Ma cà rồng - Nỗi ám ảnh truyền kiếp của loài người - Kỳ 4: Vô vàn giả thuyết và những tranh cãi bất tận

(PLVN) -Từ năm 1963, Eallis gửi lên Hội Y khoa Hoàng gia Anh công trình nghiên cứu “Porphyria và nguồn gốc Ma cà rồng”. Theo đó, một trong các “bệnh lý ma cà rồng” là chứng rối toạn chuyển hoá porphyrine (porphyria) do sự mất cân bằng trong sản sinh heme - một sắc tố giàu chất sắt trong máu. Người mắc chứng bệnh này rất sợ ánh sáng mặt trời, đau bụng nhiều và có thể bị mê sảng. Thời xưa, người ta chữa trị bệnh này bằng cách cho bệnh nhân uống máu tươi...
Ma cà rồng - Nỗi ám ảnh truyền kiếp của loài người - Kỳ 4: Vô vàn giả thuyết và những tranh cãi bất tận

Bác sĩ người Anh Lee Eallis là người đầu tiên nghiên cứu ma cà rồng dưới góc nhìn của khoa học. Ông đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa “những sinh vật hút máu được quy chụp cái tên ma cà rồng” và bệnh porphyria một triệu chứng rối loạn di truyền hiếm gặp, gây ra bởi sự xáo trộn trong quá trình biến dưỡng thực phẩm mang sắc tố đỏ tươi khi đưa vào cơ thể.

Năm 1963, Eallis gửi lên Hội Y khoa Hoàng gia Anh công trình nghiên cứu “Porphyria và nguồn gốc Ma cà rồng”. Đáng tiếc, tác phẩm này nhanh chóng bị các thành viên trong Hội bỏ quên, mãi cho đến giữa những năm 1980 mới được giáo sư Wayne Tikkanen, một đồng nghiệp của Eallis, chú ý và khôi phục lại giá trị. 

Một trong các “bệnh lý ma cà rồng” là chứng rối toạn chuyển hoá porphyrine (porphyria) mà Eallis đã nghiên cứu trước đó. Chứng bệnh cực hiếm này sinh ra do sự mất cân bằng trong sản sinh heme - một sắc tố giàu chất sắt trong máu. Người mắc chứng bệnh này rất sợ ánh sáng mặt trời, đau bụng nhiều và có thể bị mê sảng.

Thời xưa, người ta chữa trị bệnh này bằng cách cho bệnh nhân uống máu tươi để khắc phục tình trạng mất cân bằng trong cơ thể. Một số bệnh nhân loại này thường có miệng và răng màu đỏ do hoạt động sinh sắc tố heme không ổn định. Porphyria có tính di truyền nên xưa nay người ta thường tập trung những bệnh nhân này vào một số khu vực nhất định.

Những bệnh nhân mắc bệnh porphyria có ngoại hình và những biểu hiện rất giống ma cà rồng.
Những bệnh nhân mắc bệnh porphyria có ngoại hình và những biểu hiện rất giống ma cà rồng. 

Nguyên do thứ hai làm phát sinh “bệnh lý ma cà rồng” là chứng giữ nguyên thể (catalepsy), một sự kết hợp giữa chứng động kinh, tâm thần phân liệt và các bệnh khác tác động đến hệ thần kinh trung ương. Khi bệnh nhân lên cơn, toàn bộ cơ thể cứng đơ, nhịp tim và hơi thở suy yếu.

Đôi khi người ngoài tưởng lầm bệnh nhân catalepsy đang lên cơn dữ dội là... một người đã qua đời!  Ngày nay, y học đã có hiểu biết và đầy đủ phương tiện để kiểm tra xem một người nào đó còn sống hay đã chết thật sự. Tuy nhiên, ngày xưa con người chỉ dựa vào hiện tượng bên ngoài để phán đoán sinh mệnh một người, chính vì thế mà bệnh nhân Catalepsy thường hay bị chôn lầm có thể “sống lại”.

