Muốn quay lại ngày sắp cưới…

(PLO) - Có câu nói: “Thanh xuân là cơn mưa tầm tã. Cho dù bị cảm cũng muốn quay lại đằm mình thêm lần nữa”. Với Diệu, đây thật sự là ước mơ. Đã rất nhiều lần trong đời, Diệu chỉ muốn được quay lại cái ngày ở hồ sen ấy, để rồi sau đó cuộc đời Diệu chắc sẽ khác thế này…
Mùa hè năm Diệu chuẩn bị cưới, sen nở rất đẹp. Cả một vùng hồ nước bỗng dưng biến thành màu xanh của lá, màu hồng của hoa dưới bàn tay họa sĩ thiên nhiên. Làn không khí trong trẻo mùa hè như được ướp trong hương sen ào ạt. Ấp ủ một bộ ảnh cưới trong thiên nhiên thật đẹp, dĩ nhiên Diệu và An – chồng sắp cưới không bỏ qua cơ hội này. Hai người có mặt tại hồ sen vào một buổi sớm cuối tuần cùng với nhiếp ảnh gia của một ảnh viện áo cưới.
Rất nhiều cảnh tình tứ của Diệu và An đã được ghi lại. Những nụ hôn, cái ôm âu yếm giữa khung cảnh mây trời, hoa sen, tình yêu tưởng như thăng hoa đến cung bậc tột đỉnh. Bỗng… ùm! Mở mắt ra Diệu thấy mình đã ở dưới hồ, nước ngập lên gần ngực, rễ sen đâm đau nhói bàn chân trần trong bùn. Hóa ra theo lời hướng dẫn của tay chụp ảnh, An đứng lên để tạo dáng che chở và chiếc thuyền nan không chịu nổi lực, mất cân bằng nên đã lật. 
Diệu vốn sợ nước, phản xạ đầu tiên là hét toáng lên và túm chặt lấy An. Nào ngờ An thay vì giữ lấy người yêu đang chới với lại hốt hoảng rút chiếc điện thoại iPhone trong túi quần đã ướt sũng ra xuýt xoa, vẩy vẩy cho rơi bớt nước. Sau khi đã định thần lại, Diệu thấy nước nông nên tự nương theo thân sen lội vào chỗ cây cầu tre, rồi lóp ngóp leo lên trong bộ áo dài ướt sũng dính bết vào người. Còn An vẫn đang đứng giữa hồ xót xa chiếc điện thoại bị ướt.
Sau này trong những tháng ngày bận rộn chuẩn bị đám cưới, đã có hơn một lần Diệu sững lại với ý nghĩ: “Liệu mình có chọn nhầm người không? Liệu An có phải là người quý của hơn vợ?”. Nhưng rồi chính Diệu lại tự gạt đi mối vẩn vơ đó để tiếp tục hành trình đám cưới.
… Nhật Tân và Nhật Minh - hai con trai sinh đôi của Diệu và An thấm thoắt đã được 3 tuổi. “Con đầu cháu sớm” nên cả hai nhà nội, ngoại đều nhớ và mong cháu về thăm. Năm nay đợt nghỉ lễ 30/4 dài gần một tuần, Diệu bàn với chồng cho con về cả hai quê để thăm ông bà, nào ngờ An gạt phắt đi, bảo đi thế con mệt, chỉ cho về chơi với ông bà ngoại thôi. Có người vợ nào nghe chồng mình đồng ý về chơi nhà ngoại dài ngày mà không vui, nên Diệu cũng không phản đối quyết định của An. 
Đang khệ nệ bê chậu quần áo đi phơi, bỗng Diệu nghe thấy tiếng An đang nói chuyện điện thoại trên tum tầng thượng. Biết chồng hay có thói quen lên đây gọi điện cho đỡ bị mất sóng, nhưng câu chuyện của An khiến Diệu sững sờ. An nói với người đầu dây bên kia rằng cả đợt nghỉ lễ dài ngày An cho con về nhà ngoại, vì hai thằng cu nghịch và hay phá đồ đạc lắm, nên tội gì để bố mẹ mình vất vả mấy ngày lễ trông cháu, cơm nước. Cứ để nhà ngoại họ “hưởng”, còn ông bà nội nếu nhớ cháu lên chơi ngày thường thì lũ trẻ đi học cả ngày, có con dâu phục vụ cơm nước sướng hơn, lại còn đỡ bị hỏng đồ đạc trong nhà nữa.
Hóa ra những gì mà An nói với Diệu về chuyện lo lắng cho sức khỏe của con chỉ là giả dối, cái chính là An sợ bố mẹ mình mệt và con làm hỏng đồ đạc trong nhà. Bất giác Diệu nhớ lại câu chuyện ở hồ sen bốn năm về trước, nhớ lại cả cái lần hai vợ chồng đang đi trên đường thì bị chiếc ô tô đằng sau húc phải. Thay vì quan tâm đến vẻ mặt đau đớn của vợ do cả cái bụng bầu đập vào hàng ghế trước, An đã vội vàng nhảy xuống xem chiếc xe mới mua có bị xước nhiều không… 

Đọc thêm