Xứng đáng nhận án tử hình
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp nước này cho biết bộ của ông đã chuẩn bị để đưa vấn đề lên Tòa án Tối cao Mỹ, sau khi Tòa phúc thẩm ngày 31/7 đã ra phán quyết yêu cầu mở phiên tòa xét xử mới đối với bản án của Dzhokhar. “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết. Chúng tôi sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi án tử hình”, ông Barr khẳng định. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ Kerri Kupec cũng đã xác nhận thông tin trên.
Trước đó, hôm 2/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một bình luận trên mạng xã hội cũng cho rằng Dzhokhar vẫn phải bị kết án tử hình sau khi tòa phúc thẩm lật lại bản án. “Hiếm có ai xứng đáng nhận án tử hình hơn kẻ đánh bom ở Boston Dzhokhar Tsarnaev.
Quá nhiều sinh mạng đã bị mất và bị hủy hoại. Chính phủ liên bang một lần nữa phải tuyên án tử hình trong một phiên tòa xét xử sơ thẩm. Đất nước chúng ta không thể để phán quyết phúc thẩm...”, ông Trump tuyên bố trên tài khoản Twitter.
Hiện trường hỗn loạn vụ đánh bom ở Boston. |
Ông Trump thời gian qua thường xuyên kêu gọi tăng cường sử dụng hình phạt tử hình và trong thời gian diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới mà ông đang chạy đua cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng, chính quyền của ông được cho là đang quyết tâm thực hiện một số lượng kỷ lục các vụ hành quyết liên bang.
Các trường hợp tử hình liên bang là rất hiếm ở Mỹ dù 3 tử tù gần đây đã bị xử tử sau khi ông Trump ra lệnh nối lại các vụ hành quyết liên bang sau thời gian gián đoạn 17 năm. Vụ thi hành án tử hình tại Mỹ dự kiến sẽ diễn ra trong tháng tới.
Các động thái trên của giới chức chính quyền Mỹ diễn ra sau khi Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 1 ở thành phố Boston ngày 31/7 đã ra phán quyết lật ngược bản án tử hình đối với Dzhokhar. Phán quyết trên được một hội đồng gồm 3 thẩm phán kết luận rằng phiên tòa trước đó đã điều tra không đầy đủ về vụ việc vì thẩm phán xét xử đã “thiếu sót” trong việc tiến hành quy trình lựa chọn bồi thẩm đoàn và để lọt các bồi thẩm viên có thành kiến với bị cáo trước phiên tòa.
Trích dẫn các vấn đề đặc biệt với tính trung lập trong quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn, tòa đã chỉ đạo một tòa án quận tổ chức một phiên tòa xét xử để xác định các tội danh. 3 thẩm phán tại phiên tòa khẳng định, dù kết quả của phiên tòa mới ra sao thì Dzhokhar sẽ vẫn bị giam trong tù đến hết đời.
Vụ tấn công kinh hoàng
Việc lật lại bản án đối với thủ phạm trong vụ đánh bom giải Boston Marathon để xét xử phúc thẩm đã thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ lẫn thế giới bởi tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Tên Dzhokhar đã bị kết án tử hình vào năm 2015 vì đã gài 2 quả bom tự chế gần vạch đích của cuộc thi Boston Marathon vào năm 2013, giết chết 3 người và làm bị thương 264 người khác. 3 nạn nhân tử nạn trong vụ việc gồm em bé Martin Richard 8 tuổi và sinh viên trao đổi người Trung Quốc tên Lingzi Lu 23 tuổi cùng 1 quản lý nhà hàng 29 tuổi tên Krystle Campbell.
Thủ phạm đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công khi là một thanh niên 19 tuổi với anh trai của mình là tên Tamerlan Tsarnaev. Trong những ngày sau đó, 2 tên này còn giết chết một sĩ quan cảnh sát. Cuối cùng, tên Tamerlan đã chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát 4 ngày sau vụ đặt bom, còn Dzhokhar bị bắt vào tối cùng ngày, kết thúc 5 ngày hoảng loạn ở Boston.
