Một góc nhìn về lược sử hành chính Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không phải đến bây giờ, Việt Nam mới thực hiện những đợt sắp xếp, chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nhìn lại lịch sử, việc tổ chức các đơn vị hành chính dưới các triều đại phong kiến ở Việt Nam có nhiều biến động cả về quy mô và tên gọi các đơn vị hành chính.
Một góc nhìn về lược sử hành chính Việt Nam

Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, việc tổ chức lại bộ máy hành chính địa phương thời Vua Minh Mạng nhà Nguyễn là một dấu ấn đặc biệt quan trọng mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhà Nguyễn và mô hình tổ chức hành chính địa phương

Vua Minh Mạng là vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn, trị vì từ năm 1820 đến hết năm 1840. Trong 20 năm cầm quyền, Vua Minh Mệnh được đánh giá là vị hoàng đế năng động, quyết đoán, có nhiều cải cách đổi mới. Năm 1831 - 1832, để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, Vua Minh Mệnh thực hiện một công cuộc cải tổ cực kỳ rộng lớn trong toàn quốc. Vua cho rằng nước dựng đặt các trấn làm bình phong, đặt quan chức để cai trị, đó là chính sách lớn của triều đình nhưng phải thường xuyên xem xét sửa đổi sao cho thích hợp với công cuộc.

Vì vậy, đối với tổ chức hành chính địa phương, Vua cho xóa bỏ 2 trấn lớn là Bắc Thành và Gia Định cùng các doanh Trực lệ đặt ra dưới thời Vua Gia Long. Vua cho đổi toàn bộ đơn vị hành chính doanh, trấn, thống nhất gọi là tỉnh, sau đó phân chia địa lý toàn quốc thành 3 khu vực gọi là Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Bắc kỳ gồm 13 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn Tây, Quảng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình. Trung kỳ gồm 1 phủ Thừa Thiên đặt làm Kinh đô và 11 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Nam kỳ gồm 6 tỉnh còn gọi là “Nam kỳ lục tỉnh”: Gia Định (Phiên An), Biên Hòa, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường và Hà Tiên.

Sau khi phân định lại tỉnh, để tiện cho việc quản lý, Vua Minh Mệnh cho gộp 2 hoặc 3 tỉnh làm một hạt và thiết đặt các chức quan coi giữ.

Không chỉ thay đổi về tổ chức hành chính địa phương, lịch sử cũng ghi nhận nhà Nguyễn có khá nhiều chính sách canh tân đổi mới. Trong những năm đầu khi nhà Nguyễn mới thành lập, đã thực hiện chính sách đáng khen đó là cho dân nghỉ ngơi sau những năm dài chinh chiến “thuế phiền dịch nặng, nhiều người lưu tán, ruộng hoang vu, lâu năm binh hỏa, dân lực tiêu hao” (Đại Nam thực lục) xây dựng đồn điền và doanh điền, phát triển nông nghiệp... Vua Gia Long đã ra lệnh miễn thuế 1 năm cho dân chúng, đặt lại sổ đinh, chỉnh lý quy định lệ thuế, thực hành thuế điền và thuế đinh. Năm 1804, Nguyễn Ánh cho phép quân điền, quy định 3 năm chia ruộng công một lần. Năm 1839, nhà Nguyễn ban lệnh sung công một nữa số ruộng đất tư, đem chia cho nông dân. Chính sách này được dân chúng ủng hộ và hạn chế sự lũng đoạn của địa chủ trong việc chiếm hữu đất công, mua bán ruộng..

Theo Đại Nam thực lục chính biên, chính sách của nhà Nguyễn là Chiêu an lưu dân, khai hoang đồn điền “hạ lệnh khuyến nông” ở vùng Gia Định, khuyên bảo nhân dân và quân sĩ khai hoang cày cấy, làm ruộng tốt, đồn điền... Những năm đầu nhà Nguyễn, nhiều đồn điền được lập ra ở Nam Kỳ và Trung Kỳ do lưu dân dân Việt và dân Hoa, người bị lưu đày, binh sĩ… lập nên. Nhiều đồn điền đã biến thành làng xã. Đồn điền lớn nhất thời đó (1853 - 1854) do Nguyễn Tri Phương - Kinh lược sứ Nam Kỳ quản lý có tới 124 ấp ở 6 tỉnh.

