Mỹ cũng phải tá tỏa vì lỗ hổng quản lý thực phẩm chức năng

(PLVN) - Lợi dụng sự thiếu sót của các quy định pháp luật và tâm lý tiêu dùng của phần lớn người dân, nhiều công ty bán lẻ lớn ở Mỹ đã bán nhiều loại thực phẩm chức năng có thành phần không đúng theo như mô tả ghi trên nhãn mác.  
Nhiều thực phẩm chức năng của Mỹ quảng cáo như thần dược và dùng thay thế các bữa ăn
Nhiều thực phẩm chức năng của Mỹ quảng cáo như thần dược và dùng thay thế các bữa ăn

Thực phẩm chức năng trở thành “bữa phụ”

Tại Mỹ, hoa quả và rau xanh có giá không hề rẻ, khiến nhiều người nghèo không có đủ điều kiện để mua ăn thường xuyên. Trong bối cảnh đó, thực phẩm chức năng giá rẻ xuất hiện như một sự “cứu cánh”, trở thành “bữa phụ” của người nghèo tại Mỹ. Nhiều người trong số đó uống thực phẩm chức năng để bổ sung vitamin như một cách nâng cao sức khỏe. Cũng vì thế mà thị trường thực phẩm chức năng tại Mỹ tăng trưởng không ngừng.

Năm 2007, doanh thu từ thực phẩm chức năng tại Mỹ ước đạt 96,8 tỷ USD nhưng đến năm 2013, con số này đã tăng vọt lên thành 150 tỷ USD. Theo một thống kê, tại Mỹ hiện có hơn 54.000 loại thực phẩm chức năng của hơn 1.000 thương hiệu khác nhau. Quảng cáo các chất bổ sung có thể được tìm thấy trên các cửa sổ internet, trên các phương tiện truyền thông xã hội, các trang tạp chí và trên tivi. Các sản phẩm này được bày bán nhan nhản trong các cửa hàng y tế, hiệu thuốc và cả các cửa hàng tạp hóa lớn. Với trào lưu sử dụng thực phẩm chức năng, đặc biệt là khái niệm “thiên nhiên” đang rất được sùng bái trong những năm gần đây, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Mỹ thi nhau đóng mác “chiết xuất tự nhiên”.

Mỹ hiện có hơn 54.000 loại thực phẩm chức năng của hơn 1.000 thương hiệu khác nhau
Mỹ hiện có hơn 54.000 loại thực phẩm chức năng của hơn 1.000 thương hiệu khác nhau

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đa số các quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay đều không đúng sự thật. Điển hình, vào tháng 2/2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã yêu cầu 17 công ty sản xuất thực phẩm chức năng tại nước này đưa ra lời giải thích hợp lý khi bán ra thị trường hơn 58 loại sản phẩm với quảng cáo là có thể chữa được nhiều bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có cả Alzheimer. FDA cũng đã gửi 12 lá thư cảnh báo tới các công ty của Mỹ và những công ty nước ngoài khác sản xuất những sản phẩm chức năng này.

Trước hơn, tháng 12/2016, công ty chuyên sản xuất thực phẩm chức năng JMC của Mỹ đã bị phạt 2,25 triệu USD và buộc phải dừng sản xuất sản phẩm vì quảng cáo sai sự thật. Nhãn hiệu Spring Valley bị lên án nhiều nhất khi hàng loạt các sản phẩm như Cây cúc dược thảo, tỏi, sâm, rễ nữ lang,…đều được độn thêm bột mì, tỏi, cây huyết dụ, lá cọ…
Trong khi đó, chỉ có 4% sản phẩm là trung thực với thành phần như miêu tả của nó. Sau một thời gian, các công ty đã phải công khai nhận trách nhiệm và trả lại tiền kèm theo lời cam kết không tổn hại đến sức khỏe của người mua hàng. Một cuộc điều tra của văn phòng Tổng chưởng lý New York cũng đã phát hiện ra một vài thương hiệu thực phẩm chức năng nổi tiếng được bày bán tại siêu thị như GNC, Target, Walgreens và Walmart chứa các tạp chất không được liệt kê trên bao bì. Chỉ 21% sản phẩm thực sự có DNA của các loại thảo dược có ghi trên nhãn hiệu.

Lỗ hổng trong quy định

Thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng vốn không được coi là các sản phẩm thay thế thuốc chữa bệnh. Vì vậy, việc kinh doanh thực phẩm chức năng từ lâu đã được quy định và quản lý trên thực tế rất lỏng lẻo, không chỉ tại Mỹ mà còn tại nhiều các nước khác trên thế giới. FDA định nghĩa thực phẩm chức năng là các sản phẩm nhằm tăng thêm giá trị dinh dưỡng để bổ sung cho chế độ ăn uống; những sản phẩm có chứa các “thành phần dinh dưỡng”, có thể bao gồm vitamin, khoáng chất, thảo dược hoặc acid amin.

