Ngày 4/7, Ahmed Bassam Zaki (21 tuổi) đang là nam sinh tại một trường Đại học nổi tiếng tại thủ đô Cairo (Ai Cập) đã bị cảnh sát bắt giữ bởi những cáo buộc hiếp dâm, đe dọa tống tiền, nhắn tin quấy rối tình dục hàng loạt nữ sinh.
Phong trào bảo vệ phụ nữ chưa từng có
Ahmed Bassam Zaki xuất thân từ một gia đình thượng lưu của Ai Cập, bố của hắn là một giám đốc điều hành viễn thông. Zaki đã tốt nghiệp trường Quốc tế Mỹ, một trường trung học dành cho các gia đình giàu có tại thủ đô Cairo.
Năm 2016, Zaki bắt đầu học tại Đại học Mỹ, tại đây nhiều sinh viên đã nhanh chóng nhận ra con người xấu xa của gã sau hàng loạt hành vi quấy rối đối với các bạn nữ. “Khi còn là sinh viên năm nhất, Zaki từng bị đuổi khỏi câu lạc bộ khiêu vũ của trường khi nhiều sinh viên nữ phàn nàn về hành vi quấy rối của anh ta”, Kareem Elhosseni, Phó chủ tịch của một câu lạc bộ tại trường này cho biết.
Ngày 1/7, truyền thông Ai Cập “dậy sóng” khi trên mạng xã hội Instagram xuất hiện trang @assaultpolice với những lời cáo buộc liên quan đến những hành vi phạm tội của Ahmed Bassam Zaki. Những cô gái là nạn nhân tham gia diễn đàn này đã gửi cả bản sao tin nhắn mà Zaki gửi cho họ. Zaki đã sử dụng nhiều mưu mẹo để có được số điện thoại của các cô gái, thậm chí hắn còn tự xưng là thành viên của những tổ chức không có thật nhằm lôi kéo lòng tin.
|
Phụ nữ Ai Cập đã phải sống trong nỗi thống khổ vì bị cả xã hội khinh rẻ. |
Hắn gây áp lực để khiến các bạn nữ sinh gửi những bức ảnh nhạy cảm của mình cho hắn, sau đó hắn dùng chúng để ép họ quan hệ tình dục hoặc tống tiền, đe dọa sẽ gửi những bức ảnh đó cho cha mẹ của các cô gái nếu dám từ chối. Thâm hiểm hơn, hắn dùng những lời nói ngon ngọt để chiếm được sự đồng cảm của các cô gái. Hắn tâm sự mình vừa trải qua khủng hoảng lớn trong đời, sau đó dụ nạn nhân đến nhà và tấn công tình dục.
Một nữ sinh 18 tuổi gặp Zaki trên Tinder nói rằng hắn có vẻ giống như một chàng trai đàng hoàng. Nhưng sau cuộc trò chuyện làm quen, hắn nhanh chóng mời cô về nhà để thực hiện hành vi dâm ô. Khi cô gái từ chối, hắn buông lời nhục mạ không thương tiếc và dọa sẽ đến nhà gặp bố mẹ cô. “Nếu là người ngoài cuộc, bạn có thể nhận ra anh ta bịp bợm. Nhưng nếu trong cuộc, bạn sẽ tin điều anh ta nói. Điều này rất đáng sợ”, cô gái chia sẻ.
Theo những thông tin đăng tải trên tài khoản Instagram được lập ra để tố cáo Zaki: “Các nạn nhân không quen biết nhau nhưng câu chuyện của họ có rất nhiều điểm tương đồng”, Sabah Khodir, nhà văn người Ai Cập thường viết về chủ đề tình dục, cũng là người nhận được vô số lời khai giấu tên từ các nạn nhân của Zaki, cho biết. Theo thông tin từ công tố viên, vụ án hình sự chống lại tên Zaki tập trung vào 6 người phụ nữ ban đầu được xác định là nạn nhân trong sự việc này. Zaki cũng có khả năng bị truy tố ở Tây Ban Nha, nơi sinh viên này từng theo học hồi năm ngoái.
Ngôi trường ở Barcelona đã ra thông báo đuổi học và đệ đơn khiếu nại hình sự lên cảnh sát Tây Ban Nha hôm 6/7. Những yếu tố như trường học của con em các gia đình giàu có, ngôi trường danh giá nổi tiếng và nhiều cáo buộc gây sốc... đã khiến vụ việc thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Truyền thông Ai Cập liên tục đưa tin, cư dân mạng thì bàn tán xôn xao. Làn sóng tố cáo công khai trên mạng xã hội đã khiến vụ việc được xem như phong trào #MeToo – “Tôi cũng vậy” của Ai Cập.
