Ngàn năm thăng trầm nghề muối ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các nhà sử học khẳng định rằng, ít có quốc gia nào mà sự ảnh hưởng của muối đến nền kinh tế - chính trị - xã hội lại rõ rệt và đáng kể như tại Trung Quốc.
Cánh đồng muối khổng lồ được ví như “gương trời” ở hồ muối Chaka cũng trong địa phận tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc).
Cánh đồng muối khổng lồ được ví như “gương trời” ở hồ muối Chaka cũng trong địa phận tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc).

Trung Quốc độc quyền muối 2.600 năm

Muối không chỉ là mặt hàng quan trọng làm nên sự giàu có của các nước chư hầu từ thời cổ đại, mà còn là nền tảng xây dựng một đế chế, nguồn cơn của các cuộc chiến tranh và các cuộc cách mạng. Bởi vì con người không thể tồn tại nếu thiếu muối.

Nói rõ hơn về tầm quan trọng của muối, Dự án Big History, được khởi xướng bởi tỷ phú Bill Gates and sử gia David Christian, giải thích rằng: “Muối đã xây dựng nên Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, giúp biến New York thành thành phố phát triển nhất của Mỹ như hiện nay. Nếu không có muối, các nền văn minh sẽ không bao giờ có thể phát triển mạnh mẽ, các phát kiến công nghệ cũng mắc kẹt trong thời kỳ đồ đá”.

Lịch sử muối tại Trung Quốc gắn liền với những truyền thuyết về Hiên Viên Hoàng Đế, một vị quân chủ huyền thoại, anh hùng văn hoá của nền văn minh Trung Hoa, và được coi là thuỷ tổ của mọi người Hán. Ông là người đã phát minh ra chữ viết, vũ khí và phương tiện đi lại. Theo những thoại bản cổ xưa ghi lại, Hiên Viên Hoàng Đế cũng chính là người phát động những cuộc chiến đầu tiên để tranh chấp quyền kiểm soát muối.

Có hơn 1000 hồ muối, cảnh quan muối ở Trung Quốc.Có hơn 1000 hồ muối, cảnh quan muối ở Trung Quốc.

Muối gắn liền với các mốc lịch sử quan trọng của quốc gia, sự phát triển kinh tế và các mối quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội. Cho đến ngày nay, Trung Quốc vẫn là nơi sản xuất và tiêu thụ muối hàng đầu thế giới. Đất nước này cũng là nơi chính phủ kiểm soát độc quyền thương mại về muối lâu nhất trên thế giới, kéo dài khoảng 2.600 năm. Phải cho đến ngày 1/1/2017, chính phủ Trung Quốc mới chấm dứt tình trạng độc quyền này và mở rộng cho các doanh nghiệp sản xuất muối khác trong nước.

Câu chuyện của “biển chết”

Một trong những nguồn muối sớm nhất từ thời tiền sử được các nhà khảo cổ phát hiện ở Trung Quốc nằm ở tỉnh Sơn Tây, thuộc miền bắc nước này. Tại vùng đất có khí hậu bán khô hạn, hình thành nên rất nhiều sa mạc này lại có một hồ nước mặn nổi tiếng đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay. Đó là hồ muối Yuncheng, hay còn gọi là “biển chết”.

Cảnh quan nơi này nổi bật với những hồ nước có gam màu sắc nổi bật. Các nhà khoa học giải thích, hồ muối Yuncheng là nơi sinh sống của một loài vi tảo có tên Dunaliella salina có khả năng chịu đựng và phát triển mạnh trong môi trường mặn. Loài tảo này tạo ra những bông hoa mà mắt thường sẽ chỉ nhìn thấy màu xanh lục, nhờ có một lớp bảo vệ gọi là carotenoids. Những bông hoa này xuất hiện với các màu đỏ thẫm, tím, xanh neon và xanh lục vào những ngày khi nhiệt độ cao.

Mỗi năm khi nước hồ bốc hơi trong ánh nắng hè, các tinh thể trắng muốt hình vuông bắt đầu xuất hiện lấp lánh trên mặt nước. Người Trung Quốc từ xa xưa đã gọi hiện tượng này là “hoa muối nở”. Hiện tượng này đã được phát hiện vào khoảng năm 6.000 trước Công Nguyên (TCN).

Các mẫu xương người tiền sử được tìm thấy xung quanh hồ còn có niên đại sớm hơn. Một số nhà khảo cổ suy đoán rằng, đã có cư dân sinh sống gần hồ Yuncheng từ hơn 6.000 năm TCN và hưởng lợi từ việc thu thập muối trong hồ. Tuy nhiên, khu vực này cũng được biết đến với những cuộc chiến tranh liên miên để tranh giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên trong hồ. Đây cũng là nguyên nhân hồ được mệnh danh là “biển chết” của Trung Quốc.

Các đụn muối trên bờ biển Bột Hải ở phía đông bắc của Trung Quốc khi nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Nasa/Wikimedia Commons.

Các đụn muối trên bờ biển Bột Hải ở phía đông bắc của Trung Quốc khi nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Nasa/Wikimedia Commons.