Các luật sư của Dzhokhar thừa nhận tên này đã cùng anh trai kích hoạt những quả bom tự chế tại đích cuộc đua nhưng lập luận rằng Dzhokhar chỉ là đồng phạm còn người anh Tamerlan đã chết mới là chủ mưu. Thêm vào đó, các luật sư cũng đưa ra những bằng chứng mà theo họ đã cho thấy thành kiến của vài bồi thẩm viên với thủ phạm.
Trong số những bằng chứng này có các tin nhắn Twitter đầy thành kiến của các thành viên bồi thẩm đoàn trước khi phiên tòa diễn ra. Các luật sư cũng cho rằng quan tòa trong phiên xử trước phạm một lỗi căn bản là từ chối xét xử vụ án ở một nơi khác ngoài thành phố Boston - nơi các bồi thẩm viên tiềm năng được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông tường tận về vụ tấn công.
Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn liên bang vào năm 2015 đã kết luận Dzhokhar phạm tất cả 30 tội danh mà hắn phải đối mặt đồng thời xác định hắn đáng bị xử tử. Phán quyết này được đưa ra sau phiên xét xử tên Dzhokhar kéo dài 59 ngày với hơn 150 nhân chứng đã ra tòa để cung cấp lời khai trong vòng 10 tuần lễ, cùng hàng trăm hình ảnh trình bày trước bồi thẩm đoàn gồm 12 người.
Bồi thẩm đoàn đã thảo luận hơn 14 giờ trong 3 ngày trước khi đi đến quyết định tử hình. Bản án tử hình đối với tên này được đưa ra để buộc hắn phải chịu trách nhiệm liên đới về cái chết của các nạn nhân. Dzhokhar sau đó bị giam giữ tại nhà tù liên bang ở Colorado.
Theo các thông tin, 2 anh em nhà Tsarnaev là Dzhokhar và Tamerlan là người Kyrgyzstan. Thông tin trên trang cá nhân của Tsarnaev cho thấy hắn từng đi học ở Dagestan - một nước cộng hòa thuộc Nga. Tuy nhiên, gia đình Tsarnaev chỉ sống ở đó vài năm. Gia đình họ đã tới Mỹ sinh sống từ năm 2001.
Tại đây, nhà Tsarnaev sống ở thành phố Cambridge thuộc tiểu bang Massachusetts. Dzhokhar theo học trung học ở Cambridge và trở thành tay đấu vật. 2 năm trước khi gây ra vụ đánh bom rúng động, tên này từng nhận được học bổng dành cho các học sinh trung học nổi bật ở địa phương để học lên đại học. Sau đó, y theo học ở Đại học Massachusetts. Trên trang Facebook cá nhân, Dzhokhar miêu tả thế giới quan của y là Hồi giáo và mục tiêu của đời y là “sự nghiệp và tiền bạc”.
Còn về phía người anh, năm 2001, Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI đã từng thẩm vấn người anh Tamerlan Tsarnaev theo yêu cầu của một chính phủ nước ngoài nhưng không tìm ra điều gì đáng quan ngại. Trong một bức ảnh, Tamerlan chụp chung với cô bạn gái nửa dòng máu Bồ Đào Nha, nửa dòng máu Italia. Hắn cho biết người bạn gái này đã cải sang đạo Hồi và cho hay hắn rất sùng đạo. Tamerlan cho biết hắn không còn hút thuốc hay uống rượu nữa vì “Thượng Đế đã dạy là không rượu chè” đồng thời bày tỏ quan ngại rằng cuộc sống hiện nay “không còn hệ giá trị nào nữa”.
Ông Anzor Tsarnaev (cha của Tsarnaev) khi được hỏi cho biết tên Tsarnaev có hoài bão trở thành bác sĩ giải phẫu não. Ông này cũng khăng khăng bác bỏ khả năng con mình gây ra vụ việc chấn động như vậy, thậm chí còn tin rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã gài bẫy các con trai ông. “Các con tôi chẳng bao giờ có súng.
Chúng chưa bao giờ nhìn thấy súng, có lẽ chúng chỉ thấy trên vô tuyến mà thôi”, ông ta nói trên một phát biểu. Thế nhưng, ông Ruslan Tsarni (người chú của 2 anh em) cho rằng lý do có thể đã khiến cho 2 anh em có hành động như vậy là tâm lý kẻ thất bại, sự thù ghét những người có thể ổn định được trên đất Mỹ.