Ngậm ngùi quy định mới về thời hạn giám đốc thẩm án hành chính

Một trong những điểm mới ở luật Luật Tố tụng Hành chính (có hiệu lực từ 1/7) là quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ được kéo dài hơn. Thậm chí, sẽ có trường hợp được kháng nghị giám đốc thẩm quá hạn nếu “lỗi” để quá hạn này không thuộc về đương sự. Quy định này khiến nhiều người dân phải “chạnh lòng” vì trong những vụ án hành chính của mình trước đây, lỗi để quá hạn không thuộc về họ.

Ngày 1/7/1011, Luật Tố tụng Hành chính sẽ có hiệu lực. Một trong những điểm mới ở luật này là quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ được kéo dài hơn so với trước đây. Thậm chí, sẽ có trường hợp được kháng nghị giám đốc thẩm quá hạn nếu “lỗi” để quá hạn này không thuộc về đương sự. Quy định này khiến nhiều người dân phải “chạnh lòng” vì trong những vụ án hành chính của mình trước đây, lỗi để quá hạn không thuộc về họ.
Ngậm ngùi quy định mới về thời hạn giám đốc thẩm án hành chính ảnh 1
 
Thời gian qua, PLVN đã phản ánh về vụ kiện hành chính của cụ Ngô Thị Rào (74 tuổi- tiểu khu Quốc Bảo, TT Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) đối với UBND TP Hà Nội trong việc cấp Giấy CNQSD đất ở cho người khác tại thửa đất mà gia đình cụ sử dụng từ năm 1957. Án sơ thẩm và phúc thẩm đều bác đơn khởi kiện của cụ Rào, giữ nguyên quyết định bị kiện. Tuy nhiên, ngày 24/12/2009, VKSNDTC có Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TANDTC huỷ bản án hành chính phúc thẩm của TANDTC tại Hà Nội và bản án sơ thẩm của TAND Tp Hà Nội.

Thế nhưng, gần 6 tháng sau, ở thời điểm gần hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, VKSNDTC lại ra một Quyết định khác để “rút quyết định kháng nghị” với lý do “thấy không cần thiết phải kháng nghị đối với bản án phúc thẩm hành chính nêu trên”. Quyết định này có nội dung trái ngược với Quyết định kháng nghị nhưng lại không hề đưa ra các chứng cứ, nhận định để phủ nhận quan điểm trước đó khiến dư luận nghi ngờ việc rút kháng nghị này có vấn đề.

Cho đến nay, đã hai năm kể từ khi có bản án phúc thẩm và sau rất nhiều văn bản đôn đốc của các cơ quan Trung ương, TANDTC vẫn “án binh bất động” và cho hay VKSNDTC đang giữ hồ sơ vụ án, TANDTC sẽ phối hợp với VKSNDTC để tiếp tục nghiên cứu, xem xét vụ án hành chính này theo đúng quy định của luật.

Theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì cụ Rào coi như đã hết cơ hội để có được kháng nghị Giám đốc thẩm do đã hết thời hạn kháng nghị (1 năm kể từ khi án phúc thẩm có hiệu lực) cho dù bên bị kiện rõ ràng xuất hiện nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc cấp sổ đỏ. Điều đáng nói là lỗi để quá hạn này không thuộc về cụ Rào vì đương sự này đã liên tục có đơn đến người có thẩm quyền kháng nghị và nhiều cơ quan khác đề nghị xem xét lại bản án. Việc rút kháng nghị ở phút chót của VKSNDTC cũng khiến TANDTC khó xoay xở kịp khi mà thời hạn kháng nghị không nhiều trong khi mình lại không giữ hồ sơ.

Tuy nhiên, kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính được công bố (16/12/2010), những trường hợp ‘hết thời hạn kháng nghị’ mà không thuộc lỗi của đương sự như trên đã có “lối thoát”. Theo quy định mới, trong thủ tục giám đốc thẩm sẽ có hai loại thời hạn. Một là thời hạn “phát hiện” của đương sự- “trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Hai là thời hạn “ra kháng nghị”- người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, quy định mới về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đã dài hơn với quy định tại Pháp lệnh Giải quyết các vụ án hành chính đang được thi hành (1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật). Không những vậy, Luật Tố tụng Hành chính còn quy định về trường hợp khi đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 1 năm từ khi bản án có hiệu lực thì dù quá hạn 2 năm mới phát hiện bản án có sai lầm nghiêm trọng, người có quyền kháng nghị vẫn được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đây có thể nói là một cơ chế đặc biệt, cho phép kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng đã hết thời hạn kháng nghị nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong những trường hợp mà lỗi của việc để quá thời hạn thuộc về người có thẩm quyền kháng nghị. Tức là đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn luật định nhưng người có thẩm quyền kháng nghị không xem xét kịp thời hoặc đã được xem xét nhưng không kháng nghị

Theo giới luật sư thì quy định trên đã khắc phục được bất cập trong thời gian vừa qua là đương sự có đơn đề nghị xem xét giám đốc từ rất sớm nhưng người có thẩm quyền chưa kiểm tra được ngay vì một lý do nào đó. Khi phát hiện sai sót thì đã hết thời hạn kháng nghị khiến quyền lợi chính đáng của đương sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng cũng rất nhiều người như bà Rào trong trường hợp nêu trên sẽ rất “chạnh lòng” với vụ án hành chính trước đây của mình vì quy định trên không có hiệu lực “hồi tố”. Điều này đồng nghĩa với việc, vụ án hành chính “có vấn đề” của họ sẽ không được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm mặc dù họ đã có đơn đề nghị đúng thời hạn và việc để quá thời hạn không phải lỗi của họ.

Khoa Lâm

Đọc thêm