Một cựu biệt động Sài Gòn:Mười năm khốn khổ vì sai lầm của Tòa

(PLO) - Như Báo PLVN phản ánh ở số báo trước, sau 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND quận Bình Thạnh và TAND TP HCM, vợ chồng ông Trung bà Mỹ bị cưỡng chế thi hành án, phải chịu cảnh mất nhà, gia đình ly tán. Điều đáng nói, 2 bản án nói trên đã bị TANDTC tuyên hủy từ năm 2011, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Cựu biệt động Sài Gòn Vương Thới Trung sống trong khốn khổ suốt 10 năm qua và mong từng ngày vụ án được đưa ra xét xử
Cựu biệt động Sài Gòn Vương Thới Trung sống trong khốn khổ suốt 10 năm qua và mong từng ngày vụ án được đưa ra xét xử

Mất nhà, gia đình ly tán

Tháng 6/2006, bà Nguyễn Thị Thu Hà khởi kiện vợ chồng ông Vương Thới Trung và bà Nguyễn Thị Mỹ, yêu cầu phải giao căn nhà (địa chỉ số 482/3, Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM), theo như điều khoản ghi trong hợp đồng giả cách.

Sau đó, do biết được bị đơn đã thế chấp giấy tờ nhà nên nguyên đơn yêu cầu TAND quận Bình Thạnh áp dụng biện pháp khẩn tạm thời cấm dịch chuyển quyền về tài sản đối với căn nhà nói trên. Tháng 7/2007, Toà đồng ý ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Sau đó, dù nguyên đơn đã thay đổi yêu cầu khởi kiện từ đòi nhà sang đòi nợ, và tháng 9/2007, TAND quận Bình Thạnh cũng đã xác định hợp đồng mua bán nhà chỉ là giả tạo và tuyên bố vô hiệu. Tuy nhiên, Toà này vẫn duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển quyền về tài sản đối với căn nhà nói trên, với lý do để đảm bảo thi hành án. Tháng 3/2008, TAND TP HCM tuyên y án sơ thẩm.

Ông Trung và bà Mỹ cho biết, việc duy trì quyết định nói trên của Toà là không hợp lý, bởi lẽ, theo Toà xét xử thì tranh chấp lúc này là tranh chấp hợp đồng vay tài sản, không còn liên quan đến việc mua bán nhà. Hơn nữa, giả sử trường hợp vợ chồng ông bà tự nguyện thi hành án theo hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm (trả cho bà Hà 68,645 lượng vàng SJC) cũng không được vì ông bà có muốn bán tài sản là căn nhà cũng không thể.

Tháng 8/2009, căn nhà của vợ chồng ông Trung bị đem ra bán đấu giá 1,4 tỷ đồng. Khi đó, nhận thấy bán đấu giá căn nhà thấp hơn nhiều so với giá thực ngoài thị trường là hơn 2 tỷ đồng, ông Trung có đơn xin Chi cục THADS quận Bình Thạnh kê biên, định giá lại, tuy nhiên không được chấp nhận. Đường cùng, vợ chồng ông bà cùng với  2 con nhỏ và người cô già yếu ngoài 80 tuổi phải dọn ra khỏi nhà. Từ đó, gia đình ông Trung ly tán, các thành viên trong nhà sống cảnh nay đây mai đó, lay lắt cơ cực.

Ông Trung cho biết, sau khi mất nhà, hoạt động kinh doanh thiết bị văn phòng phẩm của gia đình cũng sụp đổ, mắc nhiều tai tiếng không đáng có. Khổ hơn, vợ ông phải đưa hai con trai lúc đó đang học phổ thông về phía ngoại ở quận 10 tá túc qua ngày. Để lo cho hai con ăn học, bà Mỹ phải bươn chải bằng công việc đi bán bánh mỳ ngoài đường, bán hủ tiếu vỉa hè kiếm từng đồng. Trong khi đó, ông Trung phải thuê nhà sống bên ngoài, lăn lộn với nhiều công việc để lo mưu sinh qua ngày.

“Giữa thành phố, nhiều lúc tôi lâm vào cảnh không đồng xu dính túi, suốt ngày phải lo nghĩ đến từng bữa ăn, xăng xe đi lại, khốn khổ vô cùng…”, ông Trung nhớ lại thảm cảnh sau ngày mất nhà. “Vợ chồng tôi suy sụp tinh thần, hai đứa con thì bị mặc cảm, tự ti, có lúc đã nghĩ quẩn”, bà Mỹ uất nghẹn. 

Mong sự việc sớm được giải quyết

Sau khi Chánh án TANDTC ra quyết định kháng nghị hai bản án của TAND quận Bình Thạnh và TAND TP HCM, tháng 5/2011, Hội đồng giám đốc thẩm TANDTC đã ra quyết định tuyên hủy hai bản án nói trên đồng thời giao cho TAND quận Bình Thạnh tiến hành xét xử sơ thẩm lại. Tuy nhiên, vì trong quyết định của TANDTC không cập nhật địa chỉ mới của ông nên tháng 9/2012, TAND quận Bình Thạnh ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do: “Bị đơn đã chuyển đi đâu không rõ”.

Cho đến tháng 4/2015, khi được trình bày sự việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, ông Trung mới được thông báo và đến TAND quận Bình Thạnh thì hay tin toà đã đình chỉ vụ án nên làm đơn kháng cáo. Tháng 9/2015, TAND TP HCM ra quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn của ông Trung bởi đương sự có lý do chính đáng. Tháng 3/2016, TAND TP HCM tiếp tục ra quyết định tuyên huỷ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm trước đó của TAND quận Bình Thạnh, đồng thời giao hồ sơ vụ án Toà này tiến hành giải quyết theo trình tự sơ thẩm.

Ngày 5/5/2016 vừa qua, vợ chồng ông Trung bà Mỹ đến TAND quận Bình Thạnh làm việc theo giấy triệu tập của Toà. Tại đây, thư ký toà yêu cầu ông bà về làm giấy tường trình toàn bộ vụ việc, tuy nhiên đến nay đã hơn 1 tháng Toà vẫn chưa hề có bất cứ thông báo nào. Như vậy, vụ việc từ lúc phát sinh tính đến nay đã 10 năm, đó cũng là quãng thời gian khốn đốn của vợ chồng ông Trung bà Mỹ khi rơi vào cảnh tán gia bại sản, cuộc sống nay đây mai đó, bị dị nghị điều tiếng, con cái thất học…

“Gia đình tôi 3 đời tham gia kháng chiến tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định, bản thân tôi cũng cống hiến tuổi trẻ vào công cuộc đấu tranh chống Mỹ, sau này phát triển kinh tế bằng mồ hôi xương máu của bản thân. Chỉ vì chủ quan, cả tin mà phải gánh chịu hậu quả suốt thời gian dài, nay khẩn thiết mong cơ quan chức năng xem xét giải quyết vụ việc cho thấu tình đạt lý, trả lại công bằng cho gia đình chúng tôi”, ông Trung nói.

Luật sư Nguyễn Hồng Cơ (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu ý kiến: Theo Điều 283 BLTTDS thì bản án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Tại Điều 297 BLTTDS thì Hội đồng giám đốc thẩm có quyền: Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại.

Trong vụ án này, hợp đồng bị tuyên vô hiệu, hai bên sẽ trả lại nhau những gì đã nhận, như vậy mới bảo đảm tính khách quan của vụ án. Hơn nữa phải làm rõ số tiền và vàng mà các bên thanh toán trong giao dịch trên là bao nhiêu? Để một trong các bên không bị thiệt hại bởi giá vàng luôn biến động không lường trước được.

Đọc thêm