Người cầm đầu cho cuộc phản loạn, mà sử nhà Nguyễn gọi là “giặc chày vôi”, ấy là Đoàn Hữu Trưng (1844-1866), người đất làng An Truyền (tên Nôm là làng Chuồn), huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên, nay là xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thiết tưởng, cũng nên nói qua vài dòng về người cầm đầu.
Chân dung người đứng đầu
Đoàn Hữu Trưng, còn có tên là Đoàn Thái, tự Tử Hòa, hiệu Trước Lâm. Theo nghiên cứu của Đinh Xuân Lâm và Triều Dương, thì Trưng con nhà dân thường, giàu tài trí, hay chữ. Dẫu chưa đi thi, mà trong vùng đã đoan chắc Trưng sẽ là bậc khoa giáp nay mai. Ngay như em của Trưng, là Đoàn Tư Trực, cũng khen anh mình rằng:
Đông Sơn đáng mặt làm anh,
Trí mưu dành để trung thành rạng gương.
Thiệt là nên mặt văn chương,
Giá này dầu đổi ngàn vàng cũng ưng.
Đông Sơn ở đây, là chỉ nhóm “Đông Sơn thi tửu hội” của anh em Trưng lập ra với những thành viên như Trương Trọng Hoài, Đoàn Tư Trực và Trưng, gọi là “Đông Sơn tam hữu”, ngoài ra còn có những Đoàn Hữu Ái (em Trưng), Phạm Lương.
Sau này, Đoàn Hữu Trưng từng sáng tác nên Trung nghĩa ca, mà như Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh nhận xét là một loại “nạn trung tác”, tức là sáng tác trong tù. Lời thơ tỏ ra khí tiết của một nhà Nho sẵn sàng liều mình vì nghĩa lớn. Bài Trung nghĩa ca ấy, cả thảy có 498 câu, kể lại khá tường tận cuộc khởi nghĩa mà Trưng lãnh đạo.
Cũng bởi là kẻ có tài, nên năm Giáp Tý (1864), khi Trưng tròn 20 xuân, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, hoàng thân nhà Nguyễn, chú ruột vua Tự Đức, cũng là một tay thơ phú có tiếng đất kinh kỳ (được khen trong câu “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”) đã gả con gái yêu là Thể Cúc cho Trưng, lại cho Trưng được ở rể.
Dẫu được ở nơi cao sang, quyền quý, nhưng không lâu sau, Trưng xin cha vợ cho ra ngoài ở, và rồi năm Bính Dần (1866), khi tuổi mới 22, Trưng làm một cuộc mưu sự lật đổ ngai vàng của vua Tự Đức. Dẫu sau đó phải chịu cảnh đầu rơi, mà tên tuổi thì làm rúng động cả chốn kinh kỳ dạo ấy.
|
Vua Tự Đức |
Mưu sự từ Vạn niên cơ
Nguồn cơn sự việc, bắt đầu từ Vạn Niên cơ. Tháng 9 năm Giáp Tý (1864), vua Tự Đức cho xây Vạn Niên cơ tại làng Dương Xuân, nơi được xem là “Vạn niên cát địa” (đất tốt muôn năm để táng) làm nơi yên nghỉ tương lai. Công trình này dự kiến làm trong 6 năm. Nhưng Biện lý Nguyễn Văn Chất, Thống chế Nguyễn Văn Xa phụ trách công trình cam đoan chỉ cần 3 năm là xong.
Cũng thời điểm này, các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi bị bão lụt, còn Nam Kỳ đại hạn. Giặc đói đang đe dọa dân lành, mà những cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng vùng Quảng Yên, mọi Đá Vách ở Quảng Ngãi làm triều đình vất vả chống đỡ. Ấy là chưa nói tới giặc Pháp đang xâm lược nước ta.
Khó khăn từ thiên tai, nhân tai, ngoại xâm bủa vây, thế mà vua thì vẫn lo cho âm phần của mình, dân phu rất ư khổ cực. Cảnh ấy, trong Việt sử tân biên có ghi lại, theo đó “đặt lệ cho binh sĩ phục dịch cứ sáu tháng thay phiên một lần để nghỉ ngơi dưỡng sức. Vì muốn làm cấp tốc họ chẳng cho binh sĩ nghỉ ngơi, thay phiên đổi lượt gì cả, nên chúng oán hận và đến đâu người ta cũng nghe lời ta thán”. Dạo ấy có câu binh phu chửi Chất rằng:
Một thằng Biện Chất nên ghê,
Xem quân như cỏ chẳng hề xót thương.
Đoàn Hữu Trưng nắm bắt được tâm tư của phu Vạn Niên cơ bất mãn, liền nhân đó lập mưu cùng mẹ và vợ Đinh Đạo, con An Phong công Hồng Bảo (anh vua Tự Đức, đã chết vì đảo chính bất thành) để lợi dụng lực lượng dân phu mà mưu sự, hòng nhân cơ hội này, lật đổ vua Tự Đức, lập Đinh Đạo lên ngai vàng. Mục đích ấy, trong Trung nghĩa ca, chính Trưng có ghi:
Trước tôn vua Thái thượng hoàng,
Sau tôn ngũ đại đồng đường lên ngôi.
