“Mỏ vàng bạc” bị lãng phí trong chiếc điện thoại di động (Kỳ 2)

(PLVN) - Theo thống kê của công ty Umicore (Bỉ), trung bình 100.000 chiếc điện thoại di động cũ cung cấp khoảng: 9kg bạc, 2kg vàng, 37,5kg lithium, và 337,5kg cô-ban. So sánh với cách tiếp cận truyền thống để khai thác các khoáng sản nêu trên, việc thu thập chúng từ 100.000 chiếc điện thoại có thể cắt giảm tới 42.500 tấn các-bon, giảm thiểu 12.750 tấn chất thải độc hại, cần ít hơn 25,4 triệu lít nước.
“Mỏ vàng bạc” bị lãng phí trong chiếc điện thoại di động (Kỳ 2)

Rác của người này là tài nguyên quý của người khác

Trong khi người tiêu dùng toàn cầu đang “đổ xô săn lùng” những chiếc điện thoại tân tiến, đắt đỏ nhất thì tập đoàn tái chế và công nghệ vật liệu Umicore (Bỉ) lại đi theo một hướng ngược lại. Đó chính là thu mua lại những chiếc điện thoại cũ, hỏng, bị vứt đi ở các nước trên thế giới để chúng được tái chế đúng cách. Nói cách khác, đối với Umicore, thứ rác điện tử bị vứt bỏ trên thị trường chính là một mỏ khoáng sản vô cùng giá trị. 

Trong năm 2019, Umicore đã thông qua công ty Closing The Loop thu thập khoảng 2 triệu chiếc điện thoại từ các nước đang phát triển ở châu Phi để đưa về Bỉ tái chế, với tỉ lệ tái chế thành công lên tới 95%. Các loại tài nguyên kim loại quý được tách ra từ điện thoại di động được đưa trở lại quy trình sản xuất các sản phẩm công nghệ như máy tính xách tay, ipad, điện thoại…. 

Closing the Loop thu mua điện thoại cũ hỏng ở châu Phi và đưa đến Bỉ tái chế
 Closing the Loop thu mua điện thoại cũ hỏng ở châu Phi và đưa đến Bỉ tái chế

Giải thích về sứ mệnh tái chế của mình, doanh nhân người Hà Lan, nhà sáng lập Closing The Loop - Joost de Kluijver cho biết: “15 năm trong ngành, điều chúng tôi luôn cố gắng thay đổi là một thị trường tiêu thụ điện thoại di động bền vững hơn. Có người đã gọi chúng tôi là những người dọn rác điện tử của ngành công nghệ thông tin bởi thu thập những sản phẩm bị loại bỏ, không còn ai muốn nữa. Điều kiện tiên quyết ngành công nghệ thông tin trở nên sạch sẽ và phát triển hơn là những sản phẩm công nghệ như điện thoại di động cần được tái sử dụng, hoặc tái chế đúng cách”.

Một xu hướng đáng chú ý khác diễn ra vào đầu năm 2020 là chiến dịch “Don’t Miss the Call” (tạm dịch: “Đừng bỏ lỡ cuộc gọi”) tại Bỉ, được khởi động bởi tập đoàn Umicore và Proximus. Theo thống kê, có khoảng 3 triệu chiếc điện thoại cũ đang “bám bụi” trong tủ nhà của các công dân Bỉ. Do đó, mục đích của chiến dịch này là trong năm 2020 sẽ thu thập được ít nhất 100.000 chiếc điện thoại cũ từ người dân trong nước.

Thông qua đó, Umicore và Proximus đồng thời kêu gọi sự chung tay, góp sức của người dân, hướng tới một giải pháp thay thế bền vững về khai thác tài nguyên thiên nhiên. Được biết, số tiền thu được trong chiến dịch này sẽ được gây quỹ cho EIGHT - một tổ chức phi lợi nhuận của Bỉ hoạt động nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo ở các ngôi làng châu Phi.

Đăng nhập website chính thức của chiến dịch (www.dontmissthecall.be), người truy cập sẽ có một trải nghiệm đặc biệt. Đó là nhận được một “cuộc gọi” từ hành tinh trái đất của chúng ta (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng).

Trong đó, “cuộc gọi” sẽ giải thích cho người nghe về tầm quan trọng của việc khai thác tài nguyên bền vững từ rác thải điện tử, thay cho các giải pháp khai thác tài nguyên truyền thống từ các mỏ địa chất. Người truy cập vào trang web này cũng có thể tìm thấy tất cả thông tin cần thiết về cách xoá bỏ các thông tin cá nhân trên thiết bị di động của họ trước khi giao thiết bị cho các bên thu mua, nhằm bảo mật dữ liệu cá nhân và thông tin bí mật của họ.

