Năm 2013 nhập khẩu 3,7 tỷ kWh điện

Theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2013 đã được Bộ Công Thương ban hành, trên 133,4 tỷ kWh là tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu toàn quốc của năm nay, tăng 11% so với năm 2012; trong đó, điện nhập khẩu từ Trung Quốc gần 3,7 tỷ kWh, tăng 1 tỷ kWh so với mức nhập khẩu năm trước.

Theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2013 đã được Bộ Công Thương ban hành, trên 133,4 tỷ kWh là tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu toàn quốc của năm nay, tăng 11% so với năm 2012; trong đó, điện nhập khẩu từ Trung Quốc gần 3,7 tỷ kWh, tăng 1 tỷ kWh so với mức nhập khẩu năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong cơ cấu sản xuất điện toàn quốc, sản lượng thủy điện chiếm khoảng 40%, nhiệt điện tua bin khí 33%, nhiệt điện than 22%, còn lại là nhiệt điện dầu và điện nhập khẩu. Cũng trong năm, sẽ có thêm 2.683MW công suất các nhà máy điện mới được đưa vào vận hành. Như vậy, so với tổng nhu cầu của hệ thống điện quốc gia, năm nay, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cả nước.

Để đảm bảo cung-cầu điện trong năm 2013, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý các nhà máy nhiệt điện dầu FO đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động và thực hiện yêu cầu vận hành; đồng thời phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý các nhà máy điện tua bin khí Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch, Cà Mau sẵn sàng chuyển đổi sang phát điện bằng dầu DO, đáp ứng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia khi thiếu khí cho phát điện trong thời gian bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn, PM3-CAA. Đặc biệt ưu tiên huy động cao nhất khả năng phát điện của cụm nhà máy điện Cà Mau. Chi phí tăng thêm do huy động từ nhà máy này sẽ được xem xét, chấp nhận là các chi phí phát sinh hợp lý nhằm sử dụng tối ưu tài nguyên khí của quốc gia.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN nâng cao công suất khả dụng các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư, quản lý vận hành; đồng thời huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu, các nguồn điện dự phòng của khách hàng sử dụng điện để nâng cao khả năng cung ứng điện năm 2013.

Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) có nhiệm vụ tập trung nguồn lực để đưa vào vận hành các công trình điện trọng điểm tăng cường cho lưới điện miền Nam và các công trình nâng cấp lưới truyền tải miền Nam đúng tiến độ. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan-Hà Tĩnh-Đà Nẵng trước mùa lũ ở miền Bắc, cũng như đẩy nhanh tiến độ thay dây siêu nhiệt các đường dây 220kV Phả Lại-Hải Dương, Phả Lại-Phố Nối và hoàn thành mạch 2 đường dây 220kV Thái Bình-Nam Định trước tháng 3 tới.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và NPT cùng nghiên cứu, triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật để huy động tối đa công suất phát của các nhà máy nhiệt điện than khu vực Đông Bắc và điện nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo mục tiêu giảm chi phí phát điện toàn hệ thống.

Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) đảm bảo duy trì sản lượng khí Nam Côn Sơn và PM3-CAA ở mức cao để cung cấp khí cho các nhà máy điện tua bin khí vận hành phát điện năm 2013 theo kế hoạch huy động các nhà máy. Trong trường hợp thiếu khí, sẽ ưu tiên sử dụng khí cho phát điện, cần thiết có thể giảm sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ khác để đáp ứng nhu cầu khí cho phát điện. PVGas cũng phối hợp với A0 sử dụng khí PM3-CAA một cách hợp lý, hạn chế phải huy động các nguồn điện giá cao cũng như vận hành an toàn hệ thống cung cấp khí.

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp than đầy đủ, liên tục cho các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc để đảm bảo phát điện tối đa trong năm 2013. Mặt khác, vận hành ổn định và nâng cao công suất khả dụng các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư, quản lý.

Trong trường hợp hệ thống điện miền Nam mất cân đối cung-cầu điện, hai Tổng Công ty Điện lực miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát, đề xuất các phương án tiết giảm nhu cầu điện trong khu vực, tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện như sắt, thép, xi măng.

PV

Đọc thêm