Tiềm năng và thế mạnh
Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, hội tụ đủ các điều kiện để huy động các nguồn lực thỏa mãn nhu cầu phát triển ngành kinh tế du lịch trở thành trọng điểm du lịch quốc gia.
Từ những điều kiện thuận lợi đó, tỉnh Thanh Hóa đã xác định: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên khai thác thị trường nội địa; phát triển du lịch bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời phải kết hợp hài hòa, hợp lý giữa các khu vực của tỉnh, chú trọng khai thác các giá trị di sản văn hóa, du lịch sinh thái, tâm linh; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch; tăng cường liên kết các hoạt động du lịch, các điểm du lịch trong tỉnh và với các tỉnh, thành bạn.
Mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Về tài nguyên du lịch tự nhiên, đặc điểm nổi bật của Thanh Hóa là địa hình đa dạng, từ núi cao qua miền đồng bằng kéo dài ra biển, trong đó địa hình miền biển đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch với những điểm nghỉ mát nổi tiếng như Sầm Sơn, Quảng Vinh (huyện Quảng Xương), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia)...
Ở vùng núi đá vôi có nhiều hang động đẹp, gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa như động Từ Thức (huyện Nga Sơn), hang Con Moong (huyện Thạch Thành), động Hồ Công, Tiên Sơn (huyện Vĩnh Lộc)... Đặc biệt, Thanh Hóa có Vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh) hứa hẹn sẽ trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn.
Về tài nguyên du lịch nhân văn, hiện Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt có những cụm di tích có ý nghĩa lịch sử cũng như nghệ thuật, kiến trúc như: Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, Đền thờ Lê Hoàn, Di tích Phủ Trịnh... và độc đáo hơn cả là Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn có hệ thống văn hóa phi vật thể đa dạng với 210 lễ hội truyền thống, tôn giáo tín ngưỡng; nhiều món ăn đặc sản và nhiều làng nghề độc đáo... Với nguồn tài nguyên du lịch kể trên, Thanh Hóa có khả năng khai thác và phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch lễ hội...
Cơ hội tốt để du lịch xứ Thanh “cất cánh”
Với mục tiêu đón từ 100.000 đến 120.000 lượt khách du lịch quốc tế và trên 5.000.000 lượt khách du lịch nội địa trong Năm Du lịch quốc gia 2015, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường chuẩn bị chu đáo dịch vụ lưu trú, tăng số phòng nghỉ đủ tiêu chuẩn lên khoảng 17.200 phòng với 67.200 lao động (trong đó 22.400 lao động trực tiếp, cố định) đáp ứng yêu cầu của du khách…
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được quan tâm. Toàn tỉnh có trên 200 di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng kinh phí đầu tư trên 400 tỷ đồng, nhất là Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích quốc gia đặc biệt - khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu…
Đồng thời, với việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch, Thanh Hóa đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch thông qua công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý nhà nước, các khu, điểm du lịch, kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch.
Vì vậy, đến hết năm 2014 Thanh Hóa có 72% lao động đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó 16% có trình độ đại học trở lên trong tổng số 16.000 lao động trong ngành Du lịch của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về du lịch ngày càng được nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các địa phương có tiềm năng du lịch đã có sự nhận thức đúng và trúng về phát triển du lịch; bộ máy làm du lịch từ cấp tỉnh đến cơ sở có khu, điểm du lịch được tập trung kiện toàn.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị của tỉnh, những năm gần đây lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tổ chức hội thảo, sự kiện… ngày càng đông; doanh thu từ du lịch ngày càng tăng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tính đến năm 2014, toàn tỉnh đã thực hiện 25 quy hoạch với chất lượng được nâng lên rõ rệt; cơ sở hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, thu hút nhiều dự án phát triển du lịch có ý nghĩa làm mới bức tranh du lịch của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 66 dự án đăng ký đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đăng ký 23.280 tỷ đồng, trong đó 30 dự án đã được cấp phép và triển khai thực hiện với tổng số vốn đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Nổi bật là: Dự án xây dựng sân golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp Sầm Sơn của Công ty FLC; dự án khu du lịch sinh thái biển Hải Hòa (Tĩnh Gia), Hải Tiến (Hoằng Hóa), khu du lịch sinh thái Bến En (Như Thanh)…
Cùng với đó, Thanh Hóa tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án phát triển du lịch đã được quy hoạch như: Dự án di tích Thành Nhà Hồ; dự án khu di tích lịch sử Lam Kinh; khu du lịch Hàm Rồng; khu du lịch sinh thái Quảng Cư… Dịch vụ lưu trú cũng không ngừng được nâng cấp, mở rộng.
Đến tháng 10 năm 2014, toàn tỉnh đã có 672 cơ sở lưu trú với 14.000 phòng, trong đó có 85 cơ sở được xếp hạng khách sạn từ 1 đến 5 sao như các khách sạn: Lam Kinh, Mường Thanh, Thiên Ý, Sao Mai…; 351 cơ sở được xếp hạng nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.
Năm Du lịch quốc gia 2015 -Thanh Hóa thực sự là cơ hội rất tốt để quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh đến du khách trong và ngoài nước; là dịp để kêu gọi các doanh nghiệp du lịch đầu tư vào các dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới; là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tạo dựng môi trường du lịch thân thiện, nâng cấp các di tích lịch sử, quản lý dịch vụ du lịch tại đô thị du lịch biển và quan trọng hơn hết, đây là đòn bẩy thuận lợi để ngành công nghiệp không khói của xứ Thanh “cất cánh”.
Đền Bà Triệu đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt
Sáng 7/4, tại đền Bà Triệu xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Khu di tích Bà Triệu là “Di tích quốc gia đặc biệt” của Thủ tướng Chính phủ.
Khu di tích Bà Triệu là một trong những công trình văn hóa - lịch sử lâu đời ở Thanh Hóa. Nơi đây được xây dựng để tưởng nhớ nữ anh hùng Triệu Thị Trinh (quê ở thôn Cẩm Trướng, xã Định Công, huyện Yên Định), người có công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô xâm lược nước ta vào thế kỷ thứ III. Khu di tích Bà Triệu nằm trên mảnh đất là căn cứ mà cách đây 1.767 năm, người nữ anh hùng Triệu Thị Trinh đã xây dựng hệ thống đồn lũy chống giặc Ngô. Đây cũng là nơi bà anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn.
Việc Thủ tướng Chính phủ công nhận quần thể Khu di tích Bà Triệu là Di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với công lao, sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh, đồng thời cũng ghi nhận thành quả của lớp lớp cháu con Bà Triệu ngày nay trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cha ông.