Mực nước sông Hồng ngày càng suy kiệt

(PLO) - GS.TS Hà Văn Khối (Đại học Thủy lợi) cho biết qua nghiên cứu cho thấy từ năm 2004, mực nước về mùa kiệt vùng hạ du sông Hồng ngày càng có xu hướng giảm thấp, dù lưu lượng nước xả xuống từ hồ Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đều tăng 1,5-2,8 lần.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cũng kể từ năm 2004 đến nay, về mùa kiệt, mực nước vùng hạ du sông Hồng năm sau lại thấp hơn năm trước. Kỷ lục vào năm 2010, mực nước sông Hồng ở Hà Nội chỉ đạt 0,1m. Theo dự báo, nếu không có những biện pháp quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời thì con số này sẽ lặp lại.
Theo GS.TS Khối, lòng dẫn sông Hồng, sông Lô và sông Đuống những năm gần đây đang bị xói sâu. Ước tính, đáy sông Lô đã bị hạ thấp từ 6-8m, thậm chí có điểm hạ từ 9-12m; còn trên sông Hồng đoạn qua Sơn Tây cũng bị hạ thấp 5m. Một trong những nguyên nhân, theo đánh giá là do tác động bồi lắng bùn cát tại các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
GS.TS Trương Đình Dụ (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho rằng, sự suy giảm mực nước hạ lưu sông Hồng đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Thực tế từ năm 2004 trở lại đây, vào mùa khô mực nước sông Hồng tụt xuống thấp hơn đáy cống và bể hút trạm bơm của các hệ thống thủy nông lấy nước từ sông Hồng. Thậm chí mùa khô năm 2010, mực nước sông này chỉ còn 0,1m đã gây thiếu nước trầm trọng cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh phía Bắc và ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường sinh thái của Thủ đô Hà Nội; làm sông Đáy, sông Nhuệ trở thành “sông chết”, nhiều đoạn sông Hồng thành bãi hoang…
Theo các nhà khoa học, cần phải áp dụng các giải pháp như xây dựng một số đập ngầm nâng đáy sông; xây dựng các trạm bơm trước cống lấy nước và nâng cấp các trạm bơm; xây dựng các công trình điều tiết ở sông Hồng và sông Đuống… để khôi phục lưu lượng và mực nước./.

Đọc thêm