Hy vọng thay đổi
Hành động nhanh chóng và công khai này của nhà chức trách được xem là bước ngoặt đáng chú ý ở Ai Cập, nơi các vụ tấn công và quấy rối tình dục rất phổ biến và nạn nhân không dám lên tiếng vì sợ chính họ sẽ bị đổ lỗi, hay nói cách khác là họ không muốn “tự rước họa vào thân”.
Ngày 7/7 vừa qua, Hội đồng Phụ nữ Quốc gia của Ai Cập cho biết cơ quan này đã nhận được hơn 400 khiếu nại liên quan tới các hành vi bạo lực đối với phụ nữ. Các cơ quan truyền thông, thường chịu ảnh hưởng bởi chính phủ, hầu như đều lên tiếng ủng hộ những người cáo buộc Zaki.
Các học giả tại học viện Al-Azhar, trung tâm học tập Hồi giáo dòng Sunni, cũng đứng về phía họ đồng thời đưa ra tuyên bố khuyến khích phụ nữ đứng ra làm chứng tố cáo các hành vi tấn công tình dục và từ chối mọi quan điểm cho rằng trang phục hay hành vi của họ đáng trách. Ông Ahmed Barakat, phát ngôn viên của Đại học Al Azhar nói: “Chúng tôi muốn nhắn gửi một thông điệp tới cộng đồng rằng chúng ta cần phải thay đổi văn hóa của mình.
Trong văn hóa phương Đông, một số nạn nhân không dám lên tiếng vì cảm thấy xấu hổ. Chúng ta cần động viên họ dũng cảm lên tiếng vạch trần cái xấu”. Trước đây, những điều này rất ít xảy ra tại Ai Cập. Quay lại thời điểm năm 2011, cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak (từ chức năm 2011) lần đầu tiên thành công và được đánh dấu bằng một loạt vụ hiếp dâm, tấn công tình dục tập thể ngay trên quảng trường Tahrir giữa thủ đô Cairo. Nổi bật trong bức tranh đau khổ của những nạn nhân là vụ tấn công nữ nhà báo của đài CBS (Mỹ) Lara Logan.
Tiếp đó cuối tháng 6/2013 một nữ nhà báo Hà Lan 22 tuổi cũng bị cưỡng hiếp tập thể trên quảng trường Tahrir. Trong cuộc biểu tình tụ tập chống ông Mohamed Morsi (Tổng thống Ai Cập từ 6/2012 đến 7/2013), khiến cô phải trải qua phẫu thuật vì những vết thương nghiêm trọng. Riêng đêm 30/6/2013, tổ chức Operation Anti-Sexual Harassment (OASH - Chiến dịch Chống quấy rối Tình dục) ghi nhận có tới 46 trường hợp tấn công và quấy rối tình dục xảy ra với phụ nữ.
Theo trang web firstpost.com, từ 28/6/2013 đến 4/7/2013 có 101 phụ nữ đã bị tấn công tình dục đối với phụ nữ tại quảng trường Tahrir. Tờ New York Times phản ánh, trong ngày 25/1/2013 (kỷ niệm 2 năm cuộc cách mạng lật đổ ông Mubarak) có ít nhất 18 phụ nữ (gồm cả nữ nhà báo Ai Cập) bị tấn công tình dục khi diễn ra cuộc biểu tình chống lại chính quyền mới do Tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo. Mức độ tấn công tàn bạo đến mức nhiều nạn nhân phải nhập viện, một số bị đâm vào cơ quan sinh dục và phải phẫu thuật tử cung.
|
Cũng theo New York Times một quan chức của chính đảng thuộc Anh em Hồi giáo, Reda al-Hefnawi, đã từng chất vấn tại quốc hội: “Tại sao người ta lại đòi hỏi Bộ Nội vụ phải đi bảo vệ 1 phụ nữ khi chị ta đứng giữa cánh đàn ông (khi tham gia biểu tình ở nơi công cộng)?”. Như vậy có thể thấy không chỉ có tôn giáo mà ngay cả trong giới chính trị sự phân biệt chống lại phụ nữ luôn hiện hữu ở Ai Cập. Trong xã hội Ai Cập, các nạn nhân nữ của bạo hành tình dục thường ngại trình báo với cảnh sát hoặc đến cơ sơ y tế để điều trị vết thương.
Cùng với đó các vụ việc thường khó xác định thủ phạm hoặc khó truy tố đối tượng gây án, nên các nạn nhân càng ít hy vọng vào việc trình báo. Nắm được “điểm yếu” này của phụ nữ Ai Cập nên những kẻ tấn công tình dục đã luôn nhắm vào các nhà hoạt động nữ và các nhà báo nữ để “khủng bố tình dục”.
Có lẽ, những kẻ đó muốn làm lung lay tinh thần đấu tranh của phụ nữ Ai Cập, để họ không tham gia vào các cuộc biểu tình và đưa tin về sự đấu tranh đòi quyền bình đẳng của phụ nữ tại đây. Điều này đã khiến cho những cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ Ai Cập hiện đại càng trở nên khó khăn.