Nay người... mai ta

(PLO) - Có lần tôi vào viếng người thân nằm tại một nghĩa trang ở Định Quán, Đồng Nai. Lúc đi vào không để ý tấm biển ở cổng nghĩa trang vì nhìn từ bên ngoài tấm biển cũng chỉ là một dòng chỉ dẫn tên và địa chỉ nghĩa trang mà thôi. Lúc đi về, nằng nặng nỗi lòng với người nằm lại, tha thẩn tản bộ ra cổng nghĩa trang thì bất chợt tôi thoáng giật mình. 
Ảnh minh họa từ internet.

Giật mình vì thấm thía, giật mình vì những ẩn ý xa lắc xa lơ của một dòng chữ nằm sau tấm biển mà chỉ có thể nhìn được nếu đi từ nghĩa trang về: NAY NGƯỜI… MAI TA!

Ai rồi cũng sẽ trở về với cát bụi và khi đã chấm dứt cõi đời thì ai cũng như ai không kể sang hèn. Ai rồi cũng có lúc phải nếm trải những trái đắng cuộc đời, những thất bại, những đớn đau và cả những ngọt ngào hạnh phúc. Nay người, mai ta không giản đơn như một lời răn về quy luật sinh tử, mà sau cánh cửa nghĩa trang, dòng chữ ấy còn nhắc nhở nhiều điều. Đừng vội đánh giá ai, phỉ báng ai, chê bai ai, hả hê với nỗi đau của ai… bởi biết đâu bi kịch đấy có ngày sẽ rơi vào mình. Như dân gian vẫn dạy nhau: “Cười người chớ có cười lâu/Cười người hôm trước hôm sau người cười”.

Lạ lùng là hiện tại nhiều người mắc bệnh “hả hê” và có một khoái cảm kỳ lạ khi bình phẩm, chê bai và hạ bệ người khác. “Nhân bất thập toàn”, ai mà chẳng mắc phải những sai lầm, vấn đề là họ có bước qua được những lỗi lầm để làm người tử tế hay không? Mà để đánh giá sự tử tế thì cũng khó khăn vô cùng trong thời buổi rất nhiều kẻ khoác lên mình chiếc áo thầy tu để che đậy bộ mặt ác quỷ của mình.

Như chuyện một phóng viên bị bắt trên Yên Bái, dư luận trái chiều nhưng “não trạng” chung thì rất nhiều sự hả hê. Nhưng càng hả hê bao nhiêu thì càng thấy bấy nhiêu sự tủi hờn. Cơ quan điều tra sẽ có kết luận về vụ việc này, sẽ không ai đi bênh vực cho những hành vi vi phạm pháp luật nếu có. Càng là nhà báo vi phạm pháp luật thì càng xử lý nghiêm túc để giữ lấy sự liêm chính cho nghề. Và nếu sự việc này có thật thì… cũng chẳng có gì đáng để hả hê. Bởi nó là một nỗi đau, nỗi nhục và thêm một bài học sau hàng tá bài học đắng cay khác của những người cầm bút.

Càng không thể hả hê vì ai sau những sai lầm cũng đều có cơ hội để làm lại cuộc đời. Hả hê quá sẽ cười trên nỗi đau của đồng nghiệp, thậm chí có những người “chưa bị lộ” cũng góp thêm tiếng cười để trang điểm cho sự “sạch sẽ” của mình.

Cái còn lại trên cõi đời này mãi mãi vẫn là liêm chính, cạnh nó là khách quan và công tâm. Vì oái oăm là có những sự việc “bỗng dưng” rơi vào mình, oan mười mươi nhưng để gột rửa được nỗi oan ấy thì má đã sưng đến mức chẳng còn chỗ mà sưng.

Nay người mai ta, cứ ngẫm để thấy cuộc đời vốn dĩ rất công bằng. Gieo gì gặt đấy, nên cứ bình tình, liêm chính thì vạ ít đến thân. Ai sai người đấy chịu, nhưng hả hê với cái sai như tiếng vỗ tay sau khi tòa tuyên án tử một kẻ giết người, đôi lúc cũng thấy bất nhẫn lạ lùng!

Đọc thêm