Hội nghị cấp cao của Liên Hợp quốc về khí hậu trái đất (COP26) năm nay được tổ chức ở thành phố Glasgow (Scotland, Anh). Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự trực tiếp trong khi cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ phát biểu qua video trực tuyến.
Ông Biden đã phê phán Nga và đặc biệt là Trung Quốc, về việc lãnh đạo hai nước này không tham dự trực tiếp, coi đấy là sai lầm lớn của họ. Ông Putin và ông Tập Cận Bình viện dẫn chuyện đối nội cấp thiết để biện minh cho việc không tới Glasgow trong khi ông Biden lại không thể không tham dự trực tiếp.
Chuyện bảo vệ và chống biến đổi khí hậu trái đất được ông Biden đặt ở vị trí trọng tâm trên chương trình cầm quyền của mình. Đấy cũng còn là một trong những chủ đề nội dung mà ông Biden chủ trương thể hiện khác biệt hoàn toàn so với người tiền nhiệm là ông Donald Trump.
Ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris của Liên Hợp quốc về bảo vệ khí hậu trái đất và phủ nhận chuyện biến đổi khí hậu trái đất. Sau khi lên cầm quyền ở Mỹ, ông Biden đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp ước nói trên và đặt vấn đề khí hậu trái đất vào diện chính sách cầm quyền được ưu tiên và coi trọng hàng đầu.
Ông Biden chủ trương dùng chủ đề nội dung này phục vụ hai lợi ích chiến lược cơ bản của nước Mỹ. Thứ nhất là can dự trực tiếp vào chuyện chống biến đổi khí hậu trái đất để thể hiện đã nói là làm khi tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ trở lại với thế giới và vì vấn đề khí hậu thế giới hiện rất thời sự nên nước Mỹ phải can dự trực tiếp và mạnh mẽ thì mới có thể gia tăng được vai trò, vị thế, ảnh hưởng và uy tín quốc tế.
Thứ hai, ông Biden nhìn nhận trong chuyện này tiềm năng và cơ hội cho nước Mỹ đi đầu thế giới trên lĩnh vực công nghệ cao phục vụ công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất. Công cuộc này còn kéo dài và công nghệ cao phục vụ nó không những chỉ là ngành công nghiệp và kinh tế với tiềm năng tăng trưởng rất cao mà còn đưa lại ảnh hưởng và uy tín chính trị thế giới.
Sự tham dự của ông Biden ở COP26 được thế giới đánh giá cao nhưng chỉ riêng thế thôi thì lại chưa thể đủ để sự kiện lớn này có thể thành công mỹ mãn. Nguyên do là Trung Quốc chỉ tham dự ở mức độ hạn chế và những nền kinh tế đóng vai trò đáng kể nhất trong việc khí hậu trái đất bị biến đổi đều cam kết thực hiện mục tiêu của Hiệp ước Paris nói trên, nhưng theo lộ trình rất khác nhau. Mỹ và Trung Quốc rất găng với nhau trong suốt thời gian qua trong quan hệ hợp tác song phương nói chung.
Vì thế, thiên hạ bị bất ngờ khi Mỹ và Trung Quốc tuyên cáo ở Glasgow là đã đạt được thỏa thuận hợp tác về bảo vệ khí hậu trái đất. Nội dung trong đấy vẫn còn rất chung chung và chưa hàm chứa bất kỳ điều chỉnh đáng kể gì ở chính sách lâu nay của từng bên về bảo vệ khí hậu trái đất.
Nhưng việc Mỹ và Trung Quốc thể hiện ở Glasgow là hai bên vẫn có thể hợp tác với nhau nói chung và đồng hành trong chuyện khí hậu trái đất nói riêng vẫn có tác động chính trị rất tích cực và quan trọng tới kết cục cuối cùng của COP26 nói riêng và của công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất nói chung. Bằng thoả thuận này, Mỹ và Trung Quốc tạo áp lực tới những nền kinh tế khác và cú hích cho hội nghị thành công vào thời điểm hội nghị sắp kết thúc.
Hai bên dùng thỏa thuận này để tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cho cuộc gặp trực tuyến giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình diễn ra sắp tới. Đấy cũng còn là bằng chứng về việc hai bên dẫu xung khắc với nhau đến mấy cũng sẽ không để diễn biến bất hoà vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.
Cho dù cạnh tranh chiến lược với nhau rất quyết liệt trên mọi phương diện và cuộc cạnh tranh này còn dai dẳng, Mỹ và Trung Quốc vẫn chủ ý hợp tác với nhau khi cần thiết, khi và ở nơi có thể được cũng như khi có lợi cho cả đôi bên. Cũng từ việc Mỹ và Trung Quốc gây bất ngờ này ở COP26 mà còn có thể dự liệu được rằng cuộc gặp trực tuyến tới đây giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình chắc sẽ đạt được kết quả cụ thể nhất định.