Người trung lưu bỗng chốc thành “siêu nghèo”
Hiện nay, hàng triệu người Lebanon vừa tụt xuống mức nghèo, hoặc siêu nghèo với cuộc khủng hoảng kinh tế từ quốc gia này. Họ không chỉ chống lại gánh nặng tài chính, mà còn liên quan đến “thể diện” của bản thân. Bởi vậy, cuộc khủng hoảng thực chất đã diễn ra một cách âm thầm trong thời gian dài. Có những người, trước đây không quá lâu, còn được xem là tầng lớp trung lưu thì nay phải ăn xin ngoài đường, mong đợi lòng thương xót của người đời. Họ cầu xin cả những người quen cũ trước kia gặp trong phòng gym, khi họ còn có thể tập ở đó.
Chị Khadija Khreiss trong túi lúc này chỉ còn tầm 35 cent (khoảng 8.000 đồng tiền Việt). Ngày hôm sau, có thể chẳng còn gì cả. Tương tự như thế, cách đó 4 con phố, anh Ahmad Chibly - một người Syria tị nạn, thậm chí chẳng còn nổi một đồng.
Hay một người đàn ông luống tuổi mặc chiếc áo sơ-mi trắng chỉnh tề, lục miếng ức gà “quá date” kiếm được trong thùng rác. Khi một người qua đường ngỏ ý cho tiền, mặt ông hiện lên một nỗi đau đớn bất lực. “Không bác ơi, tôi chỉ đang kiếm đồ ăn cho mấy con mèo hoang thôi”, ông nói.
Một thanh niên trẻ khác thì chia sẻ cách anh tìm đồ ăn trong các thùng rác để nuôi sống vợ và con gái. “Như bó rau diếp này, tôi sẽ tách bỏ đi lớp ngoài cùng, chỉ lấy phần giữa, rửa sạch rồi mang về nhà. Quả chanh này trông vẫn ổn, tôi sẽ bóc vỏ của nó ra sau. Trái cam kia thì thối rồi, có thể gây ngộ độc”, anh cho biết.
Kinh tế Lebanon tuột dốc không phanh. |
Thường trong tháng diễn ra lễ Ramadan, người Hồi giáo thường nhịn ăn uống cả ngày và chỉ được dùng bữa tối. Theo CNN, thời thiết thường nóng bức vào dịp lễ Ramadan, khi người Hồi giáo nhịn ăn uống gần 15 giờ mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, nhìn lại bản thân và hiểu hơn về cuộc sống của những người đói ăn. Tuy nhiên, tại Lebanon vào dịp lễ này, với những người như chị Khadija và anh Ahmad, nhịn ăn uống đơn giản hơn nhiều so với việc tìm kiếm đồ ăn cho bữa tối duy nhất trong ngày - còn gọi là Iftar.
Nhiều người Hồi giáo còn phải tuân thủ quy định san sẻ thức ăn cho người nghèo thông qua các tổ chức từ thiện - cũng là nơi mà đa số người tại Lebanon lúc này phải dựa vào. Gia đình chị Kadija cũng vậy, họ phải dựa vào đây để nuôi sống gia đình 5 miệng ăn. Đã 2 tuần cô chưa nấu được 1 bữa ăn đúng nghĩa cho cả nhà, chỉ dùng đồ thừa thu thập được từ hàng xóm. “Nếu là trước kia, chúng tôi có thể mua dầu, thuốc, sữa chua, thịt cá và sữa cho trẻ con. Còn giờ, chúng tôi chẳng mua được bất kỳ thứ gì”, người phụ nữ 42 tuổi chia sẻ. Sự khó nhọc ánh lên trong đôi mắt màu hạnh nhân của cô.
Bữa Iftar tối nay của gia đình Khadija có bát đĩa cơm, một ít súp đậu lăng xin từ hàng xóm và một chiếc bánh mì nướng ăn dở từ hôm trước. Vì muốn thêm một chút rau cho các con, Khadija đã dốc sạch ví chồng với khoảng 4.000 Lira (tương đương 8.000 đồng) để mua.
Chồng Khadija - anh Ali, người đàn ông xăm trổ với búi tóc đầy nam tính - là một người gác cửa cho tòa nhà gần ĐH American Beirut (AUB). Trước khi cơn khủng hoảng ập tới, anh kiếm được khoảng 300 USD mỗi tháng, vừa đủ nuôi sống gia đình. Nhưng năm 2020, khi tiền tệ trượt giá thê thảm, mức lương của anh chỉ tương đương khoảng 70 USD. Còn hiện tại là 37 USD, nghĩa là mỗi ngày chỉ kiếm được hơn 1 USD mà thôi.
Khủng hoảng kinh tế ở Lebanon khiến người siêu giàu bỗng chốc thành nghèo đói. |
Tìm thức ăn ở bãi rác
Tình cảnh thê lương, nhưng Khadija vẫn cho rằng mình may mắn. Bởi nhiều người Lebanon khác còn chẳng được như vậy. Như anh Ahmad, hiện đang phải kiếm sống từ việc nhặt rác kể từ khi cha anh chết vào 5 năm trước. Chàng trai lưng gù, khuôn mặt ẩn sau chiếc mũ rộng quá khổ lục khắp các thùng rác từ lúc bình minh.
Hai đứa nhóc em của anh đứng hai bên hông, cùng nhau rong ruổi khắp thành phố để nhặt rác. “Người ta chẳng còn gì trong tay mà giúp đỡ nhau nữa. Sau cùng, cuộc sống của chúng tôi chỉ còn lại thứ này”, anh Ahmad nói một cách chua chát, rồi chỉ tay vào đống rác sau lưng.
Cuối ngày, Ahmad nhặt được một hộp bánh kếp trong thùng rác. “Chúng vẫn còn ngon và sạch sẽ. Đây là thức ăn cho bữa tối nay của gia đình tôi”, anh nói. Cách đó không xa, đứa em họ 11 tuổi của Ahmad nhặt được hai chai Pepsi còn một nửa và thả vào túi đồ ăn mà nó kiếm được để mang về cho bố mẹ và 2 em nhỏ.
Ahmad từng làm phục vụ bàn trước khi đại dịch Covid-19 ập đến làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tại Lebanon. Không những vậy, Ahmad còn bán thêm các vật liệu tái chế, thu về 30 USD mỗi ngày - đủ để trả tiền thuê cho căn hộ siêu nhỏ phía Nam khu ổ chuột ở Beirut, và mua đồ ăn mỗi ngày nuôi vợ, mẹ và 2 con. Nhưng hiện tại, thu nhập của Ahmad chỉ vừa đủ tiền trọ. Anh phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo 2 con có cái ăn.
“Không có rác, chúng tôi sẽ chết vì đói. Vì giá thực phẩm tăng lên, chúng tôi thậm chí phải ăn đồ trong thùng rác. Có lẽ nhiều người cũng giống tôi. Phải làm tất cả mọi thứ, để không phải đi ăn xin”, anh Ahmad nói, trong lúc vẫn dùng đôi tay đen nhẻm để bới móc.
Người dân mót đồ ăn thừa ở bãi rác. |
Khủng hoảng kinh tế trầm trọng
Tại Lebanon, quốc gia từng có GDP đầu người thuộc top đầu tại Trung Đông, khủng hoảng kinh tế đang bóp nghẹt cuộc sống của người dân, đẩy nhiều người trung lưu xuống dưới mức nghèo, thậm chí đói ăn...
Ô tô xếp hàng dài bên ngoài các trạm xăng, hàng ngàn lao động nhập cư tụ tập ngoài đại sứ quán chờ làm thủ tục về nước, những cuộc ẩu đả tranh giành hàng hóa trợ giá tại siêu thị... Đó là quang cảnh không xa lạ ở Lebanon hiện nay.
Nền kinh tế Lebanon đang chìm trong một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng chưa từng có kể từ thập niên 1970. Hàng loạt chính sách sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm đã đưa tỷ lệ nợ công tăng chưa từng có, lạm phát phi mã, dự trữ ngoại hối “bốc hơi” chóng mặt, và đồng nội tệ trượt giá sâu.
Đồng tiền của nó đã mất 90% giá trị trong 18 tháng qua trên thị trường phi chính thức và lạm phát lương thực đã lên tới 400%. Sự trượt giá của đồng nội tệ đã khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ tương đối, tỷ lệ nghèo đói tăng vọt gần chạm mức 50%. Đáng quan ngại hơn, Lebanon đang rơi vào một tình huống tương tự Venezuela khi bị các tổ chức cho vay nước ngoài xa lánh, thậm chí “cô lập”. Đất nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, với hơn 533.000 trường hợp nhiễm virus và hơn 7.500 trường hợp tử vong kể từ đầu mùa dịch đến nay. Cho đến hiện tại, chỉ có 7% dân số đã được tiêm chủng.
Mới đây, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Rosemary DiCarlo cho biết, tình hình chính trị Lebanon thời gian qua không có tiến triển tích cực, trong khi đó, kinh tế Lebanon đặc biệt khó khăn, tình hình xã hội bất ổn, tỉ lệ nghèo đói, thất nghiệp gia tăng, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Chủ quyền, lãnh thổ của Lebanon tiếp tục bị xâm phạm.
Khi dự trữ ngoại hối quốc gia cạn kiệt, các khoản trợ cấp thiết yếu cho thuốc men, thực phẩm và nhiên liệu của chính phủ cũng đang dần thu hẹp. Chính quyền tạm thời của Thủ tướng Hasan Diab đang kỳ vọng sẽ thúc đẩy một chương trình trợ cấp tín dụng để hỗ trợ người dân. Một nguồn tin thân cận cho biết ông Diab muốn thúc đẩy chương trình này ngay trước khi bất kỳ khoản trợ cấp thiết yếu nào bị loại bỏ.
Tuy nhiên, cơ chế để thiết lập chương trình tín dụng là rất phức tạp cả về nguồn tài trợ và công đoạn thực hiện. Các nhà quan sát nhận định nếu không có một chính phủ phù hợp, Lebanon khó có thể thực hiện các cải cách cần thiết để mở khóa viện trợ mà nước này đang rất cần để bước ra khỏi cuộc khủng hoảng.