Là cha, nhưng tôi muốn được nuôi con
“Đang là sinh viên năm nhất thì tôi kết hôn và có thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn đàng hoàng. Sau 3 năm chung sống, vợ chồng tôi có một con gái hơn 2 tuổi. Vì nghề nghiệp là tiếp viên quán karaoke nên vợ tôi có những mối quan hệ phức tạp với nhiều người đàn ông khác và điều này khiến hai vợ chồng tôi cãi nhau nhiều lần. Trong lần cãi nhau gần đây nhất, vợ tôi tuyên bố sẽ viết đơn ly hôn, bất kể tôi ký hay không.
Không hiểu vợ tôi nói gì với mẹ đẻ mà ngay ngày hôm sau, mẹ vợ tôi đã đón xe từ quê lên đón con gái tôi về trong lúc tôi đang trên lớp học. Mẹ vợ tôi cũng không quên nhắn tin cho tôi nói rằng nếu hai vợ chồng tôi ly hôn thì con gái tôi sẽ ở với mẹ vì nó còn nhỏ và bản thân tôi không có khả năng chăm sóc con.
Tôi rất bức xúc với tuyên bố này của mẹ vợ vì tuy là sinh viên năm cuối nhưng tôi đã ký được hợp đồng lao động với một công ty với mức lương cơ bản là 5 triệu đồng/tháng. Còn vợ tôi thì lương tiếp viên ở quán karaoke rất cao, nhưng giờ làm việc rất thất thường, có khi tới 3 – 4 giờ sáng mới về.
Khi chúng tôi còn sống chung, mọi việc chăm sóc con hầu như một tay tôi lo liệu. Dù là sinh viên nhưng từ ngày cưới đến giờ, tôi cũng có thu nhập từ việc đi làm, đi dạy thêm nên việc chi tiêu trong gia đình và nuôi con, hai vợ chồng đều chia sẻ trách nhiệm với nhau chứ không ai phụ thuộc vào ai.
Là người chăm sóc chính cho con từ lúc mới sinh đến giờ nên khi bị bắt mất con, tôi vô cùng đau khổ và suy sụp. Tuy vợ chồng tôi không còn tình cảm với nhau nữa nhưng tôi không đồng ý ly hôn vì tôi rất sợ sẽ không được ở gần con nữa.
Tôi thừa hiểu tính cách và công việc của vợ tôi, nếu ra tòa cô ấy sẽ hứa hẹn về quê tự tay chăm sóc con, nhưng ngay sau đó sẽ gửi con cho mẹ đẻ ở quê để tiếp tục công việc ở thành phố. Như vậy, con gái tôi sẽ rất tội nghiệp vì không được ở gần cả cha lẫn mẹ. Vẫn biết rằng luật pháp quy định khi ly hôn con dưới 3 tuổi phải ở với mẹ, nhưng tôi xin những người am hiểu pháp luật hãy chỉ cách cho tôi được quyền nuôi con sau khi ly hôn”.
Trên đây là lá đơn của một ông bố trẻ gửi đến Trung tâm Tư vấn Hôn nhân - Gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Chị Nguyễn Thị V - nhân viên Trung tâm Tư vấn cho biết, lời cầu xin của ông bố trẻ này không phải trường hợp cá biệt. Trên thực tế, chị đã gặp rất nhiều ông bố khi ly hôn muốn được nuôi con vì lo lắng người vợ cũ của mình sẽ không làm tròn trách nhiệm một người mẹ.
Không còn “đương nhiên” được ở với mẹ
Nhận định của chị V. có thể làm nhiều người ngỡ ngàng vì xưa nay quan niệm xã hội vẫn cho rằng khi vợ chồng ly hôn, con cái ở với mẹ sẽ sung sướng hơn ở với bố: “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá ngoài đường”. Vả lại, người đàn ông cũng thích cho con ở với vợ cũ hơn để dễ dàng tái hôn, con không phải chịu cảnh mẹ ghẻ - con chồng.
Có lẽ cũng xuất phát từ suy nghĩ này, theo Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) năm 2000, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con, còn con dưới 3 tuổi, luật giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Tuy nhiên trên thực tế, tuy “đương nhiên” được quyền nuôi con dưới 3 tuổi nhưng vì nhiều lý do, không phải bà mẹ nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình.
Bằng chứng là thời gian gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ mẹ đẻ cùng cha dượng hùa nhau đánh con dưới 3 tuổi bầm giập, phải đi viện. Và, cũng có nhiều bà mẹ tuy nhận nuôi con nhưng lại để cho mẹ đẻ mình trông và bà ngoại đã hành hạ, đánh đập cháu như vụ xảy ra ở Giá Rai, Bạc Liêu.
|
Mẹ đẻ và cha dượng hành hạ, đánh đập bé Đỗ Thị Kim Ngân |
Do đó, trong lần sửa đổi Luật HN-GĐ, các nhà làm luật đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này để bảo vệ quyền lợi của con trẻ. Cụ thể, theo Luật sư Huỳnh Minh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật HN-GĐ năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn có sự thay đổi so với luật cũ. Bên cạnh những nội dung vẫn được giữ nguyên, Luật HN-GĐ năm 2014 quy định nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên là đã phải xem xét nguyện vọng của con, thay vì 9 tuổi như luật cũ.
Cũng theo Luật HN-GĐ năm 2014, khi vợ chồng ly hôn, “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” (Điều 81). Quy định này tương tự luật cũ nhưng lại chặt chẽ hơn ở điểm không phải bất cứ trường hợp nào con dưới ba tuổi đều ở với mẹ.
Bởi vì dù con dưới ba tuổi nhưng bản thân người mẹ không đủ điều kiện nuôi con, chẳng hạn: do đau yếu, bệnh tật triền miên; đi công tác xa liên tục dài ngày; không nghề nghiệp, việc làm, không có tài sản, thu nhập ổn định để nuôi con; người mẹ rơi vào tệ nạn xã hội: cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan, nghiện ngập, phạm pháp…, thì tòa án vẫn có thể giao con cho người cha được trực tiếp nuôi giữ và chăm sóc.
“Quy định phần nào bảo đảm hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ và cũng khắc chế được sự ỷ lại của một số bậc làm mẹ, vì cứ cho rằng con dưới ba tuổi thì đương nhiên thuộc về người mẹ nuôi nên họ không tập trung chăm lo, nuôi dạy con tốt…” - Luật sư Huỳnh Minh Vũ phân tích.