Kỳ lạ “nợ xương cốt”
Từ bao đời nay, người phụ nữ Chu Ru và K’Ho nếu có chồng bị chết thì phải đứng ra sắm sửa lễ vật mang đến nhà trai xin được xây mộ cho người chồng xấu số. Đến khi ngôi mộ được hoàn thành thì phải làm thịt một con trâu để mời toàn bộ họ tộc nhà trai sang để ăn uống.
Luật tục nhiều phiền toái này được người Chu Ru gọi là “Pơthi Atơu”, còn tiếng K’Ho là “Pơthi Shakonting” (có nghĩa là “xây mộ và trả nợ xương cốt”). Đã thế, ngay sau khi tàn cỗ, góa phụ còn phải chuẩn bị một đùi trâu, một vò rượu và tiền để gửi về cho gia đình nhà chồng đem về.
Tùy vào vai vế của người chồng trong dòng tộc nhà anh ta, mà người vợ phải mổ một con trâu cho tương xứng.
Ví như chồng có vị thế cao thì mổ “trâu 4 gang” (loại trâu có sừng dài 4 gang tay). Nếu do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn mà đời mình không hoàn thành món nợ này thì con gái của người phụ nữ đó phải thay mẹ để xây mộ cho cha và trả nợ cho họ hàng bên nhà nội.
Cứ thế, các đời sau cũng chưa có khả năng hoàn thành nghĩa vụ nặng nề này thì món “nợ xương cốt” này phải tiếp tục lưu truyền lại cho các thế hệ sau. Chỉ khi món nợ được trả xong thì người có nghĩa vụ trả nợ mới được nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Quan niệm của người K’Ho cho rằng, trong cuộc đời một người đàn ông có ba mốc chính: Được bắt về làm chồng, chết và xây mộ. Họ cũng cho rằng, cái chết là điểm mốc vô cùng quan trọng. Chết chưa thật sự là mất, hồn của người chết vẫn vương vấn với họ tộc, vợ con, với những người còn sống, chỉ đến khi đã làm lễ “pơthi” thì người xấu số mới thật sự ra đi vĩnh viễn.
Ngày làm lễ trả “nợ xương cốt” là ngày chính thức tiễn đưa linh hồn người quá cố về thế giới bên kia, cũng là kết thúc tất cả những ràng buộc giữa người còn sống với người đã khuất. Ðó còn là cuộc giã từ giữa dòng họ nhà chồng và dòng họ nhà vợ. Từ sau lễ này, hai nhà chẳng còn nợ nần gì nhau nữa.
Bà Ka Thyu khốn khổ vì món “nợ xương cốt” |
Đám cưới của người K’Ho có thể qua loa và cho nợ, nhưng việc trả “nợ xương cốt” thì phải thật chu toàn đúng như sự quy định của luật tục. Người K’Ho không sợ cái chết đến với chính mình nhưng họ rất sợ người chết quay trở về và trừng phạt những người sống.
Cho nên, người sống phải làm tất cả mọi điều để cho linh hồn người chết được bình yên ở thế giới bên kia và không còn có lý do trách cứ, quấy nhiễu khi người sống đã đối xử tốt với họ.
Đối với người phụ nữ có chồng chết trước thì sẽ phải trả nợ như vậy nhưng ngược lại, người vợ không may chết trước thì người đàn ông trong gia đình lại không phải làm điều tương tự. Nếu người đàn ông có vợ chết trước thì chỉ việc mang hết đồ đạc của mình trở về nhà bố mẹ đẻ mà không cần bận tâm đến con cái. Cũng bởi vì, những người chồng có vợ chết không có quyền được nuôi những đứa con của mình.
Khốn khổ vì món nợ truyền kiếp
Được biết, đồng bào người K’Ho và người Chu Ru theo họ vẫn theo chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ vẫn là người có quyền thừa kế và có vai trò quyết định nhiều việc hệ trọng trong gia đình.
Bởi vậy, luật tục từ các thời trước để lại, họ là người phải chấp hành những quy định nặng nề hơn so với người đàn ông, mà xây mộ trả nợ xương cốt là một ví dụ.
Già Ka Hrí (SN 1938, ngụ xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho hay: “Trong bất kể gia đình nào cũng vậy, người vợ mất chồng dù không có tiền cũng phải cố vay mượn để trả nợ, nếu chưa hoàn thành thì bị nhà trai nhắc nhở, thậm chí còn dọa nạt phải làm cho bằng được. Nhiều người phụ nữ rơi vào cảnh lao đao, khốn cùng vì nhiều năm trôi qua mà chưa hết nợ bởi không thể xây được nấm mộ cho chồng”.
