Với những gia đình bình thường, cuộc sống ngày càng bận rộn và dịp Tết là thời điểm bận rộn nhất, nên chuyện kỳ công gói bánh chưng là rất hiếm gặp. Ngày Tết, ra ngoài hàng mua cặp bánh chưng về chưng bàn thờ là phương án tối ưu với nhiều người.
Vài năm gần đây, loại bánh chưng truyền thống bán trên thị trường ngày càng mất đi sức hút bởi mẫu mã đơn giản, bao bì sơ sài; trong khi đó, rất nhiều khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu mua số lượng lớn bánh chưng truyền thống của Việt Nam làm quà tặng cho đối tác, khách hàng và nhân viên của họ.
Đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng gia tăng, loại bánh chưng cao cấp xuất hiện, mức giá trung bình từ 350.000 – 1 triệu đồng/cặp, nặng từ 0,8 – 1,2 kg, gấp 5 – 10 lần bánh chưng truyền thống thông thường với mức giá từ 30.000 – 80.000 đồng/chiếc.
Sở dĩ, những chiếc bánh chưng “sang chảnh” này có mức giá “siêu đắt” như vậy bởi, các nhà sản xuất cho rằng “chiếc bánh đầu tư kỹ về phần nguyên liệu là đặc sản vùng miền, chế biến theo công thức gia truyền, được thiết kế với mẫu mã sang trọng, vỏ hộp bằng bìa cứng cầu kỳ giống như vỏ hộp bánh trung thu cao cấp”.
Ngoài vị bánh chưng truyền thống thông thường, những chiếc bánh chưng mới lạ xuất hiện, làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như bánh chưng nếp nương, bánh chưng gấc đỏ, bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng Tranh Khúc... Sản phẩm còn được đóng gói hút chân không, nên thời gian bảo quản có thể được từ 1 – 2 tuần, hạn chế nguy cơ bị hỏng, mốc.
Bên cạnh đó, các loại bánh chưng cao cấp mang ý nghĩa “sum họp đoàn viên”, “hòa hợp cả dân tộc, cả đất trời” với những tên gọi khá “kêu” như: Tinh hoa hội tụ, tinh hoa Tây bắc, Nương Bắc, Lang Liêu… Do là sản phẩm quà tặng độc, lạ nên bánh chưng cao cấp có khi “cháy” hàng; khách muốn mua số lượng lớn phải đặt trước nhiều ngày.
Do sự thay đổi nhanh chóng đến giật mình của xã hội và con người cũng trở nên bận bịu và áp lực hơn, tục lệ gói bánh chưng ngày Tết không còn phổ biến như trước. Những ngày sát Tết càng có nhiều công việc phải hoàn thành; vì thế, thay vì bỏ nhiều thời gian trông nồi bánh chưng, nhiều người có tiền đã chọn mua chiếc bánh chưng sang trọng về để thắp hương hoặc đi biếu Tết, vừa sang trọng, lịch sự, vừa ý nghĩa. Còn những người dân có túi tiền “eo hẹp” hơn có thể lựa chọn những chiếc bánh chưng “công nghiệp” của một số thương hiệu có tiếng, cho đầy đủ hương vị ngày Tết.
Và cũng có lẽ ít ai còn nhớ tới cái hương vị ngày Tết cổ truyền như trước đây, đặc biệt ở các vùng thôn quê, những ngày áp Tết, người dân náo nức tính chuyện gói bánh chưng, nào thì đi chợ chọn mua từng bơ đỗ xanh, từng chai mật mía, nào thì gặt lá dong, chuẩn bị gạo nếp cái hoa vàng, thịt nạc, thịt mỡ…
Còn có những triết lý sống đằng sau chiếc bánh chưng và việc gia đình sum họp quanh nồi bánh chưng. |
Những nhà ít khá giả hơn thì chọn gói loại bánh chưng chay có nhân gồm: tò ho, thảo quả, hạt tiêu và đỗ xanh nấu chín, vị bánh chưng thơm cay mùi thảo quả, mùi gạo tinh khiết chứ không béo ngậy như bánh chưng mặn.
Chừng chục năm đổ lại đây, cái không khí náo nức bàn chuyện gói bánh chưng Tết hầu như mất hẳn. Ngày nay, làng quê cũng lên nhà mái bằng như thành phố; hàng quán đâu đâu cũng có với đủ loại đặc sản. Khoảng một tháng trước Tết, người người nhà nhà đã “rục rịch” bàn chuyện mua mua bán bán, chứ ít ai còn bàn chuyện bó giò, gói bánh, luộc bánh như xưa. Còn có suy nghĩ rằng, nhà nào còn cặm cụi ngồi gói bánh chưng Tết là “lạc điệu”, chỉ vì tiết kiệm tiền mua bánh, đặt bánh.
Còn ở đô thị, ngày nay dịch vụ tiện lợi, tiện ích đến mức chỉ cần một cú click chuột, một cuộc gọi là vô vàn các sản phẩm bánh trái, hoa quả Tết đều được mang đến tận nhà. Bởi vậy, chỉ với một góc nhìn về chiếc bánh chưng, nhiều người hoài cổ cho rằng hương vị cổ truyền ngày Tết Nguyên đán giờ chỉ còn mang tính hình thức, chứ không được đậm đà ý nghĩa như xưa.
Có lẽ, trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hướng về hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi hơn, những hiện tượng trên cũng là điều dễ hiểu. Và chỉ còn những ai hoài cổ mới biết rõ rằng, phong tục gói bánh cổ truyền không phải là một “thủ tục rườm rà” mà chứa đựng rất nhiều tâm tư, sự chuyên chú, và tình cảm của người Việt, mới đủ khả năng kết nối giữa những thế hệ, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa quá khứ và hiện tại.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, bánh chưng không chỉ là sản vật không thể thiếu trong ngày Tết mà còn là nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chỉ vào dịp Tết người ta mới gói bánh chưng. Xưa kia, vào thời khó khăn, người dân đâu có gạo, đậu, thịt để ăn hàng ngày.
Chỉ khi đến mùa xuân, lá non vừa ra, gạo nếp vừa gặt, đậu xanh vừa chín, thịt heo vừa đúng lứa xuất chuồng, người dân mới đem những thứ ngon nhất, tinh túy nhất làm thành chiếc bánh chưng, để cúng dâng tổ tiên, đất trời thể hiện tấm lòng báo hiếu “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, đầy đủ.
Khi nấu bánh chưng, người ta dành trên 10 tiếng, lửa sôi âm ỉ để các nguyên liệu như thịt, gạo, đậu nhừ, có đủ thời gian chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng là một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.
Để làm ra một chiếc bánh chưng ngon, từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới khâu gói bánh, luộc bánh đều thể hiện những tâm tư, khéo léo, tỉ mỉ của người làm bánh.
Còn có những triết lý sống đằng sau chiếc bánh chưng và việc gia đình sum họp quanh nồi bánh chưng. Mỗi chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của con cháu với bố mẹ, ông bà tổ tiên; người ta tặng nhau cặp bánh chưng làm quà như một cách thể hiện tình cảm chân thành; đối với những người con xa xứ, chiếc bánh chưng cùng mâm cỗ tất niên đêm Giao thừa gợi nhớ về gia đình, quê hương, đất nước.