Muhammad Ali - người phản đối chiến tranh vô nghĩa

(PLVN) - Muhammad Ali được mệnh danh là “vận động viên vĩ đại nhất thế kỷ XX” và là một tay đấm huyền thoại trong làng quyền anh thế giới. Thành tích của ông được ghi danh bởi những trận so găng kinh điển đi vào lịch sử quyền anh thế giới
Muhammad Ali - võ sĩ quyền anh huyền thoại trong mọi thời đại

Là người da màu sinh sống tại vùng Louisville, Hoa Kỳ, Ali băt đầu học quyền anh từ năm 12 tuổi tại một CLB ở địa phương. Tại đây, Ali nhanh chóng cho thấy tố chất tuyệt vời để trở thành một trong những tay đấm xuất sắc nhất. Tại Olympic ở Rome năm 1960, Ali tạo tiếng vang lớn khi đánh bại võ sĩ nghiệp dư người Ba Lan Zbigniew Pietrzykowski để giành chiếc Huy chương Vàng hạng dưới nặng, chiến tích lớn nhất trong cuộc đời Ali cho đến thời điểm đó.

“Tôi nhớ rằng cậu ấy đã chạy khắp làng Olympic cùng chiếc Huy chương Vàng trên tay”. Wilma Rudolph, nữ VĐV Mỹ, người giành 3 HCV môn điền kinh năm đó cho biết. “Cậu ấy ngủ cũng đeo nó. Ăn uống cũng không rời. Không ai đạt huy chương mà ăn mừng như cậu ấy cả”.

Rudolph hiểu rằng, thứ tuyệt vời nhất dành cho Ali chỉ có quyền anh. Và đó chính xác là những điều Ali làm để xây dựng danh tiếng cho bản thân. Những người từng có cơ hội tiếp xúc với Ali đều nhận xét ông là người hoạt ngôn, vui vẻ nhưng vô cùng tự tin và chẳng biết sợ hãi. Ngày 29/10/1960, trong trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên, Ali hạ gục tay đấm Tunney Hunsaker trong vòng 6 hiệp. Đội của Ali khi đó có cựu võ sĩ quyền anh hạng gà George King.

Người sau này chia sẻ với báo giới cuộc nói chuyện đáng nhớ với huyền thoại người Mỹ. Ali hỏi King: “Tại sao anh lại có cái tên đó. Anh quá nhỏ bé để trở thành một vị vua (trong tiếng Anh “king” có nghĩ là vua). Mọi người nên gọi anh là Johnson hay gì đó bởi thật sự chỉ có một vị vua duy nhất mà thôi”. “Đó là ai vậy?” King hỏi lại trong sự kinh ngạc. Không chút do dự, Ali nói: “Đó là người mà anh đang nói chuyện cùng đấy”.

Vào thời điểm ấy, người ta hay gọi Ali với biệt danh “cái mồm nhiều chuyện vùng Louisville”. Tất nhiên, Ali không chỉ có cái miệng quen nói suông. Theo cây viết William Nack, hiếm ai tập luyện chăm chỉ như Ali. Ông thường dậy lúc 4h sáng. Bắt đầu ngày mới bằng việc chạy 5-10 dặm trên đôi giày được gắn chì. Ý chí và nghị lực tuyệt vời giúp chàng trai Ali đạt được những thành công nhanh chóng.

Ở tuổi 22, Ali thắng chiếc đai WBC danh giá sau chiến tích đánh bại nhà vô địch Sonny Liston và bất bại trong 7 năm tiếp theo trước khi chịu thua Joe Frazier trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa 2 võ sĩ. Sở hữu thân hình đồ sộ với chiều cao 1m91 và cân nặng 95 kg, Ali có sức mạnh của một chú gấu hoang dại kết hợp với tốc độ của một tay đấm hạng trung. Thêm một trái tim dũng cảm trong lồng ngực và chiếc cằm cứng như đá granite.

