Mua hàng hóa kém chất lượng: Kiện dân sự nếu giao dịch dưới 100 triệu đồng

(PLO) - Chai bia có dị vật, lọ nước mắm có ruồi hay hộp sữa đổi màu, vón cục…  ngôn ngữ pháp lý gọi chung là “hàng hoá khuyết tật”. Giá trị của mỗi một sản phẩm tuy không lớn nhưng nếu mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có thể khởi kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hoàn tiền hoặc đổi hàng
Tình huống nhỏ sau đây chắc chắn không ít người tiêu dùng mà đặc biệt là các bà nội trợ đã gặp phải trong gian bếp nhà mình. “Tôi mua một lọ nước mắm, về nhà khui ra nêm nếm thì phát hiện dưới đáy chai có xác của một con ruồi nhỏ. Đem chuyện này kể với mọi người trong bữa ăn gia đình thì đứa cháu gái tôi khuyên “kiện đòi bồi thường đi bà…”. Tôi nghĩ một chai nước mắm có mấy chục ngàn đồng, kiện cáo nghe to chuyện quá. Cháu gái tôi lại nói “Suy nghĩ của bà là tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam” - bà Hoàng Thị Lưu (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) gửi thư cho chuyên mục.
Đúng như nhận định của cháu gái bà Lưu, việc kiện cáo đôi khi là điều bất đắc dĩ, nhất là khi hàng hoá (kém chất lượng) mua phải có giá trị thấp nên nhiều người có “thói quen” chấp nhận chịu thiệt. Đó là thực tế. Nhưng theo quy định của pháp luật thì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền bảo vệ lợi ích của mình khi đối diện với những tình huống nói trên. Cụ thể, Khoản 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định người tiêu dùng có quyền: “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. (…)”. 
Như vậy, theo quy định pháp luật thì bà cũng như những người tiêu dùng khác có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi sử dụng các sản phẩm hàng hoá do doanh nghiệp cung ứng. Việc chai nước mắm bà mua có con ruồi nhỏ chết trong đó, mùi của nước mắm trong chai vì thế không như mùi nước mắm thông thường… thì có thể khẳng định rằng, chai nước mắm này thuộc dạng “hàng hoá có khuyết tật” theo ngôn ngữ pháp lý. Tức là hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá thì bà có thể yêu cầu người bán hàng hoàn lại tiền hoặc đổi chai nước mắm mới đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu người bán hàng không thực hiện thì bà có quyền đưa tranh chấp ra giải quyết theo các phương thức: thương lượng hoặc hoà giải với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc đề nghị cơ quan trọng tài hoặc toà án giải quyết. Chỉ trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì bà mới không được thương lượng, hoà giải. 
Điều kiện khởi kiện dân sự
Chúng tôi xin lưu ý là bà cũng có quyền đưa tranh chấp này ra giải quyết, nhưng cũng cần cân nhắc có nên hay không vì giá trị chai nước mắm không lớn và việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại toà án phải tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Trong trường hợp quyết làm tới cùng sự việc thì Khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: Thương lượng, hòa giải, trọng tài, Tòa án”. Nếu bà lựa chọn toà án để giải quyết thì bà có thể tự mình hoặc thông qua Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để theo đuổi vụ kiện. 
Theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi hội đủ các điều kiện sau đây: “Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng”.
Trong trường hợp khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bà không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí của tòa án. Tuy nhiên, bà có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Về phía tòa án sẽ quyết định bên có lỗi để ra bản án.
Dưới góc độ của những người có thực tiễn pháp lý, chúng tôi nghĩ rằng, nếu bà  muốn khởi kiện thì bà không nên tự mình khởi kiện mà nên thông qua Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi vì thông qua một tổ chức có chức năng, nhiệm vụ và có kiến thức, kinh nghiệm xử lý tranh chấp thì sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi giải quyết vụ kiện.
 “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; b) Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng” - Khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm