Trong những năm gần đây, cùng với sự nổi tiếng của thương hiệu làng nghề truyền thống rèn, đúc kim loại và cơ khí Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), người dân địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Lò đúc gang thủ công không có ống khói |
Sáng khói, chiều khét
Ông Đào Văn Thủy- Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Mỹ Đồng có 102 đơn vị sản xuất, kinh doanh đúc, cơ khí trong đó có 56 công ty, 39 doanh nghiệp và 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh, đa số các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn xã chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công, phương pháp này vừa tốn thời gian, công sức và đặc biệt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Với đặc thù làng nghề rèn, đúc kim loại và cơ khí, người dân Mỹ Đồng "quanh năm suốt tháng" phải hứng chịu đủ loại khói bụi, tiếng ồn và mùi khét bốc lên từ than đá, gang thép nóng chảy... Một điều đáng nói, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, chính vì thế ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm nước thải sản xuất là điều khó tránh khỏi.
Hàng ngày, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bắt đầu từ 9h sáng, bắt đầu đốt lò nấu gang, lò nấu nằm trong khu dân cư, không có hệ thống ống khói cố định, khói bốc lên nghi ngút. Đến 14h chiều, gang được đun nóng và nóng chảy ở nhiệt độ 1.8000 rồi ra lò vào khuân. Lúc này mùi khét cộng với khói bụi mù mịt toàn bộ khu sản xuất và lan sang hàng trăm hộ dân.
Nằm ngay bên cạnh trụ sở UBND xã Mỹ Đồng, một cơ sở đúc kim loại xả mùi gang thép nóng chảy khét lẹt, hành lang và hàng ghế uống nước trước cửa hội trường ủy ban bám bụi đen kịt. Tiếng búa, đe và vật liệu đập vào nhau chan chát nghe "đinh tai nhức óc".
Anh Trần Văn Việt, số nhà 192, đường 352 Mỹ Đồng - một trong những hộ sản xuất, kinh doanh tại đây - cho biết, gia đình sản xuất mặt hàng đúc kim loại, là doanh nghiệp sản xuất nhỏ, mỗi ngày chúng chỉ sản xuất khoảng 2,5-3 tấn hàng. Cuộc sống hàng ngày của gia đình sống chung cùng với hoạt động của khu xưởng sản xuất. Chính vì vậy, mùi khét, khói bụi và tiếng ồn rất khó chịu, nhưng "nghề đi với nghiệp". Chúng tôi đã đăng ký chuyển tới khu làng nghề để sản xuất kinh doanh nhưng chưa được giải quyết.
Cần di dời khu làng nghề ô nhiễm
Trao đổi với PLVN, ông Đào Văn Thủy bày tỏ, UBND xã Mỹ Đồng đã có báo cáo và kế hoạch gửi lên chính quyền các cấp để nghiên cứu, giải quyết, với đề nghị sớm cho các doanh nghiệp kinh doanh tách khỏi khu dân cư vào khu làng nghề tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện nay, cái khó của các doanh nghiệp đó là mặt bằng, vốn đầu tư sản xuất, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức để đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại về sản xuất.
Vấn đề này các doanh nghiệp trên địa bàn cũng cho rằng: cần có sự hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị thay thế phương pháp sản xuất thủ công hiện nay và mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện để di chuyển làng nghề ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực dân sinh. Vấn đề này phải được thực hiện nhanh chóng để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, không phải chịu sức ép từ phía người dân. Điều quan trọng, với việc di chuyển làng nghề sản xuất, đúc đồng ra khỏi khu dân cư, sẽ giúp cho họ hàng ngày không phải sống trong tình cảnh bụi bẩn, tiếng ồn cũng như bị ám ảnh bởi bầu không khí luôn “đặc quánh” mùi khét.
Nguyễn Tiến