Mẹ góa "ôm" hai con dựng lều chờ chết

(PLO) - Chồng lâm trọng bệnh qua đời, một mình chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1976, ngụ ấp 5, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) nuôi hai con thơ dại. Cuộc sống nơi quê chồng quá khổ cực, chị ôm con về quê mẹ tá túc. Nhưng số phận chưa chịu buông tha, chị phát hiện mình ung thư máu.
Túp lều nơi ba mẹ con chị Nguyệt sinh sống
Túp lều nơi ba mẹ con chị Nguyệt sinh sống
Chồng chết, cha chết, bản thân ung thư
Vượt qua chặng đường gập ghềnh đất đá quanh co, chúng tôi mới đặt chân đến căn lều của chị Nguyệt giữa bốn bề cây cối um tùm. Nơi che mưa che nắng cho ba mẹ con là một tấm bạt lớn căng dưới tán một cây cổ thụ. 
Chẳng vật dụng gì trong nhà có giá trị ngoài vài chiếc nồi do hàng xóm góp tiền mua cho. Bữa cơm của ba mẹ con chỉ một khúc cá nhỏ. Khúc cá chị chia cho hai con, còn góa phụ phết vài giọt nước mắm lên bát cơm trắng ăn qua bữa.
Bố mẹ chị Nguyệt người gốc Thái Bình, bao nhiêu năm vào Nam lập nghiệp vẫn nghèo. Năm chị em rời sách vở từ rất sớm, tất bật đi làm thuê kiếm tiền. 
Là con cả trong nhà, chị lấy chữ hiếu làm trọng, gác lại hạnh phúc riêng tư để gánh vác trách nhiệm kiếm cơm áo cho gia đình. 
Những tháng ngày vắt sức đi làm thuê làm mướn đã giúp gia đình phần nào vượt qua khó khăn, nhưng đổi lại cô gái phải chịu thiệt thòi. 
Đến năm 30 tuổi, khi các em đứa lập gia đình, đứa tự làm thuê lo được cuộc sống, chị mới kết hôn với một người đàn ông làm nghề biển nghèo khó. 
Cuộc sống tuy nghèo khổ nhưng vợ chồng hạnh phúc, thương yêu nhau hết mực. Hai đứa con có nếp có tẻ lần lượt chào đời, người chồng càng thương vợ, chăm chỉ làm ăn.
Năm 2011, tai họa ập xuống, người trụ cột trong gia đình bỗng lâm bệnh, đau ốm triền miên. Không có tiền đi khám bệnh, anh cắn răng chịu đựng cơn đau. Đến khi sức khỏe cạn kiệt, vay mượn tiền đi khám bệnh, chữa trị thì quá muộn.
Lo đám tang cho chồng xong, chị dắt hai con về Đồng Nai nương nhờ nhà ngoại. Chị thuê căn nhà trọ làm nơi tá túc cho ba mẹ con, hàng ngày đi làm giúp việc, tranh thủ đi cuốc cỏ, lấy mủ cao su cho người ta. Hễ ai thuê gì, chị đều tranh thủ làm hết mong có tiền nuôi con.
Một thời gian ngắn sau, cha chị Nguyệt đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn điện giật. Cả gia đình ngã quỵ, một thời gian dài cái ăn hàng ngày phải dựa vào hàng xóm láng giềng. 
Ai ngờ những cái xui rủi vẫn chưa buông tha góa phụ. Những ngày đầu năm 2014, chị thấy trong người mệt mỏi, ở vùng bụng sinh một khối u đau nhức, ngang hông bầm tím. Những lúc đau, chị chạy ra tiệm thuốc tây gần nhà mua viên thuốc giảm đau uống tạm rồi đi làm. 
Chị Nguyệt kể sự sống của mình như ngọn đèn trước gió, chỉ sợ đàn con rồi không nơi nương tựa
 Chị Nguyệt kể sự sống của mình như ngọn đèn trước gió, chỉ sợ đàn con rồi không nơi nương tựa
Cơn đau ngày một dữ dội, chị tằn tiện được ít tiền đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) khám. Sau khi xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận chị bị rối loạn máu, phải chuyển gấp lên tuyến trên theo dõi. 
Trong người không còn một đồng, chị im lặng giấu tờ giấy chuyển viện đi. Tình cờ, người em phát hiện ra chị bị bệnh nên gắng bán tất cả số mì trong vườn, đưa tiền cho chị lên Bệnh viện huyết học TP HCM khám chữa. 
Đầu tháng 3/2015, chị chết lặng khi nghe bác sĩ kết luận chị bị ung thư máu (bạch cầu dạng tủy nạn), cần xét nghiệm tủy, vô hóa chất ngay mới mong duy trì sự sống.
