Mỹ ban hành Đạo luật về Tội ác thù hận Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành Đạo luật về Tội ác thù hận Covid-19. Đây được đánh giá là hành động quyết liệt của chính quyền Tổng thống Biden nhằm bảo vệ cộng đồng người Mỹ gốc Á trước tình trạng bạo lực kỳ thị.
Nhiều người tham gia tuần hành để lên án hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người gốc châu Á.
Nhiều người tham gia tuần hành để lên án hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người gốc châu Á.

Số liệu về bạo lực kỳ thị người gốc Á gia tăng

Một thực tế là, nạn phân biệt chủng tộc đã ăn sâu bám rễ trong xã hội Mỹ. Kể từ khi đại dịch Civid-19 bùng phát cách đây hơn 1 năm, một phần bắt nguồn từ những thông tin sai lệch về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, tỷ lệ các vụ tấn công thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng vọt tại quốc gia đa chủng tộc này. Người gốc châu Á tại Mỹ phải đối mặt cũng như chứng kiến nạn kỳ thị với nhiều mức độ khác nhau, nhẹ là sự xa lánh, tẩy chay hay miệt thị, nghiêm trọng hơn là các hành động bạo lực như quấy rối về thể xác, tinh thần, đập phá cửa hàng, cơ sở kinh doanh do người gốc Á làm chủ, cản trở cộng đồng này kinh doanh...

Một nghiên cứu gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa thù hận và cực đoan tại Đại học bang California cho thấy, mặc dù tội phạm thù hận nói chung giảm nhẹ vào năm 2020, tuy nhiên tội phạm thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất ở Mỹ lại tăng vọt, gần 150%. Stop Asian American Pacific Islander (AAPI) - một liên minh quốc gia nhằm giải quyết sự phân biệt đối xử chống lại người Mỹ gốc Á cho biết, số lượng các tội ác chống lại sự hận thù được báo cáo đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một năm. 

Từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021 có sự gia tăng đáng kể các trường hợp được báo cáo, tăng từ 3.795 lên 6.603 và gần 2/3 trong số đó nhắm đến đối tượng là phụ nữ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, hay vi phạm quyền công dân. Nhóm này cũng cho biết, mức tăng 54% hàng năm về số vụ, 4.193 vụ xảy ra vào năm 2020 và 2.410 vụ thù hận xảy ra vào những tháng đầu năm năm 2021, cho thấy sự cấp thiết phải nâng cao nhận thức về làn sóng tội phạm thù hận đang diễn ra ở Mỹ.

Đáng chú ý, những người được xác định là người Trung Quốc là nạn nhân trong khoảng 44% các vụ thù hận. Trong khi đó, người Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam lần lượt chiếm khoảng 17, 9 và 8%. Một trong những vụ tấn công đáng chú ý nhất nhằm vào người Mỹ gốc Á đã diễn ra vào đầu năm 2021 tại thành phố Atlanta, thủ phủ tiểu bang Georgia khiến tám người tử vong trong một vụ xả súng vào ngày 16/3/2021.

Một báo cáo gần đây dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa thù hận và cực đoan tại Đại học bang California cho thấy tội phạm căm thù nhằm vào người châu Á ở các thành phố lớn của Mỹ đã tăng 169% trong Quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại thành phố New York, nơi có đông người gốc Á sinh sống, tội phạm kỳ thị, thù hận người gốc Á thậm chí còn tăng vọt tới 223%.

Đạo luật về Tội ác thù hận Covid-19

Hàng loạt các vụ việc kỳ thị, tấn công hận thù nhằm vào người gốc Á tại Mỹ trong hơn một năm qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ, rạn nứt lớn hơn nếu Chính phủ Mỹ không sớm đưa ra được các biện pháp thực chất nhằm bảo vệ cộng đồng này.

Nhằm ngăn chặn số vụ hành hung, kỳ thị và phạm tội nhằm vào người Mỹ gốc Á, vốn gia tăng thời gian gần đây trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này, ngày 20/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật về Tội ác thù hận Covid-19.

Đạo luật mạnh mẽ lên án các hành vi phân biệt đối xử nhằm vào các cộng đồng người gốc châu Á tại Mỹ, quy định thành lập một đơn vị mới tại Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xem xét các đánh giá về nguy cơ hành vi tội ác đối với người gốc Á. Đạo luật cũng yêu cầu cung cấp nguồn tài trợ cho các bang lập đường dây nóng để báo cáo các tội ác thù hận và đào tạo cơ quan thực thi pháp luật về cách ngăn chặn và xác định tội phạm thù hận, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên bang làm việc với các tổ chức cộng đồng để giúp nâng cao nhận thức về tội ác thù hận trong đại dịch. Ngoài ra, đạo luật còn hướng tới việc hạn chế tình trạng sử dụng ngôn từ phân biệt đối xử đang ngày gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ.

Trước đó, đạo luật này đã được thông qua tại Hạ viện với 364 phiếu ủng hộ và 62 phiếu chống, trong khi tại Thượng viện tỷ lệ này là 94/1. Đây là một trong những đạo luật hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa và được xem là một thành công của Tổng thống Biden, người đã liên tục hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ứng phó với tình trạng kỳ thị người gốc Á tại Mỹ.

Sự ra đời của Đạo luật về tội ác thù hận Covid-19 đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quá trình hiện thực hóa các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhằm bảo vệ cộng đồng người gốc Á.

Có thể thấy, ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Biden đã nhanh chóng ban hành sắc lệnh hành pháp lên án thái độ định kiến và hành vi kỳ thị, bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á, thành lập một ủy ban đặc trách về giải quyết và chấm dứt nạn kỳ thị người gốc Á, thúc đẩy kế hoạch 50 triệu USD nhằm hỗ trợ những người gốc Á là nạn nhân của tình trạng bạo lực, kỳ thị cũng như bổ nhiệm quan chức phụ trách các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương. 

Không chỉ hiện thực hóa các nỗ lực, việc Tổng thống Mỹ Biden ký ban hành luật chống thù hận đối với người gốc Á còn tạo ra các nền tảng pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ cộng đồng người gốc Á - một cộng đồng ngày càng có nhiều đóng góp hơn cho sự phát triển của nước Mỹ.

Thực tế cho thấy, tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (6,9%) dân số Mỹ, song người gốc Á có những đóng góp nhất định đối với nền kinh tế Mỹ. Mức thuế mà các hộ gia đình thuộc cộng đồng này đóng góp trong năm 2017 chiếm 7,8% tổng số thuế các tất cả các hộ gia đình tại Mỹ, tương đương 218,6 tỷ USD, và cộng đồng này cũng chi 526,2 tỷ USD trong các hoạt động chi tiêu tiêu dùng, mua nhà ở và đầu tư. Nếu chỉ có 9,5% người lao động Mỹ làm chủ doanh nghiệp thì tỷ lệ này ở người gốc Á là 10,3%, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm cho thị trường lao động Mỹ.

Đọc thêm