Mưu kế Quỷ Cốc Tử: Nghệ thuật lấy mình làm gương

(PLO) - “Không tự quản mình, làm sao quản được người, công việc làm sao trôi chảy được, như vậy gọi là vong tình thất đạo (quên tình nghĩa mất đạo lý). Phải quản mình trước, quản người sau, việc làm không lộ hình, không ai biết, đó là thiên thần vậy”. 
Một viên quan thời phong kiến (Hình minh họa)
Một viên quan thời phong kiến (Hình minh họa)

Bình luận: Lời xưa nói: Bản thân hành động, việc làm là có sức thuyết phục lớn nhất đối với người xung quanh. Nếu người lãnh đạo, người quản lý nói một đằng làm một nẻo thì còn ai tin cậy được. Nếu lãnh đạo không nắm bản thân thì làm sao quản lý được người khác.

Trong cuộc sống thực tế, do ở vào địa vị đặc biệt nên lời nói việc làm của người lãnh đạo thường được quần chúng để ý giám sát. Quần chúng không chỉ "thích kỳ ngôn” (nghe lời nói) mà còn “quan kỳ hành” (xem việc làm), căn cứ vào đó để xác định địa vị của lãnh đạo và sự tin cậy đối với lãnh đạo trong tâm khảm của họ.

Vì vậy là người lãnh đạo hoặc người quản lý trước hết cần nói và làm đi đôi, bản thân làm gương. Hành động phải là sự thể hiện ngoại quan của sự tu dưỡng và trình độ của bản thân mình, yêu cầu lãnh đạo phải lấy mình làm gương, dùng lý luận chỉ đạo lời nói và việc làm, lời nói và nội tâm là một, lời nói và việc làm là nhất trí, không thể nói một đằng làm một nẻo.

Sau nữa, là người lãnh đạo cần liêm khiết vô tư. Đặc biệt khi việc có liên quan đến lợi ích bản thân mình, cần dũng cảm hi sinh lợi ích riêng. Như vậy thì lời nói và việc làm của mình mới có tác dụng cảm hóa người khác.

Chuyện Yên Chiêu Vương: Yên Chiêu Vương biết người, khéo dùng người, rất tín nhiệm và trọng dụng Nhạc Nghị. Nhạc phát huy hết tài trí, liên minh với 5 nước như Triệu, Hàn tiến công chiếm được trên 70 thành trì của nước Tề, hầu như đã diệt tan nước Tề, thực là một tướng giỏi công lao cao như núi. 

Sau khi Chiêu Vương chết, Huệ Vương lên kế vị đã không phân biệt được đúng sai, mắc mưu ly gián của kẻ thù, bãi chức Nhạc Nghị, dùng Kỵ Khước là kẻ bất tài thay thế. Nhạc không chịu nổi, bỏ chạy sang nước Triệu. Lợi dụng cơ hội này, vua Tề mở cuộc đại phản công, nhanh chóng thu hồi được đất đai bị mất, khiến cho nước Yên mất hết chiến quả cũ.

Về việc này tuy Yên Huệ Vương có ý hối hận nhưng không hề tự trách mình, sửa đổi lầm lỗi xưa mà lại còn oán trách người khác. Nhà vua phái người trách Nhạc Nghị vô ơn bội nghĩa và biện bạch cho bản thân: "Tiên Vương giao phó đất nước cho nhà ngươi, đã phá Tề rửa nhục cho Yên, thiên hạ đều chấn động. Ta nào có quên công nhà ngươi! Chỉ hiềm một nỗi sau khi Tiên Vương băng hà, ta mới lên kế vị, bị bọn quần thần tả hữu bưng bít, lừa gạt.

Ta dùng Kỵ Khước thay nhà ngươi là do lo ngại nhà ngươi vất vả lâu dài ở nơi biên ải xa xôi, triệu nhà ngươi về để nghỉ ngơi và bàn bạc quốc sự. Nhưng nhà ngươi đã hiểu lầm ý ta sinh ra xa lánh và bỏ sang Triệu. Nếu nhà ngươi chỉ vì tính toán cá nhân mà phải làm như vậy thì cũng được, nhưng sao có thể báo đáp được tấm lòng tốt của Tiên Vương?".

