Mượn xe người khác rồi tự ý mang đi cầm cố bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Văn Mạnh (Chương Mỹ, Hà Nội) hỏi: Gần nhà tôi có anh H mượn xe của mấy người rồi tự ý đem đi cầm cố lấy tiền tiêu xài. Vậy cho tôi hỏi, pháp luật có quy định như thế nào về việc tự ý cầm cố xe mượn của người khác như trên?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật sư Bùi Văn Đoàn – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời: Trong thực tiễn có rất nhiều người mượn xe của người khác rồi sau đó tự ý mang đi cầm cố khi không có sự cho phép của chủ sở hữu. Đây là hành vi bất hợp pháp và sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Đối chiếu quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi mượn xe rồi sau đó mang đi cầm cố có nhiều dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Nếu thuộc một trong cách trường hợp thuộc khoản 2 của điều luật này như có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức… thì sẽ phải đối diện với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù giam.

Trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì căn cứ theo khoản 3 Điều 175, người phạm tội có thể bị phạt tù tới 12 năm; nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu trở lên, khung hình phạt có thể tới 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm; bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mặt khác, trong một số trường hợp, hành vi mượn xe (là tài sản) rồi tự ý mang đi cầm cố cũng có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Trường hợp này, khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu tài sản có giá trị từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm; tài sản là phương tiện kiếm sống của người bị hại và gia đình họ.

Nếu thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị anh H cầm cố xe thì họ có thể làm bản tường trình vụ việc, đơn tố cáo, đơn trình báo tội phạm gửi tới cơ quan công an nơi diễn ra việc mượn xe để kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định.

Đọc thêm