Gia tăng đột biến
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra đã khiến các doanh nghiệp trên toàn cầu phải đóng cửa nhưng nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước vẫn mở cửa. Thay vào đó, họ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn như kiểm tra phòng chống dịch bệnh Covid-19 và vệ sinh thường xuyên hơn.
Giữa đại dịch, trong khi nhiều người cố gắng hạn chế ra đường một cách tối đa, tiếp xúc với càng ít người càng tốt thì có một điều bất ngờ lại xảy ra: các phòng khám ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đều ghi nhận sự gia tăng bệnh nhân đến sử dụng các dịch vụ như tiêm chất làm đầy môi, botox, nâng cơ mặt và sửa mũi.
“Tôi quyết định thực hiện các thủ thuật trong thời gian cách ly vì điều đó cho phép tôi có thời gian để tự chữa lành vết thương”, anh Hernandez nói với hãng tin BBC.
“Vì vậy, tôi thích ở nhà và hồi phục hoàn toàn. Mọi người không biết tôi đã làm gì sau khi tôi không đến công sở”, anh lý giải về quyết định đi thẩm mỹ trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Vẫn theo lời anh này, lần trước đó anh làm thủ thuật làm đầy môi là trước khi cách ly. Khi đó, anh vẫn phải ra ngoài nơi công cộng vì công việc. Đôi môi “rất sưng và thâm tím” sau khi thẩm mỹ khiến anh trở nên ngại ngùng trước con mắt dò xét của một số người.
Tiến sĩ Rod J Rohrich - một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Texas - cho biết ông đang có nhiều bệnh nhân hơn hẳn. “Thậm chí số bệnh nhân nhiều hơn những gì mà theo tôi là bình thường. Chúng tôi có thể làm phẫu thuật 6 ngày một tuần nếu chúng tôi muốn. Điều đó thật lạ”, bác sỹ Rohrich nói với BBC.
Theo vị bác sỹ, thông thường, mọi người sẽ phải tính đến yếu tố hồi phục tại nhà khi xem xét phẫu thuật nhưng hiện nay, do dịch bệnh, nhiều người đang làm việc tại nhà nên điều này không cần phải xem xét. “Họ thực sự có thể phục hồi tại nhà và họ cũng có thể đeo khẩu trang khi ra ngoài sau khi nâng mũi hoặc nâng cơ. Mọi người muốn tiếp tục cuộc sống bình thường và trong khi chờ đợi để có được vẻ đẹp như mong muốn”, bác sỹ Rohrich cho hay.
Dịch vụ thẩm mỹ tại Hàn Quốc. |
Một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ khác tên Sarmela Sunder cũng cho biết đã tiến hành số ca phẫu thuật căng da mặt, nâng da cổ và các quy trình liên quan đến xương hàm nhiều hơn gấp đôi so với trước đại dịch Covid-19.
Theo vị bác sỹ, trong số các phương pháp điều trị được khách đặt lịch hẹn khám từ xa yêu cầu nhiều nhất, 65% muốn tiêm các chất làm đầy Botulinum Toxin loại A như Botox, Dysport và Xeomin; 37% muốn được tiêm các chất làm đầy mô mềm như Juvederm, Radiesse, Restylane, Sculptra, và Belotero. Ngoài ra, các yêu cầu nâng mí mắt, nâng chân mày, nâng da cổ không dao kéo, tiêm đầy môi cũng đã gia tăng đột biến.
Bác sĩ Suneel Chilukuri ở Houston lý giải rằng, sở dĩ có xu hướng này là bởi vì mọi người đều đeo khẩu trang nên dễ che đi vết thâm hoặc sưng do tiêm môi. Họ cũng có thể tắt camera để tránh người khác nhìn thấy qua họp, gọi qua video nên tranh thủ làm các thủ thuật ấy trong thời gian giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, việc ở nhà khiến mọi người có xu hướng để ý khuôn mặt, ngoại hình bản thân nhiều hơn do soi gương nhiều hơn, nhìn thấy mình trên video nhiều hơn kéo theo việc họ chú ý đến vẻ bề ngoài và trở nên bất mãn với bản thân hơn, từ đó thôi thúc bản thân phải đi thẩm mỹ để cải thiện vẻ bề ngoài.
Thời điểm thuận lợi?
Không chỉ có Mỹ đang chứng kiến sự gia tăng bệnh nhân trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Hàn Quốc - nơi nổi tiếng về phẫu thuật thẩm mỹ - là một trong những quốc gia đầu tiên ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Thay vì thực thi lệnh phong tỏa trên toàn quốc, nước này đã áp dụng một kế hoạch giãn cách xã hội với những người lao động được khuyến khích làm việc tại nhà.
Trong thời gian đó, các phòng khám thẩm mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm khách nước ngoài nhưng số người dân địa phương đến các phòng khám để thẩm mỹ lại tăng lên. Một số phòng khám đã chọn giảm giá cho người dân địa phương để thu hút thêm khách hàng nhằm bù lại số hụt thu từ việc giảm lượng khách từ nước ngoài.
Một giáo viên trung học 54 tuổi đã phẫu thuật cắt mí mắt vào tháng 2 nói với tờ Joongang Daily rằng “mọi phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tôi đến đều chật cứng”. Bệnh viện BK ở Seoul trong khi đó cho biết, vào đầu đại dịch, mọi người rất lo lắng về diễn tiến tình hình dịch bệnh nhưng cùng lúc, nhiều người dân địa phương cũng đã bắt đầu đến cơ sở thẩm mỹ của họ.
“Các bệnh nhân bắt đầu cảm thấy an toàn và thoải mái khi phẫu thuật, mặc dù đang có dịch bệnh Covid-19. Số lượng bệnh nhân tăng liên tục”, một người phát ngôn của Bệnh viện BK cho biết.
Theo người này, bất chấp dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân mà họ tiếp nhận ước tính đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Người phát ngôn này cho biết thêm rằng các yêu cầu cung cấp thông tin về dịch vụ của bệnh viện từ bệnh nhân nước ngoài cũng tăng lên. “Số lượng các câu hỏi trực tuyến mà chúng tôi nhận được đã tăng lên đáng kể vì các khách hàng đã có cơ hội tham khảo ý kiến trực tuyến và chuẩn bị trước cho chuyến đi khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ”, người này nói.
Tại Nhật Bản, nước này kể từ khi xảy ra dịch chưa chính thức đóng cửa nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài đến cuối tháng 5. Trong thời gian này, mọi người được yêu cầu ở nhà. Mặc dù vậy, các phòng khám cũng chứng kiến sự gia tăng các bệnh nhân mong muốn được làm đẹp. Sự gia tăng này đã khiến Hiệp hội Y khoa Thẩm mỹ Nhật Bản cảnh báo rằng các phương pháp thẩm mỹ là “không cần thiết đối với nhiều người”. Hiệp hội trên cũng đã yêu cầu mọi người tránh xa các cuộc phẫu thuật để “ngăn chặn sự lây lan thêm của virus”.
Bà Michelle Tajiri - điều phối viên tại Phòng khám Bliss ở Fukuoka - cho biết: “Là một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ngoại trú được trang bị các thiết bị phục vụ cho việc cung cấp các thủ thuật trong ngày, chúng tôi đã ghi nhận một lượng lớn bệnh nhân mong muốn được điều trị trong thời gian này”. Theo bà Tajiri, lý do chính của sự gia tăng này là do những người có nhu cầu làm đẹp không phải đến công sở cũng như thực tế là mọi người đều đeo khẩu trang. Do đó, bất kỳ quy trình chăm sóc da mặt nào cũng có thể dễ dàng được ngụy trang.