Rõ ràng Yên Huệ Vương thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác, như vậy đã mang tội với người khác mà cũng không thể làm Nhạc Nghị thay đổi. Từ đó nước Yên không sao cường thịnh được nữa.

Thực ra dù Nhạc Nghị bỏ đi là sai lầm nhưng phê phán của Yên Huệ Vương cũng rất không thỏa đáng. Nói chung, một người đã phạm sai lầm thường dễ có tâm lý lo ngại và tự vệ. Là người phê bình, nhất là người có quyền đánh giá sự nghiệp người khác, quyết định địa vị của họ, cần tìm cách làm giảm bớt hoặc xóa bỏ tâm lý đó thì mới có thể thu được hiệu quả tích cực.

Nếu làm như Yên Huệ Vương, không tự kiểm điểm việc mình làm mà chỉ nhấn mạnh đến cái đúng cái tốt của mình thì chỉ làm cho tâm lý người được phê phán càng thêm nặng nề và tất nhiên họ sẽ tìm mọi cách chống chế, bác bỏ để bảo vệ địa vị và danh dự của mình, do đó không thể đạt được mục đích của phê bình. 

Trái lại nếu dùng phương pháp “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tự phê bình thành khẩn, nhận lấy trách nhiệm cần nhận, sau đó mới nói người khác thì vừa chứng tỏ được sự độ lượng khoan dung của mình và tinh thần tâm lý lo ngại của người được phê bình, rút ngắn khoảng cách giữa người phê bình và người được phê bình, tăng được sức thuyết phục của lời phê bình.

“Lễ nghĩa gia phong, họ Phòng là nhất”: Ở Trung Hoa xưa, trong dân gian có truyền tụng một câu ngạn ngữ “Lễ nghĩa gia phong, họ Phòng là nhất”. Đó là nói về ba anh em Phòng cảnh Bá ở Thanh Hà được người đời tán tụng.

Ba anh em họ Phòng ăn ở hiếu thuận, kính yêu lẫn nhau, chủ yếu do bà mẹ họ Thôi dạy dỗ tốt.

Khi Phòng Cảnh Bá làm quan ở Thanh Hà, một lần có một bà già họ Khâu đến tố cáo con trai mình, kể ra mọi tội lỗi hành hạ, ngược đãi mẹ của y. Cảnh Bá nghe bà khóc lóc tố khổ, trong lòng rất căm phẫn.

Khi rời công đường về nhà, ông kể lại chuyện này với mẹ. Bà Thôi nghe xong bèn nói: “Con nên mời mẹ con nhà đó đến ở nhà ta một thời gian để cho tên bất hiếu đó tận mắt nhìn thấy các con đã phụng dưỡng mẹ già ra sao”.

Cảnh Bá nghe lời mẹ đã mời hai mẹ con nhà đó đến ở nhà mình, bố trí cho bà Khâu ở gần bà Thôi, cùng ăn, cùng sinh hoạt với nhau, bắt người con chầu chực hầu hạ, chứng kiến cảnh anh em họ Phòng phụng dưỡng mẹ già. Chưa được mươi ngày, anh con trai bà Khâu rất xúc động tỏ vẻ hối hận và xin để hai mẹ con ra về.

Bà Thôi nói: “Anh này bề ngoài đã biết hổ thẹn rồi nhưng chưa biết đã thực lòng hối cải chưa, chưa về được”. Qua 20 ngày nữa, anh con trai rập đầu chảy cả máu van xin kiên quyết sửa chữa, bà mẹ cũng rơi nước mắt xin để hai mẹ con cùng về, lúc đó mẹ con Cảnh Bá mới đồng ý cho về.

Việc này được truyền tụng ra ngoài, thuần phong mỹ tục của vùng Thanh Hà càng thêm hưng thịnh. Lấy mình làm gương giáo dục người khác tốt hơn lời nói, đó là do bản thân nó có tác dụng nêu gương.

