Máu sam biển – Món đặc sản có giá ngàn đô

(PLVN) - Nhắc đến Sam biển, nhiều người chỉ biết đó là một trong những món hải sản độc đáo và khá kỳ công trong việc chế biến. Nếu để thưởng thức thì giá của loại hải sản này không đắt đỏ, thế nhưng máu Sam lại có giá trị rất lớn, nhất là trong lĩnh vực y tế với những công dụng tuyệt vời. 
Điều chế dược liệu từ sam biển

Loại hải sản đặc biệt 

Con Sam thuộc họ Sam (Limulidae) gồm khoảng 4,5 thành viên là những loài duy nhất trong bộ đuôi kiếm còn sinh tồn hiện nay. Thậm chí, Sam còn tồn tại từ cách đây xấp xỉ 450 triệu năm. Sam là loại động vật sống dưới biển nhiều nhất là vùng cửa sông nơi có cát pha bùn, độ sâu 4-10m.

Các tài liệu khoa học cho biết Sam thuộc ngành chân khớp (lớp giáp cổ), bơi chậm và bò như cua. Với 6 đôi chân mọc ở phần đầu thân tua tủa gai nhọn nối với chiếc đuôi nhọn hoắt, Sam là loài có cấu tạo kỳ quái. Loài này sống ở độ sâu 4-10m, mỗi lần đẻ từ 200-1.000 trứng. Sau 6 tuần, trứng Sam nở thành ấu trùng và qua 16 lần lột xác, Sam con trưởng thành. Thức ăn của Sam là các loài giáp xác như tôm, cua có nhiều ở các cửa sông, đầm lầy ven biển.

 Máu sam biển là món ẩm thực đắt đỏ 

Người ta thường ví “dính lấy nhau như Sam” vậy, nên thường người ta bắt được cả đôi Sam. Nhưng nếu chỉ bắt được một con thì họ thường thả ngay xuống biển bởi người ngư dân tôn trọng truyền thuyết về đôi Sam. Sam không khó tìm như sa sùng tuy nhiên công đoạn chế biến Sam rất cầu kỳ. Phải là người đi biển lâu năm mới cho ra được những món san tuyệt vời được. Nếu bắt được con Sam không ăn sứa thì không sao nhưng bắt phải con ăn sứa thì gan và ruột của nó cực độc, có thể gây chết người.

Chính vì vậy người làm cần phải rất cẩn thận. Cả một con Sam chỉ lấy riêng phần bụng và phần trứng, tránh không để ruột và gan Sam bị vỡ. Sau khi đã được sơ chế hoàn chỉnh, Sam có thể trở thành nguyên liệu của rất nhiều món hấp dẫn và bổ dưỡng như chân Sam xào chua ngọt, gỏi Sam, Sam xào sả ớt, trứng Sam chiên giòn, sụn Sam nướng, Sam bao bột rán, Sam xào miến…món nào ăn cũng đều hấp dẫn.

Món ăn về Sam thì nổi bật nhất là Sam trứng nướng. Khi nướng Sam chuyển màu từ xanh sang vàng là lúc nó đã chín, lúc này người của quán sẽ dùng kéo cắt quanh mép phần thân đầu, lột lớp áo giáp phía dưới để lộ ra bọng trứng vàng ươm như trứng cá tầm để thưởng thức.

Máu Sam có thể cứu được người?

Ngoài là một loại hải sản ngon có tiếng. Máu Sam còn rất có giá trị, nhất là trong y học. Hơn 600.000 con Sam đã được đánh bắt mỗi năm trong suốt mùa sinh sản và đóng góp khoảng 30% lượng máu của chúng cho các cơ sở chuyên khoa đặc biệt ở Mỹ và châu Á. Mỗi một ga lông máu Sam trị giá 60.000 USD khiến cho ngành công nghiệp máu Sam trên bình diện toàn cầu đạt giá trị 50 triệu USD/năm.

Máu của loài Sam đặc biệt ngay từ ngoại hình, bởi thay vì màu đỏ như của con người hay đại đa số các loài động vật khác, máu Sam lại mang màu xanh dương nhạt. Nguồn gốc của màu sắc khác thường này đến từ nguyên tố đồng có trong thành phần máu của chúng (trong khi con người có máu đỏ là do chứa sắt).

 Sam biển ở vùng biển Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) 

Tuy nhiên, việc sở hữu một màu sắc kỳ lạ không thể nào là nguyên do để máu của loài động vật này được bán với mức giá hàng chục ngàn USD. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, máu của loài Sam có chứa một nhân tố đông máu đặc biệt có tên là Limulus amebocyte lysate (LAL) có khả năng phản ứng với vi khuẩn Gram âm nguy hiểm. Nhưng mãi đến năm 1970, máu Sam mới thực sự có giá trị khi LAL được đưa vào sử dụng.

