành ma cà rồng, phù phép làm cho đại dịch bệnh lan rộng để thứ hạng của con ma cà rồng này tăng lên. Và để giết chết những sinh vật chưa chết này, phương pháp “đâm xuyên tim” nổi tiếng trong những áng văn chương sau này vẫn chưa đủ.
Theo họ, phải dùng một viên đá hoặc gạch nhét vào miệng ma cà rồng để nó sẽ bị chết đói. Và đó đúng là những gì người ta tìm thấy ở di chỉ của người phụ nữ trên đảo Lazzaretto, được Venice dùng làm khu cách ly thời đó. Người phụ nữ khoảng 60 tuổi, chết vì dịch bệnh.
Phải rất lâu sau, ai đó mới ấn viên gạch vào miệng bà khi mồ chôn tập thể được đào lại lên. Borrini cho biết các dấu vết do những dụng cụ đào bị cùn để lại trên hơn 100 bộ khung xương mà các nhà khoa học tìm thấy chứng tỏ hố chôn tập thể đã được tái sử dụng trong trận đại dịch sau.
Theo ông Piero Mannucci - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhân chủng học và Dân tộc học Italia, phát hiện trên của các nhà khảo cổ rất đáng giá, nó giải thích rõ hiện tượng mê tín của người xưa đối với “những hiện tượng kỳ lạ không có kiến thức để lý giải”. Borrini cũng nhận định phát hiện chứng tỏ ma cà rồng chỉ là thứ tưởng tượng, khác hẳn với kẻ hút máu người tao nhã, dòng dõi quý tộc trong tiểu thuyết “Dracula” của Bram Stoker năm 1897.
(Đón đọc Kỳ 4: Vô vàn giả thuyết và những tranh cãi bất tận)