Cho dù Mỹ vẫn còn rất nhiều binh lính được triển khai ở châu Âu và gần một nửa trong số binh lính rút ra khỏi nước Đức được dự định đưa đến các nước khác ở cả NATO và châu Âu, nhưng việc Mỹ rút quân này vẫn cay đắng đối với NATO và nước Đức mà cả hai đều vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” chấp nhận chứ không thể cản trở, vẫn phải duy trì quan hệ với Mỹ chứ không dám căng thẳng với Mỹ. Họ cay đắng chủ yếu vì hai lý do.
Thứ nhất, Mỹ quyết định chuyện lớn này theo cách đơn phương chứ không trao đổi, tham vấn và thống nhất trước với NATO và Chính phủ Đức. Phía Mỹ bất chấp mọi lo ngại của NATO và Chính phủ Đức. Rất nhiều người cho rằng phía Mỹ bằng cách hành xử đơn phương này công khai biểu lộ quan điểm thái độ không còn coi trọng NATO như trước.
Ông Trump cũng đã có vài lần công khai cho rằng NATO hiện đã lỗi thời. Bên cạnh đó, người ta còn cho rằng động thái mới này của Mỹ nhằm trực diện vào Chính phủ hiện tại ở nước Đức như thể trừng phạt nước này vì đã khiến Mỹ không hài lòng trong một số chuyện, đặc biệt trong việc thực hiện quyết định chung của NATO năm 2016 là dùng 2% GDP chi cho ngân sách quân sự và quốc phòng mà đến nay phía Đức vẫn chưa thực hiện đầy đủ.
Trong dự án hợp tác giữa Nga với một số thành viên Liên minh châu Âu về xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga ngầm quan Biển Bắc trực tiếp sang Tây Âu mà Mỹ hiện đang tìm cách chống phá bằng mọi giá.
Thứ hai, việc Mỹ rút bớt quân đội ra khỏi châu Âu bị NATO nhìn nhận là biểu hiện cho chủ trương giảm cam kết của Mỹ, trong đó đặc biệt là cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên NATO. Mỹ càng giảm cam kết và can dự thì NATO càng suy yếu cả về chính trị lẫn quân sự, danh còn nhưng mất thực.
Sự tồn tại và hoạt động của NATO phụ thuộc vào Mỹ trong khi Mỹ không còn chủ ý phải sử dụng NATO để gây dựng vai trò chính trị thế giới. Cả NATO và Đức đều trong tâm trạng lo ngại và hậm hực, nhưng đều vẫn phải tranh thủ và níu kéo Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết với NATO cũng như không triệt thoái hoàn toàn quân đội Mỹ ra khỏi nước Đức và châu Âu.