Giai đoạn bộc phát bệnh Catalepsy có thể kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày đủ thời gian để tiến hành một đám tang! Sau khi tỉnh lại trong phần mộ, nếu bệnh nhân còn mắc thêm chứng rối loạn tâm thần thì anh ta dễ bị coi là... ma cà rồng! Trung bình cứ 200.000 người, thì lại có một người bị mắc porphyria. Trong trường hợp một người bị mắc bệnh, thì con trai ông ta có nguy cơ bị di truyền căn bệnh này với tỷ lệ là 25%.

Giống như hầu hết những căn bệnh liên quan tới gen khác, những đứa trẻ được sinh ra bởi những cặp vợ chồng có huyết thống gần nhau sẽ có nguy cơ mắc phải dạng bệnh này khá cao, nhất là các gia đình mang dòng máu hoàng tộc. 

Người ta đồn đại rằng, Hennelora Kohl - phu nhân cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl cũng là một bệnh nhân porphyria. Không diễn tả nỗi sự đau đớn của bà mỗi lần da tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Suốt một thời gian dài bà đã phải giấu mình trong phòng kín, trước khi tự sát tại nhà riêng ở thành phố Ludwigshafen vào ngày 5/7/2000. 

Trong khi các hiện tượng này gây sợ hãi cho con người, căn nguyên của toàn bộ truyền thuyết và hiểu biết về ma cà rồng lại nằm ở tâm lý hơn là thể xác. Eallis cho rằng, thực tế cái chết là một trong các khía cạnh bí ẩn nhất của cuộc sống và mọi nền văn hóa cổ kim đều quan tâm đặc biệt đến hiện tượng này. Một cách để luận giải về cái chết là nhân cách hóa nó mang lại cho nó một dạng hữu hình. Các con quỷ dữ Lamastu, Lilith và lũ ma cà rồng tương tự thời xa xưa là những cách giải thích đối với một điều bí ẩn kinh khủng.

Nhiều nhà khoa học về tâm lý cũng chỉ ra rằng, ma cà rồng không hề tồn tại mà là “hiện thân” mặt tối của con người. Bằng cách vạch rõ cái ác thông qua các hình ảnh siêu nhiên, con người có thể luận giải tốt hơn về chính các xu hướng ác của mình. Sự biểu hiện quá nhiều con quỷ giống ma cà rồng trong suốt lịch sử, cũng như sự ám ảnh không dứt của chúng ta đối với lũ hút máu này, chứng tỏ rằng đó là một phản ứng tổng thể đối với thân phận con người. Nó đơn giản là bản tính con người nhằm loại trừ những sợ hãi.

Ngày nay, porphyria có thể được chữa trị dễ dàng hơn nhờ phương pháp biến đổi gen. Song nhiều năm về trước, nó là một trong những căn bệnh đáng sợ của con người. Khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, người bệnh phải đối mặt với những rối loạn về hormon dẫn đến tình trạng móng tay, chân mọc dài ra và quăn lại, lông mọc ra trên toàn cơ thể, lớp da quanh môi và lợi trở nên mỏng và co hơn khiến cho răng lộ ra như những chiếc nanh sói. Cũng chính vì da và lợi bị tổn thương như vậy, nên bệnh nhân cũng rất dễ bị chảy máu ở miệng.

Hình ảnh những con ma cà rồng chuyên đi hút máu trong tâm trí nhiều người cũng chính từ căn bệnh này mà ra. Tuy nhiên, những giải thích của các bác sĩ vẫn chưa thể lý giải một cách đầy đủ hết những câu chuyện về ma cà rồng và những hiện tượng kì lạ đã xảy ra trên thực tế. Và sự thật như thế nào thì vẫn còn là một câu hỏi khó mà khoa học chưa có lời giải đáp đầy đủ. 

Đọc thêm