Nan giải xử lý ô nhiễm tại cụm công nghiệp Vĩnh Niệm (Kỳ 3)

Khi mới xây dựng và đi vào hoạt động TP. Hải Phòng chỉ chấp thuận cho hơn 20 đơn vị vào đầu tư tại cụm Công nghiệp Vĩnh Niệm. Nhưng đến nay, sau một thời gian buông lỏng quản lý, nơi đây đã phát sinh thêm nhiều DN ngang nhiên hoạt động mà không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Thậm chí nhiều DN lợi dụng vấn đề này để hưởng lợi, bỏ mặc cho những hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường...

[links()] Khi mới xây dựng và đi vào hoạt động TP. Hải Phòng chỉ chấp thuận cho hơn 20 đơn vị vào đầu tư tại cụm Công nghiệp Vĩnh Niệm. Nhưng đến nay, sau một thời gian buông lỏng quản lý, nơi đây đã phát sinh thêm nhiều DN ngang nhiên hoạt động mà không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Thậm chí nhiều DN lợi dụng vấn đề này để hưởng lợi, bỏ mặc cho những hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường...

Từ lâu, người dân phường Vĩnh Niệm đã bức xúc  việc Cụm công nghiệp xả thải ra môi trường
Từ lâu, người dân phường Vĩnh Niệm đã bức xúc việc Cụm công nghiệp xả thải ra môi trường

Quá nhiều ưu đãi

Ngày 16/1/2004 Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng đã ký hợp đồng thuê đất số 19/HĐ-TĐ cho bên B là Công ty cổ phần Mỹ Hảo thuê 4.939,80m2 đất tại cụm Công nghiệp Vĩnh Niệm (CCNVN) để xây dựng Xưởng sản xuất bao bì, nilon, nước giải khát. Thời hạn thuê đất là 50 năm, được tính từ ngày 01/8/2001.

Theo hợp đồng thuê đất này, DN được hưởng rất nhiều ưu đãi, đặc biệt DN được hưởng giá thuê đất và thuê cơ sở hạ tầng theo Quyết định số 695/QĐ-UBND, ngày 13/01/2001 của UBND TP. Hải Phòng với giá “cực hời” 1.000 đồng/m2/năm được tính suốt thời gian thuê đất; giá thuê cơ sở hạ tầng được “áp dụng” 2.000 đồng/m2/năm được tính trong 21 năm đầu thuê đất…

Với những ưu đãi của thời kỳ đó, TP mong muốn CCNVN trở thành “sức hút” đầu tư đối với các DN vào đầu tư sản xuất; như vậy, mỗi DN vào hoạt động trong CCNVN chỉ “mất” vẻn vẹn 3.000 đồng/m2/ tiền thuê đất và hạ tầng mỗi năm.

Trong hợp đồng thuê đất nêu trên cũng khẳng định rõ tại khoản 1, điều 4 như sau: “Trong thời gian thực hiện hợp đồng, bên B không được chuyển quyền sử dụng đất thuê nếu không đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Trường hợp bên B bị chia tách, sát nhập, chuyển đổi DN hoặc chuyển nhượng tài sản cho tổ chức, cá nhân khác mà tạo nên pháp nhân mới thì pháp nhân mới phải làm các thủ tục thuê đất”…

Thế nhưng, quy định chỉ gọi là có vì ngay sau khi được Sở TN & MT cho thuê đất, Công ty cổ phần Mỹ Hảo đã bớt lại một phần đất của mình cho Công ty cổ phần bia Tây Âu thuê lại để xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh bia không tuân theo các quy định của Luật đất đai.

Khi tìm hiểu vấn đề này, bà Vũ Thị Lan- Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty cổ phần bia Tây Âu cho biết, công ty hoạt động từ năm 2004, có ký Hợp đồng thuê lại đất của Công ty cổ phần Mỹ Hảo với danh nghĩa là Hợp đồng hợp tác kinh doanh nên mọi thủ tục pháp lý của công ty đều lấy danh nghĩa là Công ty Mỹ Hảo.

Thế nhưng, công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh độc lập, hàng năm công ty đều mời đơn vị có chuyên môn đến quan trắc, đánh giá tác động môi trường. Bà Lan quả quyết, hoạt động sản xuất của công ty không làm ảnh hưởng đến môi trường.  

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến hệ thống xử lý nước thải của công ty thì bà Lan từ chối và chống chế: “Hệ thống xử lý nước thải đã được xử lý chung với Công ty Mỹ Hảo,  được trôn sâu dưới đất nên rất khó quan sát. Hiện nay, công ty cũng muốn xây dựng khu xử lý riêng cho mình để tiện sản xuất, nhưng cũng khó thực hiện vì không còn đất”.

Như đã đề cập ở kỳ trước, hiện tại toàn bộ hệ thống nước thải của các DN hoạt động trong CCNVN đều được xả thẳng ra kênh thoát nước Tây Nam nằm ngay trên địa bàn khu dân cư từ tổ 17 đến tổ 21 phường Vĩnh Niệm gây nên ô nhiễm cho nguồn nước tại đây, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân...

“Lách luật” để hưởng lợi

Không chỉ riêng trường hợp của Công ty Mỹ Hảo, rất nhiều công ty khác tại đây cũng đã cho thuê lại, chuyển nhượng toàn bộ, hoặc một phần diện tích nhà xưởng của mình cho một, thậm chí là vài đơn vị khác thuê đất, nhà xưởng với giá “chênh lệch” để kiếm lợi.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, nhân viên thu tiền nước của Ban Quản lý CCNVN cho biết, bà được giao nhiệm vụ thu tiền nước tại CCNVN ngay từ những ngày đầu nên con số hoạt động ban đầu của các DN chỉ dừng có con số 24- 24 DN này được TP ký hợp đồng thuê đất và cho phép xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên đến nay, con số này đã vượt lên, đã có nhiều DN cho thuê lại phần đất của mình, bỏ mặc những nghĩa vụ liên quan...

Theo tìm hiểu của PLVN, hiện nay Công ty TNHH Đức Anh đang có nhu cầu cho thuê lại nhà xưởng tại CCNVN với tổng diện tích 4.200 m2, thời hạn cho thuê là 40 năm với mức thuê ưu đãi. Đại diện của Công ty TNHH Đức Anh cho biết thêm, theo mặt bằng chung hiện nay, DN muốn thuê đất cũng phải mất vài trăm triệu đồng mỗi năm thì mới tìm được địa điểm thuê đất.

Chính vì vậy, giá cho thuê lại của công ty là rất “hấp dẫn”. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng “không đáng phải bận tâm” bởi lẽ, nếu đúng theo quy định, các DN phải đóng tiền để vận hành hệ thống xử lý nước thải cho cả CCNVN, nhưng đến nay, hệ thống xử lý nước thải này không hoạt động nên DN cứ “vô tư” xả thẳng ra môi trường mà không phải đầu tư hệ thống xử lý, không phải mất tiền...

Vị đại diện Công ty này còn cho biết thêm, khi hoạt động sản xuất thì không tránh khỏi việc xả ra môi trường nhưng các DN đang hoạt động ở đây đều có người “tư vấn” bên môi trường giúp đỡ...Tóm lại, vị này khẳng định, nên thuê lại đất trong CCNVN vì ở đây có rất nhiều ưu đãi, có lợi cho DN hoạt động, đặc biệt CCNVN này được “bao bọc” bởi các cơ quan chức năng!?

Hồng Nguyên

Đọc thêm