[links()]Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm (CCNVN) được ưu tiên xây dựng một khu xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế đủ để xử lý cho các nhà máy sản xuất trong cụm. Mặc dù khu xử lý nước thải được xây dựng 10 năm nay với chi phí lên đến hàng tỷ đồng, nhưng khu xử lý nước thải này lại bị “đắp chiếu” và biến thành chuồng heo của Ban quản lý CCNVN….
Ra đời mang theo bao kỳ vọng nên CCNVN được ngân sách ưu tiên đấu tư một khu xử lý nước thải hiện đại với trang thiết bị máy móc thuộc vào “hạng nhất” thời điểm đó để góp phần bảo vệ môi trường cho các vùng xung quanh. Theo đó, tất cả các loại nước thải ra từ các nhà máy sẽ được thu gom xử lý tại đây trước khi đạt chuẩn để đổ ra môi trường.
|
Bể xử lý nước thải của khu xử lý nước thải trong CCN Vĩnh Niệm hiện được tận dụng làm nơi chứa rác và nuôi lợn. |
Chưa một lần hoạt động
Với vai trò, ý nghĩa như vậy, nhưng kể từ khi xây dựng xong đến nay, khu xử lý nước thải này vẫn chưa một lần được đưa vào hoạt động. Nước thải độc hại từ các nhà máy trong CCN vẫn vô tư thải trực tiếp ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cho mương Tây Nam nằm giữa khu dân cư thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Cũng từ mương Tây Nam này, nguồn đầu độc được tỏa đi khắp các kênh, mương, sông và các khu dân cư khác.
Người dân địa phương cho biết, từ khi được xây dựng đến nay hệ thống này chưa một lần đi vào hoạt động. Mặc dù, tại đây đã có hẳn một Ban quản lý CCN được lập ra với đầy đủ các ban, bệ túc trực 24/24 giờ để trông coi, bảo vệ, vận hành khu xử lý nước thải này. Tuy nhiên, không hiểu sao dù không được sử dụng mà hệ thống này vẫn xuống cấp nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước?.
Sau khi “mục sở thị” khu xử lý nước thải này, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh hoang tàn, xuống cấp của khu xử lý nước thải. Từ những máy móc, trang thiết bị tiền tỷ, giờ chỉ còn lại là đống sắt vụn hoen rỉ “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tại đây có 2 trạm bơm có mái che và khóa cửa hẳn hoi, nhưng thay vì bảo vệ máy móc trong đó, các căn phòng này lại được tận dụng thành nơi chứa đồ với rất nhiều đồ đạc vứt ngổn ngang.
Bên cạnh đó là 4 – 5 bể chứa được xây dựng với vai trò là nơi chứa nước thải để xử lý vi sinh rồi sau đó gạn đục, khơi trong trước khi đạt chuẩn để thải ra ngoài. Thế nhưng, nay lại được tận dụng triệt để làm nơi chứa rác với rất nhiều rác thải được vứt ngổn ngang, thậm chí người ta còn tiếc “của giời” tận dụng cơ sở vật chất ở đây để biến thành chuồng nuôi lợn, để mặc các chú lợn vô tư dùng mõm cày ủi, phá phách…
“Của đau” ai xót?
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Tư, 53 tuổi là một trong những nhân viên của Ban quản lý CCNVN cho biết: “Tôi được công ty điều về đây nhận công tác từ năm 1999, lúc đó là thời điểm bắt đầu triển khai các dự án trong CCN này, lúc đó mọi thứ đều hứa hẹn sẽ đem lại nhiều triển vọng lớn. Sau khi CCN được hoàn thành và đi vào hoạt động thì ban quản lý này được thành lập với lực lượng ban đầu lên đến hơn 20 người, nhưng đến nay thì chỉ còn lại 5 người, trong đó 1 người chuyên đi thu tiền nước, còn lại 4 người chúng tôi thì thay nhau túc trực bảo vệ 24/24 giờ tại đây”.
Về vấn đề môi trường tại CCN, ông Tư cho biết: “Tôi đã ở đây gần 10 năm nên tôi biết, trước đây hệ thống thoát nước tại các nhà máy được đấu nối để đổ dồn về khu xử lý này để xử lý trước khi xả ra ngoài.
Thế nhưng, vì khu xử lý không hoạt động nên họ phải tự đục đường ống xả thải thẳng ra ngoài mà không cần qua xử lý. Việc ô nhiễm môi trường là có vì hầu hết các nhà máy trong CCN đều không có đủ diện tích để xây dựng riêng hệ thống xử lý nước thải cho riêng mình.
Nếu không thải ra ngoài thì họ cũng không biết thải đi đâu? Điều này cũng không thể trách họ được, vì họ vẫn phải hoạt động sản xuất, không dừng được! Chúng tôi ở đây cũng thấy có mùi hôi thối nồng nặc, khó chịu lắm, nhưng biết làm sao được? Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đắt tiền để xử lý ô nhiễm nguồn nước thải trong CCN không được phát huy, chúng tôi cũng biết, nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình”.
Hồng Nguyên