Tư tưởng “muốn bắt phải thả” phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa “bắt” và “thả”, giữa “diệt trừ” và “thả lỏng”. Diệt trừ là mục đích, thả lỏng là phương pháp, phương pháp phục vụ mục đích. Thả không phải là thả hổ về rừng mà là nới lỏng một bước có mục đích, để hở một phía lưới, đề phòng chó cùng phá giậu, liều mạng chống trả.
Thời Tam quốc, Gia Cát Lượng 7 lần bắt 7 lần tha Mạnh Hoạch, đạt được mục đích thu phục các dân tộc thiểu số, mở rộng cương vực lãnh thổ, cuối cùng khiến Mạnh Hoạch vui vẻ khuất phục, thề không phản lại.
Trong cuộc sống hàng ngày, phạm vi vận dụng tư tưởng "muốn bắt phải thả” rất rộng. Mưu cơ này thường để làm cho đối phương mất cảnh giác đề phòng nên ta có thể lợi dụng thời cơ để tiến tới.
Chuyện Tây Môn Báo trị thầy mo: Thời Chiến Quốc, Tây Môn Báo làm Thái thú quận Nghiệp. Ông thấy đất đai vùng đó hoang tàn, cảnh tượng tiêu điều, bèn triệu tập các cụ phụ lão địa phương để hỏi căn nguyên ra sao nghèo đói. Dân lành phản ánh: “Hà Bá lấy vợ" cần chi dùng rất nhiều của cải và hàng năm hiến dâng Hà Bá một cô gái xinh đẹp.
Tây Môn Báo tìm hiểu được biết chuyện này là do mụ thầy mo giả mạo thần thánh gây tội cho dân, đục khoét vơ vét làm giàu. Ông bèn vận dụng mưu lược “muốn bắt phải thả”, tìm cách cứu dân. Ông nói với dân: “Lần sau Hà Bá lấy vợ nhớ báo cho tôi biết sớm. Tôi cũng phải đi mừng đám cưới Hà Bá”.
Đến ngày Hà Bá cưới vợ, Tây Môn Báo mang theo một số võ sĩ cùng với dân chúng đi đưa dâu. Dân làng quanh vùng kéo nhau đến đông đúc, nhộn nhịp. Tây Môn Báo nói với mụ thầy mo: “Xin phiền bà gọi cô dâu của Hà Bá để tôi xem mặt”.
Mụ thầy mo bảo đồ đệ đi gọi cô dâu đến. Tây Môn Báo nhìn cô gái đầm đìa nước mắt, nói với mọi người: “Vợ Hà Bá phải chọn cô gái thật đẹp. Cô này xem ra chưa xứng đôi. Xin phiền bà mo đi nói với Hà Bá rằng quan Thái thú định chọn một cô gái đẹp hơn nữa, ngày mai sẽ đưa dâu”. Nói xong ông thét lính túm lấy mụ thầy mo vứt xuống sông. Mụ chới với một lúc dưới dòng nước rồi chìm nghỉm.
Một lúc sau Tây Môn Báo nói: “Bà mo đã già vô tích sự, đi mãi chưa về. Cô đồ đệ trẻ tuổi này đi giục bà ấy về”. Nói xong lại thét người quăng hai cô đồ đệ xuống sông.
Lại qua một lúc sau. Tây Môn Báo nói: “Đàn bà không làm được việc, xin mời một vị chức sắc chịu khó vất vả hộ vậy”. Nói xong lại thét người quăng tên lý trưởng gian ác xuống sông. Tây Môn Báo vái con sông, đợi một lúc rồi nói: “Những người vừa rồi đi mãi không về. Ta phải phái thêm các chức dịch đi giục họ về”. Các chức dịch, nha dịch, nha lại nghe nói sợ hết hồn hết vía, quỳ ngay xuống trước Tây Môn Báo van lạy như tế sao.
Tây Môn Báo đã xử trí theo tùy tình thế, trừng trị bọn thầy mo lắm tội gian ác, làm thay đổi hẳn bộ mặt của quận Nghiệp.
Tô Vô Danh truy tìm kẻ trộm: Khi Võ Tắc Thiên chấp chính, công chúa Thái Bình con gái bà bị mất trộm châu báu. Hoàng đế Tắc Thiên đùng đùng nổi giận ra lệnh: “Hạn 3 ngày phải bắt được tên ăn trộm, nghiêm trị không tha”. Quần thần đều lo sợ.
Lúc đó có một viên quan lại tên là Tô Vô Danh tỏ ra dũng cảm nói ông có thể bắt được kẻ trộm, tâu với Võ Tắc Thiên: “Xin nới lỏng thời gian, trong vòng vài chục ngày thần nhất định sẽ bắt được tên ăn trộm nộp nhà vua”, được đồng ý.
Tô bèn lệnh bóc gỡ hết các cáo thị về vụ trộm và tung tin đã bắt được tên ăn trộm.
Ít ngày sau, đúng vào lễ Hàn Thực, dân gian có phong tục đi tảo mộ. Tô triệu tập nha lại, bố trí kế hoạch hành động: “Chia thành từng tổ 5 - 10 người, chia nhau ra theo dõi ở cửa Đông và cửa Bắc. Nếu thấy có toán nhà buôn người nước ngoài mặc đồ tang đi về phía nghĩa trang ở ngoài cửa Bắc thì phải bám sát và báo về ngay”.