Vào cuối đời Vua Minh Mệnh (1828), Nguyễn Công Trứ lúc đó là Tham tán quân vụ Bắc Thành đề xuất hình thức khai hoang: doanh điền. Đây là hình thức khai hoang rất mới có sự hỗ trợ ngân sách từ nhà nước và giao cho quan chức quản lý. Ruộng đất sau khi khai hoang sẽ phân bổ cho người có công. Nguyễn Công Trứ đã chiêu mộ dân nghèo khai hoang trên một diện tích địa lý lớn ở ven biển Bắc Kỳ như ở huyện Tiền Hải, Thái Bình; huyện Kim Sơn, Ninh Bình và tới cả tỉnh Hà Nam. Diện tích đất khai hoang lên tới 409.900 mẫu với 4.190 đinh. Hình thức khai hoang theo sáng kiến của Nguyễn Công Trứ còn được áp dụng ở Nam Kỳ. Theo Đại Nam thực lục chính biên thì tổng diện tích ruộng đất đến năm 1847 là 4.273.013 mẫu.

Việc đắp đê, khơi thông dòng chảy, kênh rạch… được nhà Nguyễn chú trọng. Vua Gia Long đã 11 lần cấp kinh phí cho việc tu bổ đê điều, mỗi lần từ 7 cho đến 9 vạn quan tiền. Thời Minh Mệnh, cho thành lập Nha đê chính, phụ trách công tác thủy lợi: 14 lần cấp kinh phí (tiền, gạo) cho việc sửa đắp đê điều.

Giao thông và khai mỏ cũng rất được nhà Nguyễn chú trọng. Sự phát triển của giao thông với nhiều trạm dịch nên từ Huế đến Gia Định mất từ 9 đến 13 ngày; từ Huế đến Hà Nội chỉ cần 4 đến 5 ngày. Nhà nước thống nhất đặt các bến đò, việc thu thuế đúng quy định Nhà nước, ai thu gấp đôi hay gây khó dễ sẽ bị trừng phạt. Trong cả nước thời đó 139 mỏ: 39 mỏ vàng, 32 mỏ sắt, 15 mỏ bạc, 9 mỏ đồng. Ngoài ra, còn có mỏ của thương nhân Hoa Kiểu, các thổ tù thiểu số… Vua Gia Long đã có chính sách giảm thuế cho chủ mỏ…

Việt Nam trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Cuộc cải cách hành chính của Vua Minh Mệnh những năm đầu 1830 đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, không chỉ đối với lịch sử nhà Nguyễn. Đây được coi là một trong những cuộc cải cách có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, bộ máy hành chính địa phương sau khi khi sắp xếp cải tổ dưới thời Vua Minh Mệnh hoạt động khá hiệu quả. Tổ chức đơn vị hành chính hầu như không thay đổi nhiều cho đến khi có sự can thiệp của người Pháp.

Tiếp nối lịch sử, theo Hiến pháp năm 1946, đất nước được chia làm ba Bộ: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Giai đoạn 1945 - 1946, nước ta có 65 tỉnh. Trước ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, miền Bắc có 28 tỉnh, thành phố, đặc khu, còn miền Nam có 44 tỉnh, thành phố. Tổng cộng là 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh trong cả nước.

Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, đã có thời điểm giảm từ 72 xuống còn 38 tỉnh, thành. Cụ thể, tháng 12/1975, Quốc hội khóa V đã thông qua nghị quyết về việc bãi bỏ cấp khu và tiến hành hợp nhất các đơn vị hành chính, thực hiện sáp nhập một loạt các tỉnh thuộc miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Năm 1976, quá trình sáp nhập tiếp tục được thực hiện ở diện rộng từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Sau các cuộc sáp nhập này, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1978, Quốc hội đã phê chuẩn việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, đồng thời sáp nhập thêm 5 huyện vào thành phố. Tỉnh Cao Lạng được chia thành hai tỉnh riêng biệt là Cao Bằng và Lạng Sơn, nâng tổng số tỉnh và thành phố lên 39. Năm 1979, Việt Nam có thêm một đơn vị hành chính cấp tỉnh là Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tổng số đơn vị hành chính lúc này là 40.

Năm 1989, số lượng đơn vị hành chính của cả nước đã tăng lên 44, gồm 40 tỉnh và 3 thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đến năm 1991, cả nước có 53 đơn vị hành chính cấp tỉnh, khi đó một số tỉnh trước đây lại được chia lại. Năm 1997, số tỉnh, thành tăng lên 61 khi một số tỉnh tiếp tục chia tách. Đến năm 2004, Việt Nam lại tiếp tục tách ba tỉnh, nâng tổng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên 64. Năm 2008, Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây cùng với một số xã của Hòa Bình và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) vào TP Hà Nội. Tính từ năm 2008 cho đến nay, Việt Nam duy trì tổng số 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính sách canh tân đổi mới

Nhận thấy sự lạc hậu và nguy cơ mất nước, thời nhà Nguyễn nhiều thành phần trong xã hội đã có nhiều sáng kiến gửi về triều đình. Kinh đô Huế là đầu mối tiếp nhận các nhà tư tưởng với chủ trương cải cách duy tân đất nước vào những năm 60 của thế kỷ 19.

Rất nhiều quan lại, tri thức, nhà nho yêu nước đã tâm huyết đề trình tâm thư tới kinh đô Huế, như Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Mẫn, Phan Liêm…

Tháng 3/1863, từ Gia Định, Nguyễn Trường Tộ thông qua Tả tham tri Bộ Lại Phạm Phú Thứ gửi lên triều đình Huế các bản điều trần về tín ngưỡng; tình hình thế giới; các biện pháp canh tân; đưa người đi học kỹ nghệ ở nước ngoài; về khai thác tài nguyên; về 6 điều lợi cho nước nhà; về ngăn chặn cuộc xâm lược của Pháp ở Nam Kỳ; về 8 điều cấp cứu của đất nước; về giao thương với thế giới; về tu chỉnh võ bị; về kinh tế quốc gia; về nông chính; về tình hình phương Tây; về đào tạo nhân tài… 60 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ đã chuyển đến triều đình nhà Nguyễn.

Phạm Phú Thứ sau chuyến sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh Nam Bộ đã viết 5 bộ sách nói về văn minh phương Tây. Năm 1873, ông dâng sớ xin triều đình chấn chỉnh võ bị, giao hảo với các cường quốc, mở cửa thông thương và đặt Lãnh sự tại Hồng Kông để giao thiệp với nước ngoài. Nhà Nguyễn cũng thấu hiểu nỗi đau mất nước, nỗi lo sợ, đã có những canh tân, đổi mới như: mở rộng hoạt động thương mại, buôn bán với Anh, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)…Triều đình cho lập cửa Như Viên, Sông Cấm, Hải Dương, giảm thuế để thu hút thương nhân nước ngoài. Tháng 4/1876, bỏ lệnh cấm ra biển đi buôn, cho phép tự do mua bán bên ngoài, đóng tàu hơi nước…

Nhà Nguyễn cũng khuyến khích phát triển giáo dục, thi cử, theo học tiếng Pháp, hỗ trợ kinh phí du học phương Tây để học tập khoa học kỹ thuật, sản xuất vũ khí… Dù đã có rất nhiều cố gắng, cải cách, đổi mới đất nước từ nông nghiệp, thương nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục, tư tưởng chính trị…