Malta: Gần 600 người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí

(PLVN) - Năm 2018, Báo cáo Chỉ số Năng lực quản lý môi trường (EPI) đánh giá xếp hạng 180 quốc gia, trong đó Cộng hoà Malta đứng thứ 4 với chỉ số EPI cao “ngất ngưởng” là 80.90. Tuy nhiên, hiện nay ô nhiễm môi trường lại là bài toán nan giải nhất của đất nước này. 
Malta: Gần 600 người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí

Cũng năm 2018, Chỉ số Năng lực quản lý môi trường của Việt Nam là 46.96, đứng thứ 132 trên tổng số 180 quốc gia được đánh giá.  

Từ đất nước sạch sẽ hàng đầu thế giới…

Malta được biết đến với chỉ số chất lượng không khí cao và trong lành, mặc dù không có rừng hay sông trên bảy hòn đảo của nước này. Các hòn đảo chủ yếu được làm bằng đá vôi.

Đảo quốc Nam Âu này cũng được biết đến là nơi có những bãi biển sạch nhất châu Âu. Theo khảo sát năm 2018 của Cơ quan Môi trường EU trên 21.000 bãi biển, sông, hồ trên khắp châu Âu, 99% các bãi tắm ở Malta đều đạt chất lượng sạch sẽ nhất, chỉ “thua” mỗi Luxembourg.

Theo báo cáo này, có khoảng 1,5% nguồn nước sinh hoạt trên khắp châu Âu được đánh giá có chất lượng kém, có nguy cơ gây bệnh. Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm là do nước thải, chất thải trong sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất. Ngoài ra, lũ lụt, mưa lớn, sạt lở… và những loại thiên tai khác cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường.

Quốc đảo Malta được bao quanh bởi nước, đã từng được coi là “thiên đường nghỉ dưỡng đáng sống nhất ở châu Âu”. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, trong quá khứ, người dân Malta đã không phải suy nghĩ quá nhiều về vấn đề môi trường, nhưng nay điều đó đã thay đổi.

Malta từng là đất nước đứng đầu thế giới về chất lượng môi trường
 Malta từng là đất nước đứng đầu thế giới về chất lượng môi trường

Qua nhiều thế kỷ, Malta đã có đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhưng chất thải và nhiên liệu từ tàu và sản xuất công nghiệp đã gây ô nhiễm các vùng biển. Việc xây dựng ồ ạt trên đảo quốc này dẫn đến vấn đề cạn kiệt tài nguyên. Du lịch cũng là ngành công nghiệp mũi nhọn tại quốc gia nửa triệu dân này, sản xuất ra lượng rác thải khổng lồ hàng năm, đặc biệt là rác thải nhựa. 

Đáng nói, vào năm 2019, những cơn bão lớn ập đến Cảng biển Grand Habour đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với người dân nước này. Hậu quả trước mắt của những cơn bão để lại là rác thải trên các bãi biển, nước biển nhiễm khuẩn, môi trường sinh sống của các loại sinh vật biển bị xáo trộn. 

Trước viễn cảnh không mấy khả quan, khách sạn Cugo Gran Macina và một nhóm các doanh nghiệp, khách sạn trong địa phương này đã cố gắng bảo vệ bến cảng bằng dự án Grand Habour. Họ đầu tư vào các sáng kiến và giải pháp hút chất thải, làm cho nước sạch hơn, tái tạo lại môi trường sống cho các sinh vật biển. Dự án này cũng có sự tham gia của Zibel - một tổ chức phi chính phủ có sứ mệnh giữ gìn sự sạch sẽ của Malta.

Theo đó, Zibel cung cấp các thùng lọc nước biển có thể lọc 25.000 lít nước biển mỗi giờ và loại bỏ 1,5kg các mảnh vụn trôi nổi trong nước mỗi ngày, bao gồm cả các vi hạt.

Cugo Gran Macina đã đưa ra giải pháp “tái sử dụng và thích nghi”. Cụ thể, họ tiến hành “tái chế” các ngôi nhà cũ thành những ngôi nhà thông minh, thân thiện với môi trường, hạn chế việc xây dựng thêm các công trình mới. Đơn cử, ngôi nhà cần cẩu cũ nằm trên bến cảng Senglea trước đây là văn phòng của đảng cầm quyền Malta nhưng nay đã được “biến hoá” thành không gian nghỉ dưỡng ấm cúng, thân thiện với môi trường. 

