Mẹ chồng “thích đòi quà”

(PLO) - Vợ chồng ngoại tỉnh lấy nhau biết bao khó khăn. Ấy vậy mà mẹ chồng chị tháng nào cũng gọi điện bảo mua cái nọ cái kia cho bà, thậm chí bảo các em chồng: “Chúng mày cần gì thì cứ điện thoại bảo anh chị mua cho”....
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
“Con ơi, sắp mùa đông rồi, cuối tháng về nhà nhớ mua cho mẹ bộ chăn ga gối đệm loại dày nhé. À mà này, con đừng quên xách về cái máy sưởi để mẹ ngủ cho ngon…”.  Trước lời căn dặn của mẹ chồng, chị Hòa mệt mỏi đặt máy điện thoại xuống bàn, lòng không khỏi lo lắng. 
Vợ chồng chị Hòa quê ngoại tỉnh, cả hai làm việc tại Hà Nội. Lấy nhau 2 năm nay, vợ chồng chị phải đi thuê nhà để ở. Công việc của cả hai khá ổn định với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Hà Nội mọi thứ đắt đỏ, hai vợ chồng nuôi một đứa con nhỏ, thuê nhà, cộng tiền sinh hoạt, hiếu hỉ, số tiền ấy khéo chi tiêu lắm cũng chỉ để ra được 1- 1,5 triệu đồng/tháng phòng đau ốm. 
Ấy vậy mà ở quê, mẹ và các em chồng đều cho rằng: “Anh chị trưởng làm ở Hà Nội, chục triệu một tháng, nhiều thế thì tiêu gì cho hết. Làm một tháng bằng người ta ăn cả năm”. Và cứ vin vào cớ đó, mẹ chồng chị luôn bảo với các con: “Chúng mày cần gì thì cứ điện thoại bảo anh chị mua cho”. 
Và để “làm gương”, một tháng đôi lần, mẹ chồng chị Hòa lại gọi điện cho con trai trưởng và con dâu gửi tiền về “để trang trải gia đình”. Ban đầu số tiền mẹ chồng chị yêu cầu chỉ một vài trăm, sau tăng lên tiền triệu. Không chỉ vậy, mẹ chồng chị còn gọi điện khi thì “mua hộ mẹ chiếc ti vi 21 inh”, lúc lại “sắm giúp mẹ bộ bàn ghế mới”. Và tất cả những thứ  “nhờ mua” ấy không bao giờ mẹ chồng chị gửi lại tiền. 
Vợ chồng chị Hòa vốn chu đáo và hiếu nghĩa nên đều cố đáp ứng đủ yêu cầu của mẹ, ngay cả khi nhà không còn tiền. Hai năm cưới nhau, anh chị sắm sửa cho gia đình bên nội khá nhiều đồ đạc, vật dụng trong nhà và gửi tiền hỗ trợ các em ăn học. Trong khi đó, anh chị không dám chi tiêu cho bản thân, ăn uống đạm bạc. Có lần cu Bi đi viện, anh chị phải vay tiền chữa bệnh cho con. Đồ đạc trong gia đình anh chị: giường, tủ, nồi niêu… đều là đồ cũ, xin lại từ người bạn học. Thế nhưng, không muốn mẹ chồng lo lắng, anh chị đều giấu những khó khăn ấy.
Rồi chẳng hiểu bà nghe ai nói vợ chồng chị Hòa còn có “bổng lộc” một tháng kiếm hơn hai mươi triệu đồng, bà tức tốc gọi điện ngay cho vợ chồng chị yêu cầu gửi ngay cho mình 50 triệu đồng để… mua đất xây nhà cho thằng út. Nghe vậy, anh chị từ chối vì không có tiền. Hôm sau, bà bắt xe lên Hà Nội, tới nhà con trai để mắng mỏ.
“Ai bảo mẹ con kiếm nhiều tiền?” - chồng chị ngạc nhiên hỏi. “Tôi thấy mọi người bảo thế”. “Mọi người là ai, sao mẹ không hỏi lại chúng con”. “Tôi lạ gì anh chị. Nếu hỏi anh chị giấu chứ đời nào nói cho tôi. Anh chị sợ chúng tôi tiêu hết chứ gì”. Tình thế căng thẳng, chồng chị bắt đầu tâm sự những khó khăn kinh tế mà vợ chồng phải vượt qua, đã giấu bấy lâu nay. Không để cho vợ chồng chị Hòa thanh minh, bà lu loa khóc: “Thôi, không phải kể lể, tôi biết thừa là anh chị muốn giữ tiền” rồi quày quả bắt xe về quê.
Những ngày này, vợ chồng chị Hòa đang bù đầu hoàn tất công việc cơ quan thì nhận được lời nhắn của mẹ: “Anh chị là con trưởng nên phải có trách nhiệm xây mồ mả cho các cụ. Nếu không muốn bỏ tiền thì đừng về quê”. Tính sơ sơ, anh chị phải bỏ ra hơn chục triệu đồng. Số tiền ấy, anh chị biết lấy đâu ra, mà đi vay của ai bây giờ? Nước mắt vợ chồng chị Hòa  chảy  ngược vào trong. Vợ chồng anh chị đã sống đúng đạo làm con mà sao mẹ lại đẩy anh chị vào tình thế “về cũng dở mà ở chẳng xong.”  Anh chị thở dài, lòng nặng trĩu… 

Đọc thêm