Cách nhà già Ka Hrí không xa, có bà Ka Thyu (SN 1952, ngụ thôn M’Răng), có chồng bị chết cách đây đúng 10 năm. Khi chồng qua đời, tài sản duy nhất của người vợ là một căn nhà hoang tàn cùng 8 đứa con nhỏ. Vì hoàn cảnh quá khó khăn nên Ka Thyu không có tiền để xây mộ cũng như làm lễ giết trâu để mời họ hàng nhà chồng.
Vì thế, nhà chồng vẫn luôn tìm cách bóng gió nhắc nhở chị phải xây mộ cho người chồng quá cố. Không có cách nào khác, Ka Thyu đành cắn răng chịu đựng. Mãi đến cuối năm 2002, bà mới bán được 2 sào rau xây mộ và mua một con trâu 4 triệu đồng để trả lễ cho họ nội.
Cùng trong thôn M'Răng còn có bà Ka Dều, chồng mất từ năm 1998, đến năm 2003, bà cùng các con của mình mới tích lũy đủ tiền để mua trâu xây mộ cho chồng, cha. Cũng vì oằn mình làm theo luật tục mà cho đến nay những người phụ nữ này vẫn phải sống cuộc sống khá khổ cực.
Nhiều người trong thôn M’Răng khi được hỏi về hủ tục này còn liệt kê ra rất nhiều trường hợp những người phụ nữ phải vất vả để xây mộ, trả nợ xương cốt cho chồng.
Trong đó ông Rôđatê, thành viên của Hội đồng nhân sỹ trí thức trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Đơn Dương kể lại, em gái của ông là Ya Nhai (thôn M'Lọn - thị trấn Thạnh Mỹ) đã phải mổ một lúc 8 con trâu (khoảng 60 triệu đồng) để tiến hành lễ trả nợ xương cốt cho 8 thế hệ từ đời cố ngoại để lại vì những đời trước đó quá nghèo.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ hội phụ nữ xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Mặc dù biết mặt trái của hủ tục nợ xương cốt” trên nhưng không có ai dám làm trái. Thuộc dân tộc K’Ho, người phụ nữ này đã từng đứng ra cáng đáng việc xây mộ, trả “nợ xương cốt” cho 8 người đã mất. Do những người trong gia đình, họ hàng của chị gặp hoàn cảnh có chồng chết sớm mà bản thân họ không thể lo liệu được bởi món nợ quá lớn.
Cách đây vài năm, chính người phụ nữ này đã làm lễ trả xương cốt cho người anh ruột của mẹ mất từ năm 1994. Người cậu ruột này có một con trai và một con gái, nhưng theo luật tục, con trai không có trách nhiệm xây mộ cho bố, còn con gái của ông thì quá khó khăn, không thể lo được.
Là cháu gái, người có vai trò chính trong một tộc người theo chế độ mẫu hệ nên chị phải đứng ra cáng đáng việc hậu sự cho người chết. Lễ trả “nợ xương cốt” ấy mời hơn 300 thực khách, chi phí xây mộ chỉ hết mấy triệu đồng nhưng chi phí khoản đãi gia tộc, họ hàng tốn kém gấp cả chục lần.
Một phần tục Pơthi còn tồn lại là do có sự ganh đua giữa các dòng tộc. Vì đời sống đi lên, gia đình nào, dòng họ nào cũng muốn thể hiện sự sung túc của mình kéo theo các hủ tục cũ được thức dậy, duy trì.
Điều này chỉ khổ cho những người phụ nữ nghèo như người phụ nữ ở huyện Đơn Dương. Trước đây, cái thời còn đói nghèo ấy, lễ vật đi theo tục Pơthi chỉ mang giá trị tượng trưng (nhẫn bạc, khăn...). Còn giờ đây, nhiều người phải bán hết cả gia tài mới mới đủ tiền xây mộ cho người đàn ông quá cố trong nhà.
Cũng bởi, đa số chị em phụ nữ K’Ho, Chu Ru là những người thiếu hiểu biết vì không được học hành đến nơi đến chốn. Cộng với những quan niệm, điều khoản của luật tục trên đã ăn sâu vào tiềm thức, các luật tục được xem như là những sức mạnh thần bí vượt quá khả năng kiểm soát của con người. Bởi vậy, dù muốn bỏ hoặc làm đơn giản, nhưng vì đó là tục lệ nên phải tuân thủ và làm theo.