Viên quan treo cá không nhận hối lộ: Dương Tục là người thời hậu kỳ Đông Hán. Tổ tiên ông đã lập công với nhiều đời vua. Sau khi trưởng thành, Dương Tục có công lao chiến trận nên được đề bạt làm Thái thú quận Nam Dương.

Nam Dương khí hậu tốt, đất đai màu mỡ, dân lành no ấm nhưng do ảnh hưởng của bọn quan lại quận, huyện nên sinh ra tệ nạn xa hoa, hối lộ và nhận hối lộ ngày càng nghiêm trọng.

Sau khi đến nhậm chức, Dương chỉ thị cho đám quan lại và thuộc hạ ở quận phải chỉnh đốn lại, yêu cầu các quan lại quận, huyện phải làm gương. Bản thân ông cũng lấy mình làm gương, dùng hành động thực tế để cảm hóa thuộc hạ và dân chúng.

Có một viên phủ thừa (một chức quan lại ở phủ) quen thói đục khoét, không bao giờ tin rằng trên đời này lại có quan không ăn của đút. Sau khi Dương đến nhậm chức không lâu, tên phủ thừa mang đến nhà Dương một con cá chép to, vừa gặp mặt đã vội phân bua: “Bỉ chức nghe nói đại nhân rất thích cá sông, hôm nay xin mang đến một con mời ngài nhắm rượu”.

Và hắn còn biện bạch nói đây không phải đồ biếu hối lộ mà chỉ là một thứ quà thể hiện tình đồng liêu để ngài mới tới Nam Dương thưởng thức cá tươi mà thôi. Hắn nói năng thật là hết tình hết lý nhưng Dương vẫn cứ dăm lần bảy lượt chối từ: “Ngài phủ thừa thực là có tình có nghĩa, tôi xin nhận thiện ý đó, còn cá thì không thể nào nhận được. Tôi đã có lời tự răn mình từ trước, không thể thất hứa”.

Mặc cho Dương Tục giải thích, viên phủ thừa đó cứ nhất định không chịu mang cá về, Dương cảm thấy thật khó xử. Ông nghĩ dẹp tệ nạn thật không dễ dàng gì, nên nhân chuyện này hành động.

Phủ thừa thấy Dương đã phải nhận cá thì mừng lắm, cho rằng lời phán của mình đã được chứng thực và việc bước đầu phỉnh nịnh quan Thái thú thế là đã thành công.

Vài ngày sau chuyện này lan truyền khắp Nam Dương. Một số quan lại hư hỏng vốn rắp tâm phỉnh nịnh Thái thú nay nghe được tin này bèn đua nhau mang cá đến nhà Dương. Dương đã biết tỏng ý định, thấy thời cơ đã đến bèn nói: “Các vị thấy tôi nhận cá của phủ thừa chắc cho rằng tôi cũng là một thứ tham quan ô lại chứ gì. Xin các vị hãy trông lên xem”.

Mấy viên quan lại không hiểu ra sao, ngước mắt trông lên theo tay chỉ của Dương, thấy trên xà nhà có treo một con cá chép khô cứng. Bọn chúng nhìn nhau, chẳng còn biết nói năng ra sao. Dương nghiêm sắc mặt nói: “Đây là đồ của viên phủ thừa, tôi treo lên để cảnh cáo bọn đi hối lộ, chắc các vị không muốn tôi treo cá khắp nhà này”.

Bọn quan lại thấy tình cảnh như vậy đều hổ thẹn đỏ mặt, chỉ còn cách mang các sọt cá ra về.

Chuyện này cũng không cánh mà bay xa, các vị quan lại chính trực và dân chúng truyền tụng nhau, từ đó về sau không còn kẻ nào dám mang đồ biếu đến nhà Dương. Có người còn tặng ông một danh hiệu đẹp: “Thái thú treo cá”. Dương Tục lấy mình làm gương, đã cải thiện mạnh mẽ phong khí quan trường Nam Dương.

Đọc thêm