Dự án Grand Habour nhằm xây dựng thói quen bảo vệ môi trường của người dân và du khách
 Dự án Grand Habour nhằm xây dựng thói quen bảo vệ môi trường của người dân và du khách

Tại các phòng nghỉ, khách sạn này đặt các bảng hiệu “Cugo Green” ở đầu giường với lời khuyến khích du khách suy nghĩ trước khi yêu cầu các dịch vụ phục vụ phòng, giặt là, đồng thời tắt đèn và các thiết bị khi không sử dụng. 

Tất cả các hoạt động dù ít hay nhiều đều tiêu tốn một lượng lớn năng lượng, để một dấu vết lên môi trường tự nhiên. Ngoài ra, chai nước thủy tinh đặt ở đầu giường sẽ được tái chế sau khi sử dụng. Trong nhà hàng Hammet’s Macina, các loài cá phục vụ du khách được đánh bắt bền vững, và ống hút phân huỷ sinh học được sử dụng thay vì ống hút nhựa. 

…Đến nỗi “ám ảnh” vì ô nhiễm

Đầu năm 2020, tờ Times of Malta cho biết, đất nước này đã quá hạn nộp báo cáo và kế hoạch hạn chế ô nhiễm không khí hàng năm đến Uỷ ban châu Âu. Nếu tiếp tục trì hoãn, Malta có thể phải chịu những phán quyết bất lợi từ Uỷ ban châu Âu.

Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản là báo cáo quá hạn của Malta. Tình hình còn nghiêm trọng hơn thế. Theo báo cáo EU năm 2019, chất lượng không khí tại Malta đang ở ngưỡng báo động. Các khí độc hại thải ra từ xe hơi, xe tải và xe máy gây ra bệnh ung thư, bệnh tim và hô hấp.

Tai họa của ô nhiễm không khí là một “kẻ giết người thầm lặng”, không phân biệt đứa trẻ sơ sinh hay người cao tuổi, già yếu. Ước tính ô nhiễm không khí có thể gây tử vong cho khoảng 576 người mỗi năm với đất nước nửa triệu dân này.

Năm 2013, chính phủ Malta từng tuyên bố việc cải thiện chất lượng không khí của Malta sẽ là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, chính phủ cam kết giám sát thường xuyên chất lượng không khí và đưa ra chiến lược phù hợp để giảm thiểu ô nhiễm. Nỗ lực này đã khiến đất nước này “lọt” tốp 5 vị trí đầu bảng xếp hạng quốc gia sạch nhất thế giới. 

Rác thải tàu thuyền là một nguyên nhân gây ô nhiễm biển
 Rác thải tàu thuyền là một nguyên nhân gây ô nhiễm biển

Tuy nhiên, thiên tai và phát triển kinh tế ồ ạt đang “tàn phá” môi trường của Malta. Theo đó, Dự án Grand Harbour dù đáng khích lệ nhưng cũng chỉ như “muối bỏ biển”. Thật vậy, theo Dự thảo kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí được công khai để tham khảo ý kiến vào năm 2019 đã đề xuất mục tiêu cắt giảm lượng khí thải từ mức 4,9 nghìn tấn xuống 4,5 nghìn tấn, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mốc giới hạn 2 nghìn tấn do EU đặt ra. 

Nguyên nhân chính là bởi số lượng phương tiện giao thông cá nhân đang lấn át giao thông công cộng tại nước này, xả ra một khối lượng lớn khí thải. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ cần tăng cường đầu tư vào giao thông công cộng, đồng thời thắt chặt thể chế đối với việc lưu thông các phương tiện giao thông cũ, có lượng phát thải khí nhà kính cao. Dù vậy, việc chính phủ Malta vẫn chưa có những động thái quyết liệt để khắc phục tình trạng này đã gây nên bức xúc đối với người dân trong nửa đầu năm nay.  

Câu chuyện của Malta gợi lên nhiều điều phải suy ngẫm. Có thể thấy, bảo vệ môi trường là vấn đề lâu dài của mỗi quốc gia, cần được liên tục gìn giữ, cải thiện. Người dân Malta do quá chủ quan với trách nhiệm này đã không kịp ứng biến đối với biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, khiến vấn nạn này trở thành một bài toán nan giải như hiện nay.

Tuy nhiên, điểm sáng của đất nước này chính là sự đấu tranh và nỗ lực của người dân vì một môi trường sạch sẽ. Cơn bão “cập” cảng Grand Habour năm 2019 đã “dạy” cho họ một bài học. Đó là môi trường rất dễ bị tác động bởi thiên tai và hoạt động của con người; do vậy trách nhiệm của mỗi người là phải chung tay bảo vệ môi trường sống của cộng đồng, cũng là bảo vệ sức khoẻ của chính chúng ta. 

Đọc thêm