Các nha dịch theo lời dặn của Tô chia nhau đi giám sát theo dõi chặt chẽ khách bộ hành qua lại. Không lâu sau, quả nhiên có một toán nhà buôn nước ngoài xuất hiện. Tô được báo cáo vội đến ngay nghĩa trang, thấy bọn họ đi tới một ngôi mộ mới, bày đồ lễ, khóc lóc một hồi nhưng nom không có vẻ gì đau buồn lắm. Sau đó họ thu đồ lễ, đi lại xem xét quanh mộ, thỉnh thoảng lại nhìn trộm nhau mỉm cười.
|
Không phải dùng đến giáo gươm đã diệt trừ gian thần Ngao Bái, thiên hạ đều bái phục Khang Hy (Hình minh họa) |
Tô thích thú nói: “Trộm đây rồi” và hạ lệnh cho nha lại xông ra bắt hết bọn nhà buôn nước ngoài nọ và ra lệnh cho họ đào mộ. Đào một lúc thì quan tài lộ ra, mở nắp quan tài thì thấy bên trong toàn là châu báu bị mất trộm của Công chúa Thái Bình.
Thì ra trước đây khi Tô đến nhận chức đã nhìn thấy một toán nhà buôn nước ngoài đi đưa đám ma có hành động khác thường kỳ lạ nên sinh nghi nhưng cũng không biết bọn họ đã giấu châu báu ở đó. Ông dự đoán vào lễ Hàn Thực bọn này tất phải nhân dịp đó ra khỏi thành để hành động.
Ông bèn vận dụng mưu kế “muốn diệt trừ phải thả lỏng”, làm dịu không khí lùng bắt trộm, cố ý tạo ra một cảnh tượng thiên hạ thái bình. Kết quả bọn ăn trộm cho rằng tình hình nguy hiểm đã qua rồi, có thể chia nhau của cải ăn trộm được và đã bị rơi vào bẫy của Tô Vô Danh. Nếu lúc đó Tô không dùng phương pháp thả lỏng mà lại tạo ra một không khí lùng bắt ráo riết, sục sạo khắp nơi thì chắc không thể “điệu hổ ly sơn” quăng lưới tóm gọn cả bọn.
Vua Khang Hy diệt Ngao Bái: Vua Khang Hy thời trẻ tuổi dùng mưu “muốn diệt trừ phải thả lỏng” để diệt trừ gian thần Ngao Bái. Trước khi chết, vua Thuận Trị đã có di chiếu cho một số người trong đó có Ngao Bái làm Phụ chính đại thần, phù tá vua Khang Hy (tức vua Huyền Diệp) mới 8 tuổi. Ngao Bái vốn là tướng xuất võ thân, có nhiều dã tâm.
Hắn khinh thường Hoàng đế Khang Hy (Huyền Diệp) nhỏ tuổi, lôi kéo bè cánh, bài xích người không thuộc phe mình, lũng đoạn triều chính, thả sức tham ô, nhận hối lộ, mở rộng phạm vi thế lực của mình. Hắn thường rầy la các vị đại thần trước mặt Khang Hy, thậm chí tranh cãi to tiếng với nhà vua trẻ tuổi đến khi vua phải chịu hắn mới thôi.
Hành vi của Ngao Bái khiến cho mọi người bất bình nhưng vì sợ uy quyền của hắn nên không ai dám nói gì. Năm Khang Hy thứ 6 (1667) nhà vua 14 tuổi, theo quy định là đã có thể trực tiếp chấp chính, nhưng Ngao Bái không hề giảm bớt quyền lực mà còn tỏ ra tệ hại hơn nữa.
Ngao Bái đã trở thành mối uy hiếp lớn đối với nhà vua, nhưng bè đảng của hắn mạnh, binh quyền nắm chắc trong tay, rất dễ xảy ra đại biến. Sau khi mật đàm với bà nội, vua Khang Hy trẻ tuổi đã phát huy tài trí thông minh, lặng lẽ làm công tác chuẩn bị diệt trừ Ngao Bái.
Ông tặng cho bố con y tước “Nhất đẳng công” và “Nhị đẳng công”, sau lại phong tước Thái sư và Thiếu sư cho chúng, thế là cha con hắn đã có phẩm tước cực cao trong triều. Đồng thời Khang Hy lựa chọn một số thanh niên trung thành đáng tin cậy vào cung, lấy danh nghĩa “luyện đánh vật”, tổ chức cho họ thành đội vệ binh, công việc tổ chức được sắp xếp kín đáo. Trước khi hành động, Khang Hy kiếm cớ phái tay chân của Ngao Bái ra khỏi Kinh thành.
Ngày 16/5 năm Khang Hy thứ 8, nhà vua trực tiếp động viên đội vệ binh, công bố tội trạng của Ngao Bái, sau đó triệu Ngao Bái vào triều và bắt hắn. Thế là Khang Hy không phải dùng đến giáo gươm đã diệt trừ gian thần Ngao Bái. Người đời sau khen rằng: “Lặng lẽ trừ đại họa, chuyện không tin mà có thật”.