Câu chuyện trong truyền thuyết
Từ xa xưa đã có người tin rằng có người cá, bao gồm người cá giống cái (tức là giới đẹp) và người cá giống đực. Vị thần Babylon Oannes trong truyền thuyết đã đem lại tri thức và văn hóa cho loài người, nghe nói là người cá, nửa trên là người, từ thắt lưng trở xuống là cá.
Ngoài ra, vào thời cổ đại tại các nước Syria, Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp và La Mã, mọi người vẫn sùng bái thần linh người cá. Mấy thế kỷ gần đây đã có rất nhiều truyền thuyết dân gian về những sinh vật này, mọi người thường xuyên nói rằng mình nhìn thấy người cá.
Một trong những người viết sớm nhất về loài sinh vật này là nhà khoa học tự nhiên La Mã ở thế kỷ thứ nhất vì rằng lúc đó những người sống ven biển bảo rằng đã có rất nhiều người nhìn thấy người cá nên ông không hoài nghi gì về việc có người cá tồn tại. Ông còn viết rằng: “Có người còn nhìn thấy rất nhiều người cá bị mắc cạn ở bãi cát và chết ở đó”.
Người cá ở các sách ở các quốc gia Bắc Âu có điểm khác. Mọi người lan truyền rằng khi sống ở dưới nước thì chúng là báo biển, một khi muốn trở thành người thì chỉ việc lột xác là xong! Chính vì vậy mà người địa phương gọi loài sinh vật này là ‘người báo biển’.
Trong truyền thuyết ở một số địa phương khác vùng Na Uy thì người cũng có thể thay đổi thành cá hoặc người tùy theo ý thích của mình. Chúng chỉ cần rũ người một cái là có thể thay hình đổi dạng và sống với người trên đất liền được, thậm chí có khi còn lấy người và sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống bình thường. Sau đó không lâu, người cá nhớ quê hương, nhớ biển cả, nỗi nhớ biển cả và cuối cùng đã nhảy xuống nước rồi mất hút trong sóng biển đại dương.
|
Hình ảnh người cá đã được văn học, điện ảnh tái hiện. |
Thủy thủ đi biển thường cho rằng nhìn thấy các nàng tiên cá là điềm báo cho sự chết chóc, thường thì sau đó là xuất hiện bão lớn trên biển. Trong vũ kịch ba lê truyền thống “Mỹ nhân ngư” có tình tiết như thế này: thủy thủ nhìn thấy một người cá là mỹ nữ đang ngồi trên một phiến đá ở bờ biển, một tay cầm gương soi, một tay cầm lược chải đầu. Thế là thuyền trưởng liền nói: “Người cá đã cảnh báo cho chúng ta biết một điềm chẳng lành sắp đến, chúng ta sẽ bị chìm xuống đáy biển cả... Sau khi bơi 3 vòng quanh tàu của chúng ta, người cá đã lặn xuống đáy biển”.
Truyền thuyết này được coi là ảnh hưởng lớn đến điện ảnh hay các thể loại sân khấu kéo dài đến tận ngày nay. Trong seri phim ăn khách nổi tiếng “Cướp biển vùng Caribbean” gồm 5 phần cũng có xuất hiện tình tiết “mỹ nhân ngư” tại phần 4. Khi đó, các mỹ nhân ngư thậm chí còn tấn công thủy thủ đoàn, mê hoặc họ bằng những tiếng hát du dương. Ly kỳ độc đáo nhất có lẽ là việc chấp nhận tình yêu của “mỹ nhân ngư” để trở thành bất tử nơi đại dương của một nhân vật trong bộ phim. Những cảm hứng từ điện ảnh đó bắt nguồn từ chính truyền thuyết tại các nước vùng Bắc Âu về người cá.
Người cá ở Scotland
Tất nhiên mỹ nhân ngư không chỉ là những sinh vật trong truyền thuyết. Trong suốt nhiều thế kỷ luôn có nhũng người đã gặp người cá, những tin như vậy còn kéo dài mãi tới thời nay.
Ngày 12/1/1809, có 2 phụ nữ ở một ngôi làng nhỏ phía Đông Bắc Scotland khi đến bờ biển bỗng thấy một khuôn mặt phụ nữ nhô lên khỏi mặt nước. “Khuôn mặt tròn đầy đặn, hồng hồng”. Sinh vật này ở dưới biển lúc ẩn lúc hiện. Hai phụ nữ thậm chí còn nhìn thấy bầu ngực đầy đặn trên thân hình của nó. Đôi khi trước đầu sóng còn lộ ra đôi cánh tay vừa gầy vừa dài, trắng nõn nà của nàng tiên cá, mớ tóc xanh dài phía sau đầu.
Sau khi một người trong họ công bố việc nhìn thấy người cá, ngày 8/9 năm đó, William Monro đã viết thư cho “Thời báo London”, ghi lại việc mình nhìn thấy nàng tiên cá. Ông cho biết 12 năm trước, khi ông đang đi bộ bên bờ biển cũng khu vực mà 2 thôn nữ đã đến bỗng phát hiện “Một người phụ nữ không mặc quần áo ngồi trên mỏm đá nhỏ trên mặt nước, hình như đang chải tóc. Tóc dài đến vai, màu nâu nhạt”.
Bài viết của Monro mô tả người cá: “Trán tròn, khuôn mặt đầy đặn, đôi má hồng hào, mắt xanh, mồm và môi đều rất bình thường. Bầu ngực, bụng, đôi vai và hai tay của người cá giống như ở người phụ nữ đang trưởng thành”. Sinh vật ấy không phát hiện được Monro đang nhìn nó, tiếp tục chải đầu. “Tóc của nó vừa dài, vừa dày, xem ra nó đang rất tự hào về điều này.” Vài phút sau người cá trườn xuống nước biến mất vào đại dương.
Hình như trong giai đoạn đó loài sinh vật này xuất hiện ở bờ biển Scotland rất nhiều. Sau một loạt những điều tra, ngày 16/11/1822, báo “Ống kính London” đăng bài tường thuật của John Mar.
Ông nói, ngày 13/10/1811 bản thân ông đã nhìn thấy “trên hòn đá màu đen bên bờ biển” có một động vật kỳ lạ. Ông để ý thấy nửa thân trên của nó là màu trắng giống như người, có điều cánh tay của nó ngắn hơn còn phía dưới toàn vảy lấp lánh màu hồng xám. Động vật này dài khoảng 1,5m và đuôi của nó “giống như một cái quạt”.
Cũng giống như Monro mô tả, John nhìn thấy loài động vật ấy cũng thích vuốt ve mải tóc dài của mình. Sau khi nằm hai tiếng đồng hồ trên tảng đá, John nhìn thấy động vật ấy bắt đầu “vụng về trườn xuống bể”, ông “nhìn thấy rõ mặt, mặt giống như người.”
Vì lúc đó động vật ấy đã ngập nửa người xuống nước, “hai tay xoa lên và rửa người lẫn vuốt ve thêm” nên John không biết được nó là giống đưc hay cái. Cuối cùng động vật ấy cũng khuất trong sóng biển màu ngọc bích.
Chiều ngày 13/10 (tức cùng ngày với John nhìn thấy người cá) khi Catarina Natsu đang đi chăn gia súc trên bờ biển, nhìn thấy một sinh vật từ trên một phiến đá trườn xuống biển, sau khi lặn ra xa khoảng 6m nó nhô đầu lên. Nó có bộ tóc đen dài, nửa phần trên da trắng, nửa dưới giống như cá, màu nâu sẫm.
Khi nó bơi vào gần bờ, Natsu nhìn rõ mặt nó. Nó giống như mặt đứa trẻ vừa trắng vừa nhỏ. Cũng giống như nhiều trường hợp khác, động vật này cũng “không ngừng đưa tay xoa lên ngực hoặc đang tắm rửa thân thể của mình. Không lâu sau nó bơi đi”.
