Mạnh tay với các công trình trái phép

(PLO) -Chủ tịch Hà Nội đã tỏ ra dứt khoát đối với các công trình xây dựng trái phép mới trong rừng phòng hộ Sóc Sơn. Chỉ thị đưa ra là kiên quyết dỡ bỏ, đầu tiên là cho phép tự tháo dỡ, sau đó là cưỡng chế. Đối với 18 công trình tại xã Minh Phú, lác đác đã có những chủ nhân của các công trình này tự tháo dỡ, số còn lại sẽ bị cưỡng chế trong tháng 11 này, dù đó là biệt phủ hay cái gì đi chăng nữa!
Một công trình sai phạm lớn trên đất rừng Sóc Sơn

Như vậy, sự việc nhùng nhằng suốt 12 năm (kể từ kết luận thanh tra vào năm 2006) giờ đã đến hồi kết. Tuy nhiên, còn quá nhiều băn khoăn, không biết chính quyền có “dám” làm tới cùng không?

Sự băn khoăn, nghi ngại này có lý do của nó. Xử lý các công trình xây dựng trái phép hoặc không phép vốn là sự “khó khăn, phức tạp” cho các nhà quản lý. Kiên quyết như Đà Nẵng mà đến giờ, biệt phủ trái phép trong rừng Hải Vân để tự tháo dỡ nhùng nhằng đã vài năm, vừa rồi cơ quan chức năng đến kiểm tra buộc phải đứng ngoài rồi về vì những người làm trong đó không mở cổng khi… chưa được phép của ông chủ.

Mới nhất, một biệt phủ nguy nga, tráng lệ đang được gấp rút hoàn thành trên 2 ha đất tại thị xã Phú Thọ dù không phép, chính quyền sở tại đã từng lập biên bản, xử phạt, tạm dừng thi công nhưng bất lực trước “ông chủ” của công trình này - một anh lái xe trẻ tuổi(?!).

Ngay như trường hợp rừng phòng hộ Sóc Sơn bị “xẻ thịt” cũng đã là “biểu tượng” của sự nhùng nhằng kéo dài suốt 12 năm, chờ dư luận lắng xuống, cấp trên ngừng nhắc nhở là cứ yên vị như chưa hề xảy ra chuyện gì. Một loạt các công trình trái phép to lớn và bề thế ngự giữa TP, ngạo nghễ trước làn sóng dư luận, dùng dằng để các quyết định xử phạt, “cắt nóc”, “hoàn nguyên”,... “hóa bùn”.

Sự “khó khăn, phức tạp” này là do chính các cán bộ trong cơ quan chức năng và chính quyền gây ra. Họ làm ngơ, không giám sát và để các ông chủ đặt vào thế đã rồi. Hoặc, họ biết tất cả nhưng âm thầm bỏ qua vì những lý do… tế nhị. Họ đã không dùng quyền lực vào việc tuân thủ pháp luật hoặc tự đánh rơi quyền lực đó vì không tuân thủ pháp luật.

Dư luận mặc định đó là sự “tiếp tay” hoặc “chống lưng” và thỏa hiệp với những sai phạm trên địa bàn phụ trách . Họ có hành vi như thế nhằm mục đích gì đó nhưng dứt khoát không phải sự chính trực cần có và sự nghiêm minh cần thiết theo chức trách phải làm. Những cán bộ để xảy ra tình trạng đó chưa bị mất chức, kỷ luật nặng nên tình trạng này vẫn tiếp diễn và ngày càng “khó khăn, phức tạp” hơn.

“Rút dây, động rừng” khi dỡ bỏ các công trình trái phép này sẽ lộ diện những cán bộ đã “tiếp tay” và “chống lưng”. Vì thế, người đứng đầu chính quyền địa phương nếu không trong sạch, liêm chính, quyền năng thì dứt khoát không thể xử lý việc này đến nơi, đến chốn được!