Cả sự nghiệp, Ali có trong tay 56 chiến thắng và chỉ 5 lần thua trận, 3 trong số đó đến khi huyền thoại người Mỹ đã ở bên kia sườn dốc. Trong quãng thời gian này, ông từng giữ chiếc đai WBA, WBC, lineal và The Ring thế giới. Tờ The Ring năm 1998 đánh giá Ali là võ sĩ số 1 hạng nặng mọi thời đại. Trang ESPN xếp huyền thoại người Mỹ là tay đấm xuất sắc thứ 2 trong lịch sử.

Đó là những gì mà cậu bé lần đầu đến với boxing chỉ nhằm mục đích đánh gục cái gã lấy trộm chiếc xe đạp của mình làm được. Trong những năm tháng đỉnh cao, không thể chối bỏ việc Ali không được lòng phần đông người Mỹ. Với những phát ngôn thẳng thắn, mạnh mẽ về nhiều vấn đề nhức nhối và nhạy cảm, Ali trở thành tâm điểm của truyền thông và không tránh khỏi những lời đàm tiếu, chê trách và sỉ nhục.

Dù vậy, Ali vẫn luôn sống theo đức tin của mình và đấu tranh vì những điều đó. Ali phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Coi việc điều hàng nghìn binh lính và máy bay đến quốc gia Đông Nam Á là một hành vi vô nghĩa. Người từng chịu vô số lời miệt thị và không dám vào các cửa hàng của người da trắng khi còn nhỏ hiểu nước Mỹ còn nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết thay vì đi phát động các cuộc chiến. Ông dũng cảm từ chối lệnh gọi nhập ngũ trong lúc chiến tranh đang gay go nhất, đến 3 lần. Và Ali chấp nhận cho cái giá phải trả.

Ông bị tước đai vô địch, gián đoạn sự nghiệp trong hơn 3 năm và không thể giữ vững phong độ đỉnh cao như trước. Trong trận đấu cuối trước án phạt, Ali hạ dễ dàng Zora Folley để có chiến thắng thứ 29 liên tiếp, Huấn luyện viên Angelo Dundee nói trong tiếc nuối: “Đây là Ali tốt nhất, một nhà vô địch hạng nặng thực thụ”. Phát biểu tại đám đông sinh viên ngay trước phiên tòa xét tội vì từ chối nhập ngũ, Ali hét lớn: Tại sao tôi phải đi 10 ngàn dặm để thả bom lên đầu những người Việt Nam vô tội trong khi ở người da đen ở Louisville (Mỹ) đang bị đối xử như những con chó và không có được những quyền cơ bản nhất của một con người.

Bên cạnh quyền anh, Muhammad Ali còn là một nhà chính trị năng động. Ông không ngại đi khắp đất nước, thậm chí vượt biển sang những châu lục xa xôi để góp phần duy trì một thế giới bình đẳng, công bằng và không còn bạo lực. Ali cống hiến tất cả những gì mình có. Từ danh tiếng trên võ đài, trái tim sắt đá trong lồng ngực cho đến mọi sức lực của bản thân, ông đều dành để phục vụ cho “lẽ phải” của nhân loại.

Ngay cả khi ông mắc chứng mất trí nhớ Parkinson vào năm 1981, Muhammad Ali chỉ thực sự dừng lại vào ngày 4/6/2016, khi ông trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở thành phố Scottsdale. Nhưng hình ảnh của huyền thoại người Mỹ sẽ còn mãi… 

Người hâm mộ sẽ nhớ mãi hình ảnh một người đàn ông nhún nhẩy trong vui sướng sau khi đánh bại Liston và tự gọi bản thân mình là “kẻ tồi tệ nhất lịch sử”. Hình ảnh một võ sĩ gan dạ lắc chiếc vai và tung đòn phản công chính xác trúng cằm của Foreman trong trận đánh kinh điển tại Zaire. Hình ảnh một tay đấm rầu rĩ trong phòng thay đồ, tự dằn vặt bản thân đã lười biếng để chịu thất bại trước Leon Sprink vào năm 1978. Hình ảnh một con người hiên ngang, với ánh mắt quyết đoán, không chút ngại ngần đấu tranh cho công bằng trên thế giới bất chấp việc phải ngồi trên chiếc xe lăn...

Đọc thêm