Michel Bussi: Giảng viên địa lý trở thành nhà văn trinh thám lừng danh nước Pháp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong vài năm trở lại đây, Michel Bussi đã không còn là cái tên xa lạ với những độc giả yêu quý văn học trinh thám Pháp. Với lối viết uyển chuyển, giàu kịch tính, nhưng cũng đầy nhân văn, các tác phẩm của ông đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc.
Nhà văn Michel Bussi.
Nhà văn Michel Bussi.

Sách bán chạy nhất nước Pháp

Nhà văn Michel Bussi sinh năm 1965 tại Pháp. Trong vài năm trở lại đây, Michel Bussi dần trở thành cái tên quen thuộc đối với độc giả yêu thích thể loại trinh thám. Nhà văn người Pháp này đã có 5 tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam, trong đó có một số tiểu thuyết được bạn đọc yêu thích như: Hoa súng đen, Xin đừng buông tay, Kho báu bị nguyền rủa, Vết khắc hằn trên cát.

Năm 2019, theo Tạp chí Le Figaro, Michel Bussi đứng thứ hai trong danh sách các tác giả có tiểu thuyết bán chạy nhất tại Pháp, sau một cái tên cũng khá quen thuộc với độc giả Việt Nam là Guillaume Musso. Cả hai đều có hơn 1 triệu cuốn tiểu thuyết được bán ra mỗi năm, chỉ tính riêng ở Pháp.

Thế nhưng, con đường văn nghiệp của cây bút trinh thám này lại không mấy bằng phẳng. Khi gần bước sang tuổi 40, Michel Bussi mới bắt đầu viết lách.Trước đó, ông là một giảng viên địa lý tại Đại học Rouen. Tác phẩm đầu tay của Michel Bussi không được các nhà xuất bản chào đón.

Thay vì chán nản và xếp nó vào ngăn tủ, ông giảng viên đang tập tành viết văn này quyết định chỉnh sửa lại bản thảo cả mình. Gần 10 năm sau, tiểu thuyết trinh thám Gravé dans le sable (tựa tiếng Việt là Vết khắc hằn trên cát) đã được xuất bản tại Pháp.

Tác phẩm này giúp Michel Bussi nhận được sự quan tâm của độc giả lẫn các nhà phê bình. Lúc đó, nhà văn mới nổi này được đánh giá cao ở cách kể truyện kết hợp với ngòi bút miêu tả điêu luyện. Tài năng của Michel Bussi một lần nữa được khẳng định qua cuốn tiểu thuyết Hoa súng đen. Ông đã mang cho người đọc một cái nhìn mới về tiểu thuyết trinh thám.

Mô - típ truyền thống của trinh thám sẽ là hành trình phá án, lật mặt hung thủ. Độc giả sẽ luôn thắc mắc với câu hỏi: “Ai là kẻ thủ ác?”. Thế nhưng, trong các tiểu thuyết của Michel Bussi, hung thủ lộ diện ngay từ đầu. Thay vào đó, nhà văn muốn cùng độc giả khám phá động cơ gây án.

Trong các tác phẩm của Michel Bussi không xuất hiện các sát thủ liên hoàn, hay kẻ giết người máu lạnh. Các nhân vật hung thủ của ông thường gây án khi bị dồn vào đường cùng, hay phải chịu những tổn thương quá lớn do chính nạn nhân gây ra. Trong hành trình đi tìm động cơ gây án của hung thủ, thay vì kinh sợ và phán xét hung thủ, độc giả sẽ giành cho họ sự cảm thương.

Kho báu bị nguyền rủa (Ảnh: Nhã Nam).Kho báu bị nguyền rủa (Ảnh: Nhã Nam).

Vì không có sự xuất hiện của các sát thủ liên hoàn và sát thủ máu lạnh, nên trong tiểu thuyết của Michel Bussi cũng không xuất hiện các tình tiết ghê rợn liên quan đến hiện trường gây án, hay quá trình phá án. Thay vào đó, nhà văn chú trọng đến quá trình chuyển biến tâm lý của nhân vật.

Văn phong hoa mỹ

Cái thiện và cái ác luôn xoay chuyển không ngừng trong nhân vật kẻ sát nhân của Michel Bussi. Nhà văn luôn trân trọng phần lương thiện trong mỗi con người. Trong tác phẩm của ông, đôi khi kẻ giết người phải xuống tay vì bị chính nạn nhân ép tới đường cùng.

Với nhà văn, trong mỗi con người, cái ác và cái thiện luôn song hành cùng nhau. Đôi khi, chính nạn nhân cũng đã từng đóng vai kẻ ác trong một câu chuyện khác. Sự tuần hoàn của luật nhân quả luôn lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của nhà văn người Pháp này.

Một điểm khác biệt nữa trong các tác phẩm của Michel Bussi là văn phong trong các tiểu thuyết trinh thám của ông khá hoa mỹ. Trong các tiểu thuyết trinh thám, các nhà văn đa phần ưa chuộng câu văn ngắn, mạch lạc, ít yếu tố miêu tả ngoại cảnh. Thay vào đó, tác giả chủ yếu tập trung vào việc miêu tả hành động và xây dựng tình huống.

Nhưng Michel Bussi thì khác, miêu tả là thủ pháp được sử dụng một cách triệt để trong tác phẩm của ông. Không chỉ miêu tả tỉ mỉ hiện trường vụ án, các bối cảnh từ lớn tới nhỏ của tác phẩm, hay ngoại hình của các nhân vật cũng được nhà văn này miêu tả một các chi tiết. Bên cạnh đó, ông cũng miêu tả rất kỹ tâm lý nhân vật, những nỗi đau mà họ phải gánh chịu để cái ác được dịp trỗi dậy trong một tâm hồn vốn thánh thiện.

Đọc kỹ các tác phẩm của Michel Bussi, độc giả sẽ thấy rằng: nếu bỏ qua các tình tiết về vụ án, chúng ta vẫn sẽ có một cuốn tiểu thuyết tâm lý được viết rất logic. Ẩn bên trong câu chuyện về một kẻ sát nhân là câu chuyện về nhân tính và tình người. Những vấn đề nhức nhối trong xã hội như: nạn phân biệt chủng tộc, góc khuất trong đời sống của người nhập cư, nạn xâm hại trẻ em… cũng được Michel Bussi khéo léo lồng ghép vào tác phẩm. Bởi thế, một tác giả trinh thám như ông đã thu hút sự chú ý của không ít người yêu thích dòng văn học lãng mạn.

Michel Bussi không tập trung xây dựng quá trình phá án, nên trong tác phẩm của mình, nhà văn này không tập trung xây dựng hình ảnh cho tuyến nhân vật thanh tra, hay cảnh sát trưởng giống như các bậc tiền bối đi trước là Arthur Conan Doyle và Georges Simenon.

Nhiều nhà văn khi viết tiểu thuyết trinh thám thường tập trung xây dựng các nhân vật thám tử, thanh tra và cảnh sát trưởng, coi tuyến nhân vật này là “linh hồn” của tác phẩm. Nhưng trong sáng tác của Michel Bussi vai trò của các nhân vật này không nổi bật.

Hung thủ trong tiểu thuyết của Michel Bussi phần lớn là phụ nữ. Thay vì phán xét hay luận tội họ, Michel Bussi luôn giành cho các nhân vật nữ của mình sự thương cảm. Khi kẻ giết người là phụ nữ, tác giả luôn xây dựng câu chuyện theo mô-típ “người tốt bị ép tới đường cùng”. Kẻ sát nhân trong tiểu thuyết của ông không bao giờ giết người vì thú tính, hay những đam mê bệnh hoạn, họ bị buộc phải ra tay để trả thù, hoặc giải thoát cho chính mình. Tuy là kẻ giết người, nhưng hành trình “hắc hóa” của tuyến nhân vật này đã giành được sự cảm thương từ độc giả.

Là một người am hiểu về địa lý, lịch sử và văn hóa, Michel Bussi đã khéo léo lồng ghép tri thức về các lĩnh vực vào trong tác phẩm của ông. Trong tiểu thuyết Hoa súng đen, người đọc được thưởng thức vẻ đẹp nên thơ, thanh bình của vùng Normandie quê hương của tác giả. Nhờ ngòi bút tinh tế và linh hoạt của tác giả, người đọc quên mất rằng mình đang theo dõi một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Đôi khi, độc giả tưởng rằng mình đang thư giãn với một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Chính sự linh hoạt này đã tạo nên đặc trưng của Michel Bussi.

Pháp và vùng Địa Trung Hải trở thành bối cảnh quen thuộc trong tác phẩm của Michel Bussi. Mọi sáng tác của nhà văn này đều lấy nơi đây làm bối cảnh chính. Chính sự am tường về địa lý, văn hóa và lịch sử Pháp khiến cho tiểu thuyết đạt được sự nhuần nhuyễn và vô cùng tự nhiên.

Với độc giả Việt, Michel Bussi không tạo được nhiều tiếng vang như Agatha Christie hay Higashino Keigo. Nhưng ông đem đến cho người đọc những cảm nhận rất mới mẻ về tiểu thuyết trinh thám. Nếu bạn muốn tìm một cuốn tiểu thuyết trinh thám mang màu sắc khác lạ, là người yêu thích tiểu thuyết tâm lý, haylần đầu muốn đọc thử một cuốn truyện trinh thám, hãy thử tìm đến các sáng tác của Michel Bussi.

Đọc thêm