Ngăn ngừa bạo lực gia đình trong bối cảnh dịch bệnh

(PLVN) -Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, tình trạng mất việc làm, kinh tế khó khăn hoặc từ những ứng xử chưa phù hợp giữa các thành viên trong gia đình đều có thể dẫn đến bạo lực gia đình.

Dấu hiệu bạo lực gia đình tăng

Một ngày giữa tháng 8/2021, tổng đài 1900 96 96 80 tiếp nhận cuộc gọi của chị N.T.N về việc xin tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam do bị chồng bạo lực.

Ngay lập tức, khoảng 13h50 cùng ngày, phòng Tham vấn Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận hỗ trợ 3 mẹ con chị trong tình trạng khẩn cấp. Chị N đến trong tình trạng bị bạo lực nghiêm trọng, toàn thân bị đánh, tinh thần hoảng loạn. Ba mẹ con đến xin tạm lánh khi trên người không mang theo được bất kỳ thứ gì, giấy tờ tùy thân đã bị người chồng xé hết, người mẹ chỉ kịp mang theo 2 đứa con đi tìm kiếm sự an toàn.

Người phụ nữ trên là một trong những trường hợp giải cứu khẩn cấp của Ngôi nhà Bình yên ở thời điểm nhiều tỉnh, thành cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài 1900 96 96 80 đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi, tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình. Nếu tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của các phụ nữ tỉnh khu vực miền Nam. Tại Hà Nội, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 (54 người). Ngôi nhà Bình yên tại Cần Thơ hỗ trợ 12 người tạm trú, tăng 266% so với năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020, tiếp nhận mới 3 người tạm trú).

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Trong đại dịch COVID, những hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục tăng lên về cả tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn. Khi cả nước đang chung tay chiến đấu với đại dịch COVID 19, Ngôi nhà Bình yên cũng là một chiến tuyến 24/7 sẵn sàng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình”.

Hướng dẫn bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi cách ly tại nhà

“Hướng dẫn bảo đảm an toàn cho trẻ em và phụ nữ khi cách ly tại nhà trong phòng chống dịch COVID-19” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UNICEF vừa ban hành đã đưa ra những kiến thức để phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Theo đó, để phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, các cán bộ cơ sở tham gia quá trình hỗ trợ cách ly và giãn cách xã hội phòng chống COVID-19 cần trao đổi với các gia đình về các hình thức bạo lực trẻ em và phụ nữ. Trong đó có cả bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Cùng với đó, tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách phòng ngừa bạo lực với phụ nữ bằng cách như để ý những dấu hiệu của người chồng trước khi gây bạo lực.

Hướng dẫn lưu ý phụ nữ luôn mang theo điện thoại di động bên mình và chuẩn bị một túi an toàn bao gồm: các giấy tờ quan trọng; một ít tiền mặt; quần áo của bản thân và (các) con; dụng cụ vệ sinh cá nhân. Để chúng ở nơi an toàn và dễ lấy trong trường hợp cần thoát thân và gửi cho một người tin cậy. Thường xuyên liên hệ và thông báo tình hình với người mà họ tin cậy một cách bí mật. Có thể thống nhất một số mật ngữ đơn giản mà người gây bạo lực không nghi ngờ, người mà họ tin cậy có thể hiểu về tình trạng khẩn cấp của họ và có hành động trợ giúp ngay khi cần...

Tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách xử lý khi bạo lực xảy ra với trẻ em và phụ nữ bằng cách nói không và yêu cầu người gây bạo lực dừng lại một cách kiên quyết, kêu to phát tín hiệu cấp cứu, nhắn tin/gọi điện cho người mà họ tin tưởng với mật ngữ đã thống nhất nếu có thể, không chạy vào các góc chết như: tủ, phòng tắm, nhà bếp và không gian nhỏ, tìm cách tự bảo vệ an toàn cho mình và các con, ngay cả khi có thể phải thỏa hiệp tạm thời với người gây bạo lực, tìm cách thoát ra khỏi nơi xảy ra bạo lực.

Đặc biệt, Bộ tài liệu cũng chia sẻ những điều trẻ em cần biết để tự chăm sóc bản thân trong thời gian ở nhà vì dịch COVID-19, với những nội dung đáng chú ý như: dậy sớm, ăn sáng đầy đủ, tập các bài thể dục vui nhộn, tham gia học trực tuyến, đọc sách thú vị, hài hước… Bộ tài liệu lưu ý nếu trẻ vẫn cảm thấy căng thẳng và chưa thể suy nghĩ thích cực có thể tìm đến trợ giúp bằng cách gọi điện thoại (cho người thân, hoặc Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111; Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp; Cơ quan công an các cấp; UBND cấp xã/phường; Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 1900.969.680…).

Đọc thêm