“Tôi đã không còn hoài nghi về thành công của mình”
Đó là khẳng định của chị Nguyễn Thanh Phương sinh năm 1988 ở Xóm Trại, Phú Bình, Thái Nguyên khi chị nhận Giải thưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo kết nối thành công năm 2020 vào tháng 10 vừa qua.
Với mô hình sản xuất viên nén mùn cưa, rơm rạ để tạo chất đốt xanh cho môi trường, trước đó chị Thanh Phương đã nhận được nhiều giải thưởng sáng tạo trong nước và năm 2020 chị đạt giải thưởng “Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường” trong khuôn khổ Giải thưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo kết nối thành công năm 2020.
Câu chuyện khởi nghiệp của chị bắt đầu từ mong muốn tận dụng những nguồn nguyên liệu đầu là phế thải như rơm rạ, mùn cưa… khá dễ tìm, giá thành rẻ để sản xuất ra những viên nén mùn cưa được phổ biến sử dụng làm chất đốt trong các xí nghiệp, nhà máy sản xuất chế biến, tạo ra năng lượng thân thiện với môi trường.
Khởi nghiệp từ năm 2009 với việc bắt đầu tìm hiểu thị trường – đầu vào, đầu ra và tự nghiên cứu, sáng chế máy móc, đây là quãng thời gian khó khăn nhất của chị. Từ những thông tin hiếm hoi bằng tiếng Anh trên Internet về kỹ thuật sản xuất viên nén mùn cưa, chị Phương cùng chồng phải nhờ bạn bè dịch hộ sang tiếng Việt và tự tìm hiểu, nghiên cứu.
Với sự nỗ lực của chồng chị – một kỹ sư ngành tự động hóa và bố đẻ chị – một thợ cơ khí lành nghề, sau một thời gian dài, nghiên cứu rồi thất bại rồi lại chỉnh sửa không biết bao nhiêu lần, cuối cùng anh chị cũng đã sáng chế thành công dây chuyền máy móc sản xuất viên nén và bếp đun không khói.
Các máy móc của gia đình anh chị không những có chi phí rẻ hơn nhiều so với máy móc nhập khẩu mà lại tiện dụng và phù hợp hơn với điều kiện tại Việt Nam. Có máy móc, anh chị bắt đầu sản xuất; ban đầu sản phẩm được giới thiệu với hàng xóm và dân làng, sau đó anh chị mới dần dần bán ra thị trường địa phương và nhân rộng ra các tỉnh thành.
Mở rộng được thị trường là điều đáng mừng, nhưng anh chị cũng canh cánh nỗi lo vì không thể vay thêm được tiền để đầu tư. Không có tiền đồng nghĩa với việc sản xuất chững lại và mọi cố gắng từ trước đến nay có thể không mang lại hiệu quả.
“Do chưa có tài sản thế chấp, vợ chồng tôi lại bắt đầu sự nghiệp với một mô hình sản xuất khá mới mẻ tại địa phương, nên chưa tạo được lòng tin và sự tin tưởng của các ngân hàng để có thể làm các hồ sơ vay vốn. Trong lúc khó khăn nhất, chúng tôi đã được tiếp cận với nguồn vốn của Tổ chức Tài chính Vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM) do Hội LHPN Việt Nam thành lập, vay vốn chỉ cần tín chấp, với cơ chế hoàn trả dần từng tuần rất thuận tiện, các anh chị cán bộ của TYM rất chu đáo và nhiệt tình tư vấn và hỗ trợ chúng tôi hồ sơ và mức vay phù hợp.
“Năm 2012 tôi vay số vốn đầu tiên của TYM là 7 triệu đồng để mua nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất viên nén mùn cưa, sau 8 năm tham gia vay vốn ở TYM đến nay, tôi đã từng bước mở rộng cơ sở sản xuất, đẩy mạnh mạng lưới khách hàng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước và tôi hiện được vay số tiền lên đến 50 triệu đồng/lần vay tại TYM.
Đối với vợ chồng tôi, số tiền vay của TYM tuy không lớn nhưng đem lại ý nghĩa và vô cùng cần thiết nhất là thời điểm mới khởi sự công việc sản xuất kinh doanh. Chính những đồng vốn đầu tiên của TYM và sự tin tưởng mà TYM đã dành cho công việc của chúng tôi, trong khi có rất nhiều người còn hoài nghi về sự thành công nó mà chúng tôi có được như ngày hôm nay” – chị Phương cho biết.
Khi mới khởi nghiệp, diện tích xưởng sản xuất của vợ chồng chị Phương là 100m2 còn hiện tại đã mở rộng là 1000m2, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 đến 10 lao động chủ yếu là lao động nữ tại địa phương, những người phụ nữ đơn thân, những người có hoàn cảnh khó khăn,có lao động tới 60 tuổi với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng đồng/tháng/người.
Việc thu mua mùn cưa rơm rạ đã giúp người nông dân có thêm một khoản thu nhập từ phế thải đồng thời loại bỏ được tình trạng đốt mùn cưa rơm rạ gây khói bụi ảnh hưởng tới môi trường sống và mất an toàn giao thông.
Đưa khách hàng tài chính vi mô vượt qua khủng hoảng Covid
Cũng cần nói thêm về Tổ chức Tài chính Vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM) là tổ chức tài chính vi mô chính thức đầu tiên tại Việt Nam, do Hội LHPN Việt Nam quyết định thành lập và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý.
Sứ mệnh của TYM là cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo và yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ.
Trải qua hơn 28 năm hoạt động, TYM đã hỗ trợ hơn 200.000 chị em phụ nữ có thu nhập thấp ở vùng nông thôn và bán thành thị Việt Nam thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính và xã hội của mình. Chị Nguyễn Thanh Phương ở Phú Bình, Thái Nguyên với thành công của mô hình sản xuất viên nén mùn cưa là một trong số những người phụ nữ nữ như vậy.
Thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã để lại tác động nặng nề đối với các doanh nghiệp vi mô Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vi mô, hộ kinh doanh do nữ làm chủ. Họ phải đối mặt với nhiều rào cản và thách thức, một trong số đó là không đủ khả năng và kỹ năng sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến và chuyển hướng sang kinh doanh trực tuyến để vượt qua khủng hoảng.
Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của thời đại 4.0, các doanh nghiệp siêu nhỏ và kinh doanh hộ gia đình phải đối mặt với rất nhiều rào cản để có thể tham gia đầy đủ vào nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Những rào cản đó bao gồm việc thiếu kiến thức, không đủ khả năng và kỹ năng sử dụng CNTT và các công cụ marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ không đầy đủ để đảm bảo an ninh dữ liệu và thiếu cơ sở hạ tầng CNTT đáng tin cậy và giá cả phải chăng.
Trong bối cảnh đó, Quỹ châu Á và TYM đã thống nhất hợp tác để mở rộng cơ hội kinh tế bằng cách trang bị cho các cộng đồng yếu thế, đặc biệt các doanh nghiệp siêu nhỏ do nữ làm chủ và hộ kinh doanh gia đình, các kỹ năng CNTT quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. Đây là dự án khu vực mang tên “Go Digital ASEAN” (Chương trình số hóa khu vực Đông Nam Á) hỗ trợ 10 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.
Cuối tháng 11/2020, tại hội thảo thông tin kết quả ban đầu của hoạt động hợp tác giữa TYM và Quỹ Châu Á trong khuôn khổ sáng kiến “Go Digital ASEAN”, chị Thanh Phương đã cho biết, được đào tạo về tiếp cận công nghệ số chị đã biết áp dụng vào công ba việc kinh doanh là kết nối với bạn hàng, tìm kiếm các thông tin về nguyên vật liệu, làm việc kết nối từ xa mà không cần phải đến trực tiếp.
“Tôi đã ứng dụng khá nhiều các kiến thức và kĩ năng được học vào chính công việc làm ăn của mình và còn có thể hướng dẫn được cho các bạn bè, đối tác, khách hàng của mình. Chẳng hạn như, tôi chia sẻ với họ các kiến thức được học về cách để liên kết, bán hàng, quảng cáo sản phẩm hay tìm kiếm thông tin thông qua Internet và các trang mạng xã hội.
Tôi nhận thấy những điều mà mình chia sẻ đã giúp cho các bạn bè, đối tác, khách hàng của tôi thuận tiện hơn rất nhiều trong công việc, đồng thời cũng giúp cho chính công việc của tôi. Đặc biệt hơn, tại chương trình trao giải thưởng phụ nữ khởi nghiệp vừa qua, tôi có cơ hội được giao lưu, tiếp cận với rất nhiều mô hình và nhiều đối tác, chúng tôi đã sử dụng các cách thức liên hệ và trao đổi qua công nghệ thông tin để nắm bắt thông tin tình hình của nhau, đây có thể cũng là khởi nguồn cho các kênh đối tác, khách hàng của tôi trong tương lai” – chị Phương phấn khởi nói.
Được biết, tại Việt Nam, sáng kiến “Go Digital ASEAN” kỳ vọng đào tạo khoảng 65.000 người, trang bị kỹ năng công nghệ số căn bản cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp vi mô do phụ nữ làm chủ để tăng khả năng tiếp cận thông tin số, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số và chủ động ứng phó với đại dịch Covid dự kiến còn kéo dài.
Hy vọng rằng, tới đây điều kỳ diệu của câu chuyện mùn cưa từ phế thải “bước lên” sàn trực tuyến và niềm vui của chị Thanh Phương sẽ được nhân lên ngày càng nhiều…