Không cho phép mình gục ngã
Đang là trụ cột kinh tế của cả gia đình, nay bất ngờ lâm trọng bệnh. Lo cái ăn từng ngày cho hai con còn chưa đủ, lấy tiền đâu chữa bệnh cho bản thân. Đôi lúc tuyệt vọng, chị muốn buông tay, nhưng thương hai đứa con thơ dại côi cút giữa dòng đời, chị không cho phép mình gục ngã, tuyệt vọng. 
Tin chị bị ung thư máu sớm đến tai chủ nhà. Vì sợ chị mang bệnh hiểm nghèo sống chết lúc nào không ai hay, người chủ nhà nhẫn tâm đuổi chị đi. 
Không còn chỗ tá túc, chị ôm con về sống trong nhà mẹ đẻ. Gạt dòng nước mắt, chị ngậm ngùi: “Nhà mẹ tôi chật chội, còn có các em sống cùng. Tường nhà nứt nẻ ngang dọc, lớp tôn đã mục ruỗng, chỉ một cơn mưa giông thì đồ đạc trong nhà ướt nhẹp. 
Không có chỗ ngủ, tôi đành mua tấm bạt lớn, giăng lều sống bên cạnh nhà mẹ cho đỡ phiền hà. Nhìn hai đứa con sống trong túp lều ban ngày nóng như lửa đốt, chiều tối mưa rào tạt vào lạnh buốt mà thương. May chúng biết mẹ đau nên không nỡ than thở nửa lời”.
Mới đầu phát hiện bệnh, chị Nguyệt nhập viện chữa trị được một tuần rồi năn nỉ bác sĩ cho về vì hết tiền. Về nhà, chị tiếp tục quần quật làm việc, vừa lo cái ăn cho con, vừa dành tiền mua thuốc nam uống đỡ. Nhưng bệnh tình ngày một nặng thêm, giày vò chị suốt nhiều đêm không ngủ được. 
Đau không chịu được nữa, chị bò dậy đi mượn tiền lên Sài Gòn cầu cứu bác sĩ. Nằm viện được bốn ngày, chị lại xin xuất viện về nhà. Từ đó mỗi tuần một lần, chị phải lên Bệnh viện Huyết học khám, theo dõi, lấy thuốc uống. 
Đứa út còn nhỏ không có người trông, chị dắt con đi cùng. Đứa con trai đầu năm nay lên lớp Sáu, ngoài buổi đi học, bé đi lượm ve chai, mót củ sắn giúp mẹ. 
Mỗi tuần chị Nguyệt phải lên Sài Gòn một lần theo dõi căn bệnh quái ác
 Mỗi tuần chị Nguyệt  phải lên Sài Gòn một lần theo dõi căn bệnh quái ác
Khốn khổ là vậy mà năm nào bé cũng đạt học sinh tiên tiến của lớp. Đêm đêm nhìn mẹ toát mồ hôi, con lại khóc, ôm mẹ thủ thỉ: “Hay con bỏ học đi làm thuê chữa bệnh cho mẹ nhé?”.
Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm, vui lòng gửi về địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Nguyệt, ấp 5, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, số điện thoại: 099.391.9712.
“Mỗi lần đi khám, tôi luôn năn nỉ bác sĩ xin khám sớm để về với con trong ngày. Lần nào khám muộn, mẹ con phải ở lại bệnh viện chờ sáng mai lấy kết quả, bữa ăn đi xin từ thiện, tối ngả lưng vào ghế đá trong bệnh viện chợp mắt, lại trào nước mắt thương con trai ở trong túp lều một mình. 
Bác sĩ bảo tôi phải điều trị thường xuyên trong ba năm nữa để theo dõi. Nghĩ mà nản, mỗi lần lên bệnh viện, hai mẹ con đều say xe mệt lả. Cứ đà này, sợ chưa được ba năm thì tôi đã chết rồi”, chị Nguyệt tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Thân (50 tuổi, trưởng ấp 5) cho biết: “Ở đây ai cũng thương hoàn cảnh chị Nguyệt mẹ góa con côi, cùng cực nhất địa phương. Dù ốm đau bệnh tật, chị ấy vẫn chăm chỉ cuốc cỏ thuê trên rẫy kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh. 
Những lúc đau quá không đi làm nổi, cái ăn hàng ngày mới nhờ sự giúp đỡ từ hàng xóm. Thương hoàn cảnh của chị, trong ấp đã góp mỗi người một ít mong xây cho chị ngôi nhà, lỡ sau này chị không qua khỏi, hai đứa con cũng có chỗ chui ra chui vào. Nhưng dân địa phương nghèo quá, chẳng góp được bao. Mong những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ chị chữa bệnh, giúp đỡ chúng tôi xây cho chị Nguyệt ngôi nhà nhỏ”.

Đọc thêm