Món mì đầu xuân nổi tiếng của người Nhật

(PLVN) - Cùng với việc rung lên 108 tiếng chuông vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Nhật Bản còn có truyền thống ăn mì soba (còn gọi là mì trường thọ) với niềm tin rằng việc này sẽ giúp họ rũ bỏ được những khó khăn của năm cũ, chào đón may mắn trong năm mới.
Một nghệ nhân làm sợi mì soba.

Món mì hàm chứa nhiều ý nghĩa

Mì soba, cùng ramen và udon, là những món mì trứ danh của Nhật Bản. Điểm đặc biệt ở mì soba so với những món mì còn lại là nó thường được người dân Nhật Bản ăn vào dịp cuối năm. Việc ăn mì soba vào đêm Giao thừa là một trong những nét văn hóa truyền thống của người dân Nhật Bản lâu nay.

Theo các ghi chép, món mì soba ra đời từ thời kỳ Edo (1603-1868), khi người dân Nhật lúc bấy giờ đã ngán việc ăn các loại mì từ lúa mì. Trong bối cảnh như vậy, sự ra đời của món mì có thời gian chế biến nhanh và hương vị thơm ngon, mới lạ như mì soba được người dân đón nhận và truyền cho nhau. Dần dần, mì soba đã trở nên phổ biến và thịnh hành. Một số thống kê cho hay, đến cuối thế kỷ 18, ở khu vực Tokyo, mì soba nổi tiếng đến mức số hàng bán món mì này đã vượt quá số cửa hàng bán mì được chế biến từ lúa mì.

Mì soba truyền thống được chế biến rất đơn giản chỉ với mì kiều mạch, nước dùng dashi nóng và hành lá. Tuy nhiên, tùy theo khu vực sẽ có những biến thể khác nhau. Trong số các khâu chế biến món mì soba, việc làm ra các sợi mì có lẽ là công đoạn cầu kỳ nhất. Theo ông Yoshinori Horii (chủ thế hệ thứ 9 của nhà hàng mì soba Sarashina Horii ở quận Azabu Juban, Tokyo), để làm ra các sợi mì soba, đầu tiên, các đầu bếp sẽ bóc vỏ và nghiền các hạt kiều mạch thành bột, rồi cho thêm trứng và nước đã đánh tan trước khi trộn hỗn hợp bột này thành các viên tròn.

Tiếp theo đó, các đầu bếp sẽ cán dẹt và cắt miếng bột mì thành những sợi mỏng. Kể từ thời Edo, các nghệ nhân làm mì soba đã có quy tắc rõ ràng, theo đó, một miếng bột làm sợi mì sẽ rộng khoảng 3cm, sau đó được cắt thành 23 sợi nhỏ. Như vậy, một sợi mì soba sẽ có chiều rộng khoảng 1,3 mm. Với kích thước này, cộng với việc bột kiều mạch không dính như bột mì và dễ bị vỡ khi chế biến, công đoạn làm ra sợi mì soba đòi hỏi các đầu bếp phải vô cùng khéo léo và tỉ mỉ.

Mì soba với phần sợi dài và mỏng thường được người dân tại Nhật Bản ăn vào dịp cuối năm với niềm tin rằng sợi mì dài tượng trưng cho một cuộc sống trường thọ và một mái ấm hạnh phúc, nhiều may mắn. Sợi mì mỏng, dễ cắt tượng trưng cho việc dễ dàng cắt bỏ những điều xui xẻo, những khó khăn của năm trước để bắt đầu một năm mới tốt đẹp hơn.

Mì soba của người Nhật.

Trong y học, kiều mạch cũng mang đến nhiều sức khỏe do hàm lượng khoáng chất và chất chống oxy hóa cao, giúp cân bằng lượng đường trong máu. Cây kiều mạch cũng là biểu tượng của sức chống chọi và khả năng phục hồi do chúng có sức sống mãnh liệt, thể sống sót, sinh trưởng trong thời tiết khắc nghiệt. Mầm kiều mạch dù bị vùi dập trong mưa gió, nhưng nếu nhận được ánh sáng mặt trời sẽ khỏe mạnh trở lại. Vì vậy, người Nhật tin rằng, ăn mì soba sẽ giúp họ có sức khỏe tốt hơn trong năm mới.