Bản ghi chép sớm nhất về sản xuất muối ở Trung Quốc có niên đại vào khoảng 800 năm TCN. Theo đó, việc sản xuất và buôn bán muối biển bắt đầu dưới triều đại nhà Hạ (2100-1600 TCN). Một trong những kỹ thuật lâu đời nhất là cho nước biển hoặc nước hồ muối vào các bình đất sét và đun sôi cho đến khi xuất hiện các tinh thể muối. Đáng nói, đây cũng là kỹ thuật đã được Đế chế La Mã truyền bá qua miền nam châu Âu, khoảng 1.000 năm sau khi tài liệu của Trung Quốc được viết ra.

Một nguồn tài liệu khác cho biết, vào khoảng 1.000 năm TCN, sắt lần đầu tiên được sử dụng ở Trung Quốc nhưng phải đến khoảng năm 450 TCN, công cụ này mới được sử dụng trong quy trình sản xuất muối. Theo một thoại bản được viết vào năm 129 TCN: “Yi Dun nổi tiếng nhờ phương pháp sản xuất muối trong chảo”. Theo đó, người này đã đun sôi nước muối trong chảo sắt – phương pháp này đã trở thành một trong những kỹ thuật tân tiến nhất để làm muối trong khoảng 2.000 năm sau đó.

Cũng theo thoại bản này, Yi Dun đã thường xuyên hợp tác với một người thợ sắt tên Guo Zong và một quan chức giàu có tên Fan Li. Fan Li được cho là thuỷ tổ của nghề nuôi cá. Vì thế, trong nhiều thế kỷ sau đó, nghề nuôi cá gắn bó mật thiết với nghề làm muối ở Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc, bao gồm nhà tư tưởng Nho giáo nổi tiếng Mạnh Tử (năm 372 – 289 TCN) cũng từng mưu sinh bằng nghề bán cá và muối.

Nhìn chung, trong một quãng thời gian dài trong lịch sử Trung Quốc, muối chỉ dành cho giới vua chúa, quan lại, quý tộc và những người giàu có bởi vì đây là mặt hàng cực kỳ đắt tiền. Người dân thường Trung Quốc hiếm có dư dả muối để sử dụng thoải mái như rắc trực tiếp lên thức ăn hay dùng ướp nguyên liệu. Thông thường, muối được thêm vào trong quá trình nấu nướng dưới dạng nước hoặc bột nhão để tiết kiệm hơn.

Hồ Yuncheng còn được mệnh danh là “biển chết”.

Hồ Yuncheng còn được mệnh danh là “biển chết”.

Nguồn tài nguyên quý giá của đại lục

Đến nay, muối vẫn là một tài nguyên quan trọng bậc nhất của Trung Quốc. Theo thống kê, hiện nay tại đất nước này không có dưới 1.000 hồ muối ở các tỉnh, thành khác nhau. Hầu hết chúng đều là những cảnh quan tuyệt đẹp, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

Đơn cử, nằm ở phía nam của tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc, có thị trấn Tự Cống (Zigong) nổi tiếng với nền văn hóa muối độc đáo. Thị trấn có lịch sử sản xuất muối từ đá giếng vào khoảng 1.900 năm trước đó, từ thời Hán Chương Đế (75 – 88 SCN). Cũng nổi tiếng từ phương pháp làm muối lâu đời từ các giếng muối địa phương, đó là huyện Mang Khang (Markam) thuộc địa khu Xương Đô (Qamdo), nằm ở biên giới giữa phía đông nam Tây Tạng và phía bắc tỉnh Vân Nam (Yunnan).

Hồ muối Thanh Hải ở phía tây bắc Trung Quốc.

Hồ muối Thanh Hải ở phía tây bắc Trung Quốc.

Lịch sử của ngành công nghiệp muối Mang Khang có từ 1.200 năm trước vào thời nhà Đường (618 - 907 SCN). Người dân địa phương đào giếng trên những ngọn đồi dọc theo sông Lan Thương (Lancang), hay chính là sông Mekong mà chúng ta thường gọi. Diêm dân dẫn nước muối từ sâu trong lớp đất đá, từ đó muối kết tinh sau nhiều ngày bay hơi. Hiện nay, địa phương có khoảng 3.454 cánh đồng muối. Những vựa muối mang hương vị cổ xưa và lối sống địa phương độc đáo của cộng đồng cũng là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tại tỉnh Thanh Hải, phía Tây Bắc Trung Quốc, cũng có hai cảnh quan muối nức tiếng khắp nơi. Đó là hồ muối Thanh Hải (Qinghai), còn gọi là hồ Koko Nor, cũng được coi là hồ muối lớn nhất Trung Quốc, hồ nước mặn lớn thứ hai thế giới. Hồ Thanh Hải cũng là hồ rộng nhất không có hệ thống thoát nước ra ngoài tại Trung Quốc, được người cổ xưa đã xếp vào Tây Hải trong Tứ Hải. Mặt khác, cũng trên địa bàn tỉnh này là hồ muối Chaka nằm ở huyện Ô Lang.

Đây là hồ muối kết tinh tự nhiên nổi tiếng mà hầu như không người Trung Quốc nào không biết. Theo người dân địa phương và du khách, tinh thể muối ở đây rất tinh khiết, có vị mặn đặc biệt hơn các loại khác và có lịch sử khai thác 3.000 năm. Khi thời tiết đẹp, nhìn từ xa trông hồ muối như một tấm gương phản chiếu bầu trời khổng lồ.

(Còn tiếp)

Đọc thêm