Một cây cầu miền xuôi bằng cả trăm cây cầu miền ngược

(PLO) - Ngày nay, khi đi qua những chiếc cầu đẹp nhất Sài Gòn và Hà Nội, người dân không khỏi chạnh lòng nhớ đến vụ sập cầu mới đây ở Lai Châu làm rất nhiều người bị thương và 8 người thiệt mạng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mặc dù các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra đã có kết luận, vụ sập cầu treo có liên quan đến vấn đề về kỹ thuật là do đứt ốc neo tăng đơ dẫn đến sập cầu. Nhưng bên cạnh đó, cũng có phần rút ruột công trình do một số người dân địa phương sau đó, đã phát hiện ở trụ cầu sau lớp ximăng trát phía ngoài là lớp gạch nung. Trong khi theo các chuyên gia cầu đường thì trụ cầu cần phải xây dựng bằng bêtông, cốt thép nguyên khối. 
Từ vụ sập cầu treo có thể thấy, nguyên nhân vụ tai nạn là do chế tạo thiết bị không theo thiết kế, vấn đề về tải trọng, an toàn cho người sử dụng chưa được tính đến.Các cầu treo thường được làm rất sơ sài , có nơi cầu chỉ được nối bằng hai sợi dây cáp bắc qua, hai sợi dây thép buộc xuống hoặc được lót bằng nhiều tấm gỗ, tấm cót…cho có chỗ để mà đi. 
Như một quan chức ngành Giao thông vận tải đã từng nói:” Lâu nay chúng ta thiết kế cầu chỉ nghĩ đến việc bắn pháo hoa  chứ chưa nghĩ đến việc thiết kế như nào để xe cứu thương, xe cứu hỏa đi qua. Thiết kế cầu theo kiểu muốn qua cầu người nọ phải cách người kia 3 mét thì không biết đấy là cầu gì”. 
Có thể nói lâu nay chúng ta đã xây cầu không theo một tiêu chí nào, không có căn cứ nào để thẩm định mà chỉ xây theo cảm tính. Thiết kế cầu đường mà sau khi sập rồi mới biết cầu chỉ thiết kế dành cho người đi bộ chứ không dành cho các phương tiện lao động sản xuất như trâu, bò, hay xe cơ giới chạy qua. 
Từ thực tiễn 8 người chết, hơn 40 người bị thương kéo theo nhiều hệ quả đau lòng khác từ vụ sập cầu cho thấy, Nhà nước ta không những phải rà soát lại tất cả các cầu treo trên cả nước mà còn có biện pháp thay thế hiệu quả, tránh để những trường hợp đau lòng như vụ đưa tang người khác bị mất mạng mình như vừa qua. Nhưng làm thế nào để chính sách này hiệu quả chứ đầu tư dàn trải thiếu khả thi , theo kiểu đầu tư một cây cầu miền xuôi bằng cả trăm cây cầu miền ngược, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số 30.000 đồng nhưng tiền xe đi lấy 30 nghìn mất cả trăm nghìn thì chính sách đó chưa đi vào cuộc sống. 
Muốn vậy, cần kêu gọi các nhà khoa học vào cuộc, cần tiêu chuẩn hóa lại các loại cầu sao cho vừa đãm bảo an toàn cho người và xe cơ giới vừa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, với chính sách dân tộc miền núi cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến cơ sở hạ tầng cho các đối tượng này. Bởi ở đâu cơ sở hạ tầng phát triển thì ở đó đời sống người dân mới khá lên và phát triển được.

Đọc thêm