Chuyến du lịch “đánh bắt” nhựa
Trong nhiều năm qua, kể cả trong bối cảnh Covid-19, công cuộc thu gom rác thải nhựa trên các con sông tại Amsterdam vẫn tiếp diễn, để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là mục tiêu số 14 “Cuộc sống dưới nước”. Các thuyền vớt rác của thành phố thu gom khoảng 42.000 kg rác nhựa từ các con kênh mỗi năm. Tuy nhiên, nỗ lực như vậy vẫn chưa đủ.
Chính quyền thành phố, cư dân và các tổ chức địa phương cũng chủ động góp sức để “xanh hoá” sông nước của thành phố di sản này. Các giải pháp sáng tạo, bao gồm: Công ty Plastic Whale tổ chức tour “đánh bắt nhựa” trên sông; và “Hàng rào bong bóng khí” để ngăng chặn rác thải nhựa ra biển. Cùng rất nhiều nỗ lực và sáng kiến khác, thành phố Amsterdam đang là nhà tiên phong trên toàn cầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa.
Rác thải nhựa đang “bao phủ” nhiều nơi trên trái đất, trong đó bao gồm những điểm đến nổi tiếng. Trước khi đại dịch bùng phát, ngày càng nhiều du khách ưa chuộng hình thức du lịch đi kèm với hoạt động bảo vệ môi trường như vớt, nhặt rác thải tại các điểm đến du lịch. Không ngoại lệ, thủ đô Amsterdam của Hà Lan gánh chịu hậu quả nặng nề từ chính sự thành công về du lịch của thành phố, khi các con kênh, kiến trúc cổ và những quận “đèn đỏ” thu hút 18 triệu lượt khách tham quan mỗi năm, nhiều hơn cả dân số Hà Lan, dẫn đến lượng rác thải tăng vọt. Những con sông, kênh rạch trở thành “nạn nhân” của sự phát triển này.
Do vậy, bên cạnh việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người, thành phố Amsterdam đã phát triển các tour du lịch trên thuyền theo hướng thân thiện với môi trường. Những du khách trên tay cầm “vợt”, “cần câu” để vớt rác thải nổi trên bề mặt các dòng kênh. Khởi điểm cho ý tưởng này đến từ công ty Plastic Whale. Công ty này tự đánh giá mình là công ty “đánh bắt nhựa trên sông” đầu tiên trên thế giới.
Ra đời năm 2011, Plastic Whale đã xây dựng một đội tàu gồm 11 chiếc tại Thủ đô Amsterdam và hai cheiesc hoạt động tại thành phố Rotterdam. Đội tàu trang bị động cơ chạy điện, vận hành bằng vật liệu tái chế thu từ các kênh đào. Theo đó, công ty này tổ chức các tour du lịch vớt rác thải nhựa trên các con kênh, dòng sông trong thành phố, du khách vừa có thể thưởng ngoạn khung cảnh di sản vừa được trải nghiệm “đánh bắt nhựa”.
|
Du khách tham gia làm sạch rác thải nhựa trên kênh đào Amsterdam |
Đến hết năm 2019, công ty Plastic Whale đã chào đón khoảng 50.000 người và các đoàn khách từ 500 công ty trên các con tàu của mình để đi du lịch dọn rác nhựa. Theo ước tính, hoạt động này thu về khoảng 40.000 chai nhựa PET trên mặt nước trong thành phố mỗi năm và sử dụng chúng làm nguyên liệu thô để chế tạo thuyền và nội thất văn phòng.
Người sáng lập Công ty Plastic Whale là Marius Smit, một nhà hoạt động môi trường người Hà Lan đã có mặt ở tất cả những “điểm nóng” về vấn đề rác thải nhựa của thế giới. Ông chia sẻ: “Tôi từng tới thăm một bãi biển của đảo Borneo (Indonesia) ngay sau cơn bão. Toàn bộ bãi biển bị bao phủ bởi rác thải nhựa. Nhiều rác đến mức không thể nhìn thấy cát và thực tế này khiến tôi trăn trở”. Khi trở lại Amsterdam, ông Smit quyết tâm tìm ra giải pháp, bắt đầu thực hiện ở chính quê nhà. Các ý tưởng của Smit về tour du lịch sinh thái với trọng tâm chính là thu gom chất thải nhựa tái chế đã nhận được sự ủng hộ của người dân Amsterdam, cũng như đông đảo bạn bè quốc tế đến thăm thủ đô Amsterdam.
Đáng nói, thương hiệu Starbucks (Mỹ), một trong những công ty đầu tiên hợp tác với Plastic Whale, đã tổ chức các hoạt động tương tự ở nhiều thành phố lớn như London (Anh), Frankfurt và Hamburg (Đức) và Ghent (Bỉ) để quảng bá mô hình này. Thành công của Plastic Whale là bài học kinh nghiệm và thông điệp gửi tới chính phủ, các doanh nghiệp, rằng chất thải có thể đem lại giá trị kinh tế.
Phát triển hệ sinh thái chống rác nhựa
Vào tháng 11/2019, một công ty khởi nghiệp Great Bubble Barrier cho ở thành phố Amsterdam đã phối hợp với ban quản lý nước khu vực để lắp đặt “Hàng rào Bong bóng khí” ở kênh Westerdok. Hệ thống này đơn giản chỉ là một thiết bị hình chữ nhật, có khả năng bơm khí qua một đường ống có lỗ đặt trên đáy của con sông hoặc kênh. Bong bóng khí tạo ra dạng lưới chéo, có thể ngăn rác thải nhựa có kích thước từ 5mm đến 1m vượt qua hàng rào trôi ra biển. Qua hệ thống đục lỗ, thiết bị thổi khí nén lên mặt nước, qua đó đẩy rác thải nhựa ở dưới đáy nổi lên mặt nước, rất thuận tiện cho công nhân môi trường vớt rác. Ưu điểm lớn của hàng rào bong bóng là không cần phải lập một hàng rào vật lý để thu rác thải nhựa, tàu bè và cá có thể đi qua dễ dàng.
Phát ngôn viên Sandy Reitsma của Great Bubble Barrier cho biết: “Cuộc sống của người Hà Lan có mối liên hệ mật thiết với nước, chúng tôi được bao quanh bởi các con sông hồ, kênh rạch theo đúng nghĩa đen, vì vậy chúng tôi phải bảo vệ nó”. Được biết, ý tưởng bong bóng khí được khơi dậy khi những người sáng lập của công ty này đi uống bia và thảo luận giải phát xử lý rác thải nhựa mà họ nhìn thấy mỗi khi đi thuyền trên biển. Những bọt nước trong lý bia đã gợi cho họ sáng kiến thú vị này. Khi đưa mô hình này vào thí điểm, các chuyên gia phát hiện ra hàng rào bong bóng khí có thể chặn được khoảng 86% các loại vật liệu trôi qua nó.
|
Hàng rào bong bóng ngăn rác thải nhựa trôi ra biển |
Đáng nói, trong số các đối tác của Great Bubble Barrier, Tổ chức Plastic Soup đóng vai trò nâng cao nhận thức xã hội và điều hành các chương trình giáo dục về môi trường cho người dân không chỉ nước họ mà trên toàn cầu. Ra đời vào năm 2011 với khoảng hơn 20 thành viên, tổ chực này đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích các giải pháp sáng tạo từ cộng đồng cho cuộc chiến chống rác thải nhựa.
Chỉ riêng trong năm 2019, các chiến dịch của Plastic Soup đã tiếp cận tới khoảng 2,8 tỷ người trên khắp thế giới. Cựu nhà báo, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Plastic Soup - Maria Westerbos cho biết: “Chính quyền Hà Lan cho chúng tôi không gian và cơ hội để tạo ra sự khác biệt, để phát minh, sáng tạo các cách thức bảo vệ môi trường và mang lại những thay đổi lớn”.
Quả thực, cuộc chiến chống rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đang diễn ra quyết liệt trên toàn cầu, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đưa ra đại dương mỗi năm. Chỉ riêng Biển Bắc, có gần 4000 loại mặt hàng khác nhau trên một ki-lô-mét vuông mặt nước nổi, 95% các mặt hàng này được làm từ nhựa.
Còn trong một báo cáo năm 2020 của Đại học Leeds (Anh), tới năm 2040, ước tính trên toàn cầu có khoảng 1,3 tỷ tấn nhựa đổ trên đất và thải ra biển. Ngay cả khi có những hành động quyết liệt từ bây giờ, nhiều khả năng vẫn có tới 710 triệu tấn rác thải nhựa sẽ hủy hoại môi trường trong 20 năm tới. Lượng rác thải nhựa như vậy đủ để bao phủ diện tích tương đương nước Anh và tạo ra một thảm họa môi trường nghiêm trọng ở quy mô toàn cầu.