Mặc dù mì soba được gọi theo nghĩa đen là “mì đêm Giao thừa”, nhưng vào lúc nửa đêm thực sự bị coi là xui xẻo. Điều này liên quan đến ý nghĩa đã nói ở trên là chia tay năm cũ, người Nhật tin rằng khi ăn mì soba vào lúc nửa đêm,sẽ có sự trùng lặp nhất định giữa năm cũ và năm mới, do đó bạn không thể “dứt bỏ” tất cả những rắc rối của năm ngoái mà thay vào đó, lại mang chúng qua sang năm sau. Ở một số vùng của Nhật Bản, mì soba được ăn sau lễ mừng năm mới.

Niềm tự hào của người Nhật

Sau nhiều năm được lưu truyền và sáng tạo, mì soba của Nhật Bản được cơ bản chia làm hai loại chính là mì soba nóng và mì soba lạnh. Trong đó, mì soba nóng là mì được chan thêm nước dùng nóng, còn mì soba nguội sẽ được thưởng thức bằng cách nhúng mì vào một loại nước sốt.

Tại mỗi vùng, mì soba cũng sẽ được sáng tạo với khẩu vị của địa phương đó như ở Hokkaido và Kyoto, mì soba được ăn kèm với cá trích và dc gọi là nishin soba còn ở tỉnh Fukui, món này được gọi là echizen soba và được ăn cùng nước tương và củ cải bào… “Ăn mì soba trong thời khắc trước giao thừa bận rộn có thể phù hợp với bản chất vội vàng của người Nhật Bản thời kỳ Edo. Việc ăn mì soba trong những ngày cuối năm đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu của người Nhật.

Dịch Covid-19 đã khiến năm nay trở nên khó khăn, nhưng tôi muốn chúng ta sẽ ăn mì soba và đón năm mới với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới”, ông Horii cho biết. Trên thực tế, nhiều người Nhật cũng đồng tình rằng món mì soba chỉ mất 15 phút đã có thể chế biến xong rất phù hợp với không khí bận rộn của ngày cuối năm.

Theo ông Horii, những ngày gần kết thúc năm, cửa hàng của ông tấp nập khách hàng. Trong nhiều ngày, các thực khách thậm chí phải xếp hàng để thưởng thức món mì soba truyền thống được lưu truyền hơn 230 năm qua nhiều thế hệ của gia đình vị đầu bếp này.

Theo Hiệp hội Soba Tokyo, trải qua nhiều thế kỷ, cùng sushi, mì udon và mì ramen, mì soba đã trở thành niềm tự hào của người Nhật Bản dù so 2 loại thực phẩm còn lại mì soba là một món ăn bình dân và phổ biến ở mọi tầng lớp người dân. Không chỉ được dùng trong dịp cuối năm như một nghi thức truyền thống, mì soba cũng được người dân Nhật Bản tặng cho những người hàng xóm như một món quà khi họ chuyển đến một ngôi nhà mới và còn là một món ăn phổ biến trong đời sống hằng ngày.

Một cuộc khảo sát với 1.034 người từ 20 đến 69 tuổi trên khắp Nhật Bản về mức độ phổ biến của các loại thực phẩm khác nhau liên quan đến các dịp đặc biệt khác nhau trong năm của họ cho thấy, mì soba là món ăn phổ biến nhất, với được 66,7% số người được hỏi cho biết họ ăn món này vào mỗi Giao thừa hàng năm.

Bánh osechi ryori mừng năm mới và bánh Giáng sinh (thường là bánh xốp nhẹ, thường có dâu tây) cũng có nhiều tín đồ, với lần lượt là 55,8% và 52,0% người được hỏi cho biết họ ăn các món này mỗi năm. Mì soba được người Nhật ở mọi lứa tuổi khác nhau yêu thích, đặc biệt là phụ nữ từ 30 tới 60 tuổi. Trong đó, 75% phụ nữ ở độ tuổi này cho biết họ ăn mì soba mỗi dịp cận kề năm mới.

Vượt qua biên giới Nhật Bản, trong những năm gần đây, mì soba cũng được ưa chuộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nhà hàng mì soba đã được mở cửa tại Trung Quốc, Hàn Quốc và cả các nước phương Tây.

Đọc thêm