Lúc đầu Natsu không tin vào mắt mình, cô tự nói với mình rằng đó nhất định phải là một đúa trẻ trai từ tàu bị rơi xuống biển đang vật lộn với biển. Sau này bố của cô nhớ lại: “Khi Natsu về đến nhà liền nói với ông rằng có một bé trai rất kỳ quặc đang bơi cạnh bờ biển”. Sau đó khi ông cùng cô đi ra tìm cậu bé kỳ quặc ấy thì không còn nhìn thấy nữa.
Mùa hè năm 1814, người ta lại phát hiện hàng loạt những sự kiện liên quan đến người cá ở bờ biển Scotland. Lần này những người nhìn thấy là bọn trẻ. Lúc đầu chúng cho rằng, chúng đang nhìn thấy một phụ nữ bị rơi xuống nước.
Theo bức thư đăng trong “Biên niên sử Scotland” ngày 1/9 thì sau đó bọn trẻ đến gần quan sát, phát hiện đó là người cá: Nửa thân trên nó giống một phụ nữ xinh đẹp có khuôn mặt hồng hào, tóc dài bay trong gió (chỉ có điều hai cánh tay và hai bàn tay của nó thì lại nhỏ như của trẻ em), còn nửa phần thân dưới “Dù là màu sắc hay hình dạng thì cũng giống một con cá. Bọn trẻ gọi mấy nông dân gần đấy lại, trong đó có một người định dùng súng bắn động vật ấy nhưng mọi người ngăn anh ngay. Thế là anh ta liền nhìn nàng mỹ nữ rồi huýt sáo. Người cá liền quay đầu lại nhìn anh ta.
“Biên niên sử Scotland” viết: “Nó thường xuất hiện trong thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ, thường phát ra những tiếng kêu như ngỗng”. Về sau lại có người nhìn thấy hai lần, “đều là vào sáng sớm, khi trời yên biển lặng.”
Ngày 15/8 năm ấy có hai ngư dân nhìn thấy người cá cách bờ biển 400m. Theo tin của báo “Sao thủy Scotland” thì mặt của nó đen, mũi tẹt, miệng rộng nhưng mắt nhỏ, hai tay thì dài. Một lúc sau bạn gái của nó tới. Họ nghĩ như thế vì khi sinh vật thứ hai đến họ nhìn thấy có tóc dài, da mịn và còn có bầu ngực nhô lên. Hai người ngư dân thấy vậy sợ phát khiếp, vội và bơi thuyền thẳng vào bờ. Hai sinh vật kia thấy vậy cũng trừng mắt nhìn theo thuyền của họ.
Năm 1830, cư dân trên đảo Benbecula gần bờ biển Tây Bắc của Scotland từng nhìn thấy một sinh vật nhỏ nửa cá nửa người là phụ nữ đang lặn ngụp dưới biển. Một số thanh niên định xuống bắt nhưng không được. Cuối cùng một đứa trẻ đã dùng một phi lao ném trúng vào lưng nó, nó biến mất. Mấy ngày sau thấy xác của nó bị sóng đánh dạt vào bãi cát.
Cảnh sảt trưởng địa phương lúc đó là ông Duncan đã kiểm tra tỉ mỉ thi thể của nó. Sau này ông nói: “Nửa thân trên của sinh vật giống như một cháu gái phát triển đầy đặn, bầu ngực của nó hết sức nở nang. Tóc của nó vừa dài vừa đen, lại còn bóng nữa, da trắng mềm. Nửa thân dưới giống cá nhưng không có vảy”.
Dưới sự chứng kiến của nhiều người dân trên đảo, sinh vật ấy đã được chôn cất ở nghĩa địa. Năm 1901, nhà nghiên cứu truyền thuyết dân gian Mac Donald Robertson nói: “Nấm mộ đó đến nay vẫn còn, tôi đã tận mắt nhìn thấy”.
Người cá không chỉ có ở Scotland mà ở châu Mỹ người ta cũng xác nhân mỹ nhân ngư xuất hiện sẽ được phản ánh trong kỳ tới, mời các bạn đón đọc...
(Còn nữa)