Thế là, để che mắt quan binh, đàn chay giải oan 3 ngày cho Hồng Bảo được thực hiện tại chùa Pháp Vân do sư Nguyễn Văn Quý trụ trì gần Vạn Niên cơ ngày 8/9 năm Bính Dần (1866). Những kẻ mưu sự tề tựu đông đủ, trong đó có cả sư sãi, quan binh nhà Nguyễn rồi canh ba đêm ấy, theo lời thuật của Đại Nam thực lục “bọn Trưng dọa nạt và bắt ép dân phu cầm cờ và giáo mác đến công trường Dương Xuân”.
Cuộc truy lùng Biện Chất được thực hiện, nhưng chỉ tên Thống chế Nguyễn Văn Xa bị bắt. Lực lượng nổi dậy nói dối rằng có sắc lệnh cho bãi công trường, thu quân về thành, phù lập Đinh Đạo lên làm vua, ngày hôm sau sẽ triều hạ ban thưởng, ai trái lệnh sẽ bị chém. Thế là “binh lính trông thấy, người cầm binh khí, người cầm chày gỗ (chày để đập vôi) đi theo “giặc” hàng nghìn người”.
Vậy là lúc ban đầu, lực lượng nổi dậy đã thu phục được đám dân phu bất mãn nơi Vạn Niên cơ để gây thanh thế. Cũng bởi nhiều người cầm chày gỗ đập vôi làm vũ khí, mà sử nhà Nguyễn sau gọi “giặc chày vôi” là vậy. Đoàn Hữu Trưng cho chia lực lượng làm ba đạo ồ ạt kéo vào thành.
Nhờ có nội ứng của Hữu quân Tôn Thất Cúc trong Đại Nội, hai cánh quân tiến được vào các kho Cẩm Y và Kim Ngô và cướp được khí giới, thậm chí tiến vào được Duyệt Thị sát nơi vua Tự Đức ở.
Dẫu vậy, do chần chừ, thêm quân là đám ô hợp, nên không lâu sau quan quân triều đình phản công, kẻ bị bắt sống, kẻ bị giết tại chỗ. Dân phu, binh lính theo khởi nghĩa kẻ chạy về quân doanh của mình, hoặc về Vạn Niên cơ. Cuộc tập nã những kẻ “phiến loạn” được thực hiện.
|
Vạn Niên cơ trước đây |
Một cuộc tận diệt
Việc thất bại, vua Tự Đức quyết diệt cho tận những kẻ phản loạn ngay lập tức. Trong Bản triều bạn nghịch liệt truyện cho hay, ngay sau khi cuộc biến loạn bị dẹp tan, quan quân tỏa đi khắp các chùa quanh Vạn Niên cơ lùng bắt. Sư Quý bởi trong chùa chứa đầy quân nhung, gươm giáo nên bị bắt trói đem về giao bộ Hình tra xét. Đoàn Hữu Ái bị thương, phải nằm cung khai, tự nhận “Việc này do ta làm ra chứ không ai sai khiến”. Khai xong, Ái tự cắt cổ mà chết nhưng vẫn bị chém bêu đầu.
Đến phiên tra xét chủ mưu là Trưng, thì cũng sách trên, cho thấy cái khí chất của họ Đoàn: “Tra đến bọn Trưng, chúng chỉ nói: “Việc thành thì làm vua thiên hạ; việc chẳng thành thì làm ma dưới đất! Hà tất phải hỏi xét sâu xa”. Quan Hình bộ Thượng thư là Lê Bá Thận sai đem kềm sắt ra kẹp thì chúng chỉ nhắm mắt, kẹp xong chúng lại cười nói như thường. Hai vế đùi chỉ còn xương!”.
Trong khi ấy, sư trụ trì Quý thì bị dao tra, cưa cắt là cung khai ngay, nhưng nhiều chỗ cung khai không chính xác. Sau đó, theo lời thuật trong Đại Nam thực lục “thủ phạm là Trưng, Trực, Hòa, Quý và mười ba trọng phạm đều bị lăng trì và bêu đầu”.
Còn Đinh Đạo con của Hoàng Bảo, vì cờ nghĩa của quân Trưng giương lên có 4 chữ “Ngũ đại hoàng tôn” chỉ đích danh Đạo, nên nghiệt thay sau đó, Đinh Đạo cùng mẹ, vợ, các con tất cả 8 người đều bị giảo quyết mất mạng. Riêng Hữu quân Tôn Thất Cúc, Vệ úy Tôn Thất Giác người thì phải uống thuốc độc, kẻ bị chém đầu.
Tôn Thất Cúc xác bị đem lăng trì, bêu đầu, con cái phải đổi theo họ mẹ, “ngoài ra số người bị thắt cổ cũng nhiều. Án thành mà người bị cáo làm phản thì vô số”, đến nỗi quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Vũ Trọng Bình phải tâu xin vua cho kết thúc vụ án để khỏi liên lụy quá nhiều.
Tùng Thiện vương Miên Thẩm vì con rể làm phản, nhưng con gái Thể Cúc trước đó đã bị chồng đuổi về nên được miễn nghị tội; dẫu vậy, Thể Cúc phải đổi sang họ mẹ là Tống. Trong Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, Đổng lý ngự tiền văn phòng của Bảo Đại là Phạm Khắc Hòe khi kể lại có cho hay, Tùng Thiện vương bị phạt bổng 8 năm vì kén rể không tinh.
|
Tác phẩm Trung nghĩa ca của Đoàn Hữu Trưng trước khi bị hành quyết |
Dẫu những kẻ mưu sự chính cùng bao người liên đới đã bị xét xử thành án, nhưng vua Tự Đức không khỏi giật mình. Còn Vạn Niên cơ của ngài, thì sau phải đổi thành Khiêm lăng...