Các sản phẩm này có thể được phân loại như các loại thực phẩm thông thường, phụ gia thực phẩm, bổ sung chế độ ăn uống, thực phẩm y tế hoặc các loại thực phẩm để sử dụng chế độ ăn uống đặc biệt. Do đó, cơ quan này không áp dụng quy định kiểm soát thực phẩm chức năng nghiêm ngặt như đối với các loại thuốc chữa bệnh.

Cũng chính vì vậy nên các loại thực phẩm chức năng có thể lưu hành tại Mỹ mà không cần có sự chấp thuận của FDA. Các sản phẩm này chỉ được quản lý tương tự các loại thực phẩm khác, có điều là loại thực phẩm đặc biệt có liên quan đến sức khỏe. Khác với các loại thuốc, các nhà sản xuất phải chứng minh an toàn và hiệu quả trước khi sản phẩm mới tiếp cận thị trường, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng lại không cần phải như vậy.

Theo quy định của FDA, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng phải đăng ký với FDA nhưng họ không cần phải được FDA chấp thuận trước khi sản xuất hoặc bán thực phẩm chức năng của họ ra thị trường. FDA chỉ giám sát các sản phẩm sau khi được tung ra thị trường và Chính phủ yêu cầu các nhà sản xuất báo cáo tất cả các tác dụng phụ nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ liên quan đến việc sử dụng các chất bổ sung của họ.

Theo quy định của Mỹ, các loại thực phẩm chức năng không được dán nhãn mác và quảng cáo với các tuyên bố rằng sản phẩm của họ có thể điều trị, chẩn đoán, phòng ngừa hoặc chữa bệnh. Các hãng kinh doanh thực phẩm chức năng được toàn quyền quyết định về hàm lượng và thành phần nguyên liệu. FDA chỉ coi một loại thực phẩm chức năng là bất hợp pháp khi loại thuốc đó không chứa các thành phần ghi trên bao bì hoặc bị nhiễm độc.

Chỉ khi một loại thực phẩm chức năng nào đó được chứng minh là gây ra tác hại đáng kể thì nó mới được gọi là không an toàn. Thêm vào đó, ông J.Hardy – nhân viên của Văn phòng Dinh dưỡng, Ghi nhãn và Bổ sung Chế độ Ăn uống của FDA – cũng chỉ ra rằng FDA vẫn thiếu thẩm quyền để điều tra về tính chính xác hoặc mức độ liên quan của các tuyên bố về thành phần và công dụng của các loại thực phẩm chức năng.

Thay vào đó, nhiệm vụ của họ chỉ đơn thuần là xác định xem các tuyên bố của nhà sản xuất có phải là tuyên bố thuốc chữa bệnh hay không. Theo ông Hardy, các nhà sản xuất phải có giấy phép và bằng chứng khoa học đáng tin cậy để chứng minh rằng các tuyên bố về sản phẩm của họ là trung thực và không gây hiểu lầm. Thế nhưng, theo quy định, họ không phải nộp những bằng chứng đó cho FDA. Nói cách khác, họ không cần phải trưng ra cho ai xem.

Như vậy, quy định “các nhà sản xuất và phân phối phải đảm bảo rằng tất cả các tuyên bố và thông tin của họ trên nhãn mác sản phẩm và dán nhãn khác là trung thực và không gây hiểm lầm… Những công ty đó phải chịu trách nhiệm về đánh giá an toàn và việc dán nhãn trên sản phẩm của họ trước khi giới thiệu ra thị trường đảm bảo đáp ứng tất cả các yêu cầu của các quy định của Đạo luật Giáo dục và Sức khỏe Bổ sung Chế độ Ăn uống năm 1994 và FDA” được nhiều người cho là quy định đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất thực phẩm chức năng tự điều chỉnh họ.

Như nhiều người nói, nói một cách đơn giản, quy định như vậy tương đương với một thế giới tưởng tượng - nơi chúng ta không có cảnh sát, nhưng chính phủ mong muốn công dân tự bắt mình khi họ vi phạm pháp luật. Tờ Business Insider cho biết, từ dữ liệu từ năm 2004 đến 2013, các tác giả của một nghiên cứu được tiến hành năm 2016 và được công bố trên Tạp chí Y học New England ước tính rằng mỗi năm có 23.005 lượt khám tại phòng cấp cứu có liên quan đến các chất bổ sung.

Từ năm 2000 đến năm 2012, tỷ lệ phản ứng tiêu cực hàng năm đối với các loại thực phẩm chức năng– hay còn gọi là “phơi nhiễm” - đã tăng từ 3,5 đến 9,3 trường hợp trên 100.000 người, tương đương mức tăng 166%.

Theo một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Tạp chí Độc tính Y khoa, trong khoảng thời gian đó, 34 người đã chết vì sử dụng thực phẩm chức năng. 6 trong số các trường hợp tử vong do sử dụng thực phẩm chức năng chức ma hoàng vốn bị cấm và 3 người chết vì các biện pháp vi lượng đồng căn. Một người đã chết sau khi sử dụng yohimbe - một loại thảo dược bổ sung được sử dụng để giảm cân và rối loạn cương dương.

Đọc thêm