Chỉ với việc nhỏ một vài giọt LAL vào thiết bị y tế hay Vaccine, hợp chất này sẽ ngay lập tức phủ lên bất kỳ vi khuẩn Gram âm nào mà nó phát hiện bằng một cái kén dạng dẻo, đây cũng chính là dấu hiệu cảnh báo cho chúng ta biết sự hiện diện của vi khuẩn trong các vật tư y tế, thứ có thể cướp đi mạng sống của người bệnh. Chất LAL nhạy đến mức có thể cô lập mối đe dọa nhỏ như một hạt cát trong một bể bơi lớn.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) luôn yêu cầu thuốc chích và các dụng cụ y tế tiếp xúc với cơ thể người bệnh phải qua kiểm tra bằng máu Sam. Do đó, máu Sam có tác dụng cứu sống hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày. Bác sĩ John Dubczak thuộc Phòng thí nghiệm Charles River (Mỹ) cho biết, công nghệ phát hiện độc tố nhờ máu Sam đang ngày càng trở nên nhạy và chính xác hơn. Phòng thí nghiệm Charles River đang phát triển các thiết bị thử độc tố có thể được sử dụng bên ngoài phòng thí nghiệm, thậm chí trên không gian như Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

“Chúng ta có thể sử dụng nó để xác định xem có những loại vi khuẩn nào tồn tại trên bề mặt ISS”, chuyên gia Norman Wainwright, giám đốc nghiên cứu và phát triển Phòng thí nghiệm Charles River cho biết. Hệ thống này cũng có thể giúp thực hiện các nghiên cứu sinh học cần thiết nhằm mở rộng sự hiện diện của con người trên không gian, từ sức khỏe của phi hành đoàn, nghiên cứu môi trường tàu vũ trụ cho đến nghiên cứu tìm sự sống trong hệ mặt trời. Máu Sam cũng đang được ứng dụng trên Trái đất.

Các nhà khoa học Nhật Bản cũng thực hiện thử nghiệm phát hiện tình trạng nhiễm nấm và nghiên cứu phát triển liệu pháp chống virus, chống ung thư dựa trên cơ chế cô lập và vô hiệu hóa độc tố của máu Sam. Giới khoa học cũng đang nghiên cứu những cơ chế tương tự để tránh phụ thuộc vào máu Sam. Một trong số đó là sử dụng chip điện tử để báo động khi tiếp xúc với độc chất. Một hệ thống khác do Đại học Wisconsin-Madison phát triển sử dụng tinh thể lỏng với chức năng phát hiện và cảnh báo tương tự.

Tuy nhiên, bác sĩ Peter Armstrong thuộc Đại học California cho biết, chưa có cơ chế nào có thể đạt được độ chuẩn xác và nhạy như LAL trong máu Sam. Ngàng công nghiệp máu Sam này không tàn sát loài Sam. Với mỗi con Sam người ta chỉ khai thác 30% máu. Trong vòng 72 giờ Sam được đưa lại về biển và một tuần sau lượng máu của chúng sẽ phục hồi.

Nhưng dù vậy, tỷ lệ Sam chết trong quá trình khai thác máu lên đến 10-30%. Vì đây cũng là một lượng máu khá lớn nên khoảng 30% cá thể Sam thường không thể qua khỏi quá trình lấy máu. Bên cạnh đó, cũng không ai chắc về việc 70% còn lại sẽ hồi phục ra sao sau khi được trả lại tự nhiên. Theo số liệu của các tổ chức bảo tồn, số lượng Sam ở nước Mỹ đã ở mức đáng báo động và nếu không có biện pháp can thiệp thì trong 40 năm nữa, dân số của loài Sam ở đây sẽ giảm xuống 30%.

Thực trạng loài Sam ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu của con người ngày một tăng, đã khiến giá của máu Sam vốn đã ở trên trời lại vẫn liên tục nhảy vọt. Tuy nhiên, điều thực sự đáng sợ không phải nằm ở chi phí cao, mà là khi đã không còn Sam để đánh bắt, trong khi chúng ta vẫn chưa thể phát minh ra một biện pháp phát hiện vi khuẩn hữu hiệu như LAL, thì mạng sống của hàng triệu người trên thế giới sẽ bị đe dọa vì nhiễm trùng.

Đọc thêm