Dự án “Đừng bỏ lỡ cuộc gọi” tại Bỉ
 Dự án “Đừng bỏ lỡ cuộc gọi” tại Bỉ

“Don’t Miss the Call” hay “Đừng bỏ lỡ cuộc gọi” hướng tới thu hút nhiều người dân nhất có thể, khuyến khích họ tự giác đem những chiếc điện thoại cũ, hỏng đến một trong chuỗi cửa hàng thu mua của Proximus hoặc các điểm thu gom ở trong trường học, công ty. Người giao điện thoại cũ có thể nhận được phiếu voucher từ Proximus trị giá từ  €5 (khoảng 137 ngàn đồng) đến €350 (khoảng 9,6 triệu đồng) dựa trên giá trị sử dụng của thiết bị của họ. Người dân cũng có thể lựa chọn quyên góp toàn bộ số tiền voucher cho EIGHT để trợ giúp xoá đói giảm nghèo ở châu Phi.

Hợp lực vì một nền công nghệ thông tin xanh, sạch

Ông Guillaume Boutin – Giám đốc điều hành Proximus cho biết: “Hiện nay, có ít hơn 5% tổng số điện thoại di động cũ ở Bỉ được tái chế. Proximus và Umicore đang phấn đấu cho một viễn cảnh mà tất cả công dân Bỉ đều có thể tham gia. ‘Don’t miss the Call’ không chỉ dành cho Proximus hay Umicore mà cho tất cả mọi người. Chúng tôi mời các công ty, trường học, các đơn vị, tổ chức khác nhau tham gia chiến dịch này. Chỉ bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa cho hành tinh chung.”

Trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Bỉ đặc biệt hưởng ứng chiến dịch này có thể kể đến Hiệp hội Bóng đá Hoàng gia Bỉ, Red Flames, Ủy ban Paralympic Bỉ… Đại diện Proximus cho biết, hàng năm các cửa hàng thu gom điện thoại di động cũ của họ thu về khoảng 20.000 chiếc điện thoại nhưng chiến dịch “Don’t miss the Call” sẽ là một chiến lược dài hạn, với quy mô lớn hơn nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự góp sức của các cá nhân và toàn thể xã hội. Từ đó, sẽ xuất hiện những tiêu chuẩn mới về “khai thác tài nguyên trong đô thị” từ chất thải điện tử (urban mining), nhằm hướng tới một nền thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghệ bền vững.  

Ông Marc Grynberg - Giám đốc điều hành Umicore cũng nhấn mạnh sự cần thiết có một “nền kinh tế vòng tròn” ở Bỉ. Nói nôm na, đây là là mô hình kinh tế dựa trên nguyên tắc đảm bảo vòng đời của tất cả sản phẩm công nghệ đều kết thúc ở khâu đoạn sản xuất, thông qua công tác thu gom, tái sử dụng và công nghệ tái chế hiệu quả. Thực tế cho thấy, giải pháp khai thác tài nguyên trong đô thị không chỉ đạt hiệu quả hơn so với khai thác truyền thống mà còn giảm bớt nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên của trái đất.

Linh kiện điện thoại có chứa nhiều kim loại quý
  1. Linh kiện điện thoại có chứa nhiều kim loại quý

Quả thực, trong nền tảng công nghệ 4.0, chất thải điện tử đang gia tăng với tốc độ chóng mặt trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các đất nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, tại nước ta vẫn chưa có hệ thống quản lý chất thải điện tử và thu hồi vật liệu có giá trị từ chất thải điện tử nói chung, chứ chưa nói riêng đến việc quản lý điện thoại di động cũ hỏng. 

Trong xu hướng chung của thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết phải nhanh chóng ban hành luật, chính quy hóa hoạt động tái chế, bổ sung các văn bản hướng dẫn cần thiết, quy chuẩn về vật liệu, công nghệ và sản phẩm tái chế, để hình thành khung chính sách đầy đủ về quản lý chất thải điện tử.

Theo đó, việc xây dựng một mạng lưới thu gom hiệu quả là điều kiện tối quan trọng. Các chế tài nghiêm khắc phải được đưa ra và nghiêm chỉnh áp dụng để chất thải điện tử được xử lý, thu gom đúng cách bởi các đơn vị chuyên về chất thải nguy hại. Như vậy, các cơ quan chức năng mới có thể phần nào kiểm soát được dòng chảy chất thải điện tử lưu thông trong cả nước. 

Không thể phủ nhận, điện thoại di động là thiết bị quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người, cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mặt trái của chúng chính là “gánh nặng” to lớn đang “đè” lên các mỏ tài nguyên toàn cầu, in vết các-bon lên môi trường và khí hậu. Và cuối cùng, con người sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề khi hệ sinh thái bị mất cân bằng bởi không chịu khắc phục những thói quen vô tâm của chúng ta ở hiện tại.

Đọc thêm