Hơn 79% rừng Na Uy thuộc sở hữu tư nhân
Rừng bao phủ khoảng 37% diện tích đất liền của Na Uy, tương đương khoảng 119.000 km2, trong đó gần 23%, tương đương 72.000 km2 là rừng sản xuất. Đáng nói, khoảng 79% diện tích rừng sản xuất tại Na Uy thuộc sở hữu tư nhân. Các khu rừng tại đất nước này đã được khai thác thâm canh để xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ và nhựa gỗ trong hàng trăm năm nay. Rừng cung cấp nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp chế biến bột giấy và giấy.
Ngoài ra, người Na Uy có một truyền thống lâu đời là sử dụng rừng để chăn thả gia súc và săn bắn thú rừng. Rừng và sự đa dạng sinh học trong rừng đóng vai trò như một nguồn tài nguyên sinh thái, giúp giảm hiệu ứng nhà kính và cung cấp điểm đến cho các hoạt động du lịch hướng về thiên nhiên, du lịch nghiên cứu, du lịch sức khoẻ… Duy trì hệ sinh thái rừng để tiếp tục được khai thác và hưởng các lợi ích từ rừng, điều cốt lõi để làm được điều này là rừng trên thế giới không bị thu hẹp thêm.
Chính phủ và người dân Na Uy có ý thức tự bảo vệ rừng của mình từ rất sớm. Hiện nay, số liệu thống kê của chính phủ cho thấy, số lượng gỗ tròn được đốn hạ hàng năm ít hơn nhiều so với mức cho phép trong nhiều năm nay, thậm chí xuống dưới 50%. Công tác quản lý rừng thâm canh đã được thực hiện từ sớm nhằm tạo ra sản lượng gỗ cao, cùng với việc trồng cây trên diện rộng. Mức độ sử dụng rừng thấp hơn nhiều so với mức độ phát triển rừng dẫn đến sự gia tăng khối lượng rừng.
Theo các báo cáo, sinh khối của cây đứng đã tăng gần gấp đôi so với năm 1925, bao gồm chủ yếu là cây vân sam, cây thông và cây rụng lá. Ước tính mỗi một km2 rừng có thể loại bỏ 40% lượng khí thải các-bon do con người gây ra trên một km2 diện tích Na Uy, tương đương khoảng 15 triệu tấn khí thải.
|
Rừng đóng góp lợi ích kinh tế cho Na Uy |
Những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng và mở rộng rừng ở Na Uy là nỗ lực trồng rừng của chính phủ và người dân nước này trên những khu vực trước đây được sử dụng là đất canh tác lâu năm. Một giải pháp khác là thay đổi cách chăm bón đất, ưu tiên các hình thức bón phân tự nhiên, để tăng mức độ màu mỡ cho đất, trả lại thảm thực vật tự nhiên cho đất hoang hóa. Việc chặt cây có chủ đích và trồng các loại cây mới cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự tăng trường của hệ sinh thái rừng. Cần nhấn mạnh rằng, mức tăng trưởng rừng mạnh trong những năm qua còn đến từ việc các chuyên gia thay đổi phương pháp tính toán về rừng, thay đổi phương thức quản lý rừng.
Theo đó, trữ lượng rừng, tức là tổng khối lượng gỗ (hoặc lâm sản) của tất cả các loại cây gỗ trong khu rừng đã đạt kích cỡ khai thác trở lên hoặc lâm sản đã đến tuổi thu hoạch, ngày càng gia tăng qua các năm. Nói cách khác, trữ lượng rừng chỉ tăng lên khi có sự phát triển khoẻ mạnh của cây cối trong rừng, nỗ lực trồng rừng dài hạn cùng với nỗ lực giảm chặt phá rừng lấy gỗ và hạn chế mất rừng do nguyên nhân tự nhiên.
Mặc dù trữ lượng rừng tăng đáng kể trong một trăm năm nay, chính phủ Na Uy chưa bao giờ lơ là trong việc bảo vệ rừng. Bởi lẽ việc chặt phá rừng trái phép, du nhập các loài ngoại lai, bê tông hoá rừng phục vụ con người, ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu đang là những yếu tố ảnh hương nghiêm trọng đến sức khoẻ của rừng và các loài sinh vật trong rừng.
Cuối năm 2018, Chính phủ Na Uy ra quyết định thêm 40 khu rừng trên địa bàn 8 quận vào danh sách rừng được bảo tồn. Tới thời điểm này, đã có 87 khu rừng đang được Chính phủ trực tiếp bảo vệ, tương đương 169 km2 rừng sản xuất, hướng tới mục tiêu bảo vệ 10% diện tích rừng Na Uy. Theo đó, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy - Ola Elvestuen giải thích: “Hơn 1.100 loài nguy cấp và một số môi trường sống có nguy cơ tuyệt chủng được tìm thấy trong những khu rừng này. Hàng trăm loài côn trùng, nấm và một số loài chim sống dựa vào rừng gìa. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ những khu vực rừng quan trọng nhất để góp phần cải thiện tình hình cho các loài và môi trường sống có nguy cơ tuyệt chủng”.
Đáng nói, do hơn nửa diện tích rừng Na Uy được quản lý bởi tư nhân nên trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng huy động được nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp và cộng đồng. Khi người dân ý thức được trồng rừng và bảo vệ rừng vì chính lợi ích của bản thân mình, họ sẽ nỗ lực nhiều hơn để thực hiện điều đó.
Không chỉ là trồng cây và gieo hạt
Nếu chúng ta coi rừng là nguồn tài nguyên vật chất thuần túy thì trồng rừng là một biện pháp tích cực để tăng hoặc duy trì trữ lượng rừng. Tuy nhiên, việc trồng cây có thể có những tác động lớn đến sự đa dạng sinh học. Nói cách khác, trồng rừng không đơn thuần chỉ là trồng thêm cây, loại cây nào cũng được.
Ở Na Uy, những cây được trồng thường là cây độc canh thuộc chi vân sam, tức loại cây lá kim thường xanh, dạng cây gỗ. Mật độ động, thực vật trong rừng trồng vân sam thấp hơn nhiều so với rừng tái sinh tự nhiên. Điều này ngụ ý rằng trồng cây không hẳn luôn là một biện pháp tích cực. Trên thực tế, Chính phủ Na Uy đã hỗ trợ việc trồng rừng từ năm 1863, tuy nhiên những năm gần đây việc trồng rừng đã giảm xuống còn khoảng 200 – 300 km2 diện tích trồng hàng năm.
Thay vì chỉ trồng thêm rừng, người Na Uy quan tâm đến tình trạng sức khoẻ của rừng và nâng cao độ đa dạng sinh học trong rừng. Chính phủ bảo vệ các khu rừng quan trọng, thuộc sở hữu Nhà nước qua việc chỉ định thành lập các vườn quốc gia, công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc các loại khu bảo tồn khác. Điều này được quy định trong Luật Bảo vệ thiên nhiên của nước này: “Đất rừng thuộc sở hữu của Nhà nước có thể được chỉ định là vườn quốc gia để bảo tồn các khu vực hoang sơ hoặc các khu vực tự nhiên đặc biệt hoặc có cảnh quan đẹp.
Đất rừng không thuộc sở hữu nhà nước cũng có thể được chỉ định là vườn quốc gia nếu đáp ứng những điều kiện nêu trên. Trong các vườn quốc gia, môi trường tự nhiên, cảnh quan rừng, hệ động thực vật, cùng mọi yếu tố văn hoá tự nhiên sẽ được bảo vệ khỏi công trình xây dựng, ô nhiễm hoặc bất kỳ sự xâm phạm nào khác”.
|
Các khu rừng nguyên sinh quan trọng được Chính phủ chỉ định bảo tồn |
Mặc dù có chính sách phát triển rừng tiến bộ, chính phủ Na Uy vẫn lo ngại về việc tổng diện tích rừng hoang dã, rừng nguyên sinh ở Na Uy đang bị giảm đáng kể do tác động của con người. Việc khai thác rừng nguyên sinh rồi trồng các loại rừng khác thay thế khiến thay đổi bản chất rừng, phá hoại môi trường sống tự nhiên của các loài sinh vật.
Sự thay đổi lớn nhất xảy ra ở vùng rừng phía Nam Na Uy – nơi trước đây chủ yếu là những khu dừng hoang dã. Khi ngày càng có nhiều vùng hoang dã bị mất đi trước sự mở rộng và phát triển của con người, nhu cầu bảo tồn các khu vực đại diện cho thế hệ tương lai ngày càng trở nên có ý nghĩa và quan trọng. Hiện nay, ngoài các vườn quốc gia, vùng rừng hoang dã lớn nhất vẫn chưa bị “xáo trộn” bởi con người có thể được tìm thấy ở vùng cận biên giới phía bắc Trøndelag và Finnmarksvidda.
Không thể phủ nhận vai trò đi đầu của đất nước Na Uy trong công tác bảo tồn và phát triển rừng. Đây không phải nỗ lực ngày một ngày hai, của bất cứ ai hay chỉ của Chính phủ nước này mà là nỗ lực kéo dài cả trăm năm của Